Nghĩa tình với Trường Sa
Đến với Cụm Kinh tế- Khoa học- Dịch vụ (DKI) mới thấy hết sự dũng cảm của những con người đang ngày đêm canh giữ sự bình yên của thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Tính đến năm 2010, Nhà nước đã đầu tư xây dựng 20 nhà giàn trên 6 bãi ngầm ở khu vực DKI. Hiện nay có 15 nhà giàn hiện diện vững chắc trên các bãi ngầm khu vực DKI (một số nhà giàn không còn nguyên vẹn, do sóng gió đánh nghiêng). Thường trực tại đây có các lực lượng bộ đội hải quân, cùng cán bộ, nhân viên của các ngành bảo đảm hàng hải, khí tượng, thủy văn, dầu khí ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ và phục vụ quốc kế dân sinh.
Một góc khu dân cư xã đảo Song Tử Tây. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN |
Có dịp cùng đi với các đoàn thăm và tặng quà các lực lượng đang làm nhiệm vụ trên các nhà giàn, chúng tôi mới thấu hiểu tấm lòng của quân và dân cả nước hướng về nhà giàn. Trong lúc đến với nhà giàn, tàu chở đoàn công tác của các đơn vị, địa phương gặp sóng to, gió lớn (sóng cấp 7 cấp 8), không thể tiếp cận nhà giàn DKI được. Nhưng với quyết tâm phải đưa được hàng hóa và tặng phẩm đến với các lực lượng đang ở nhà giàn, Trưởng đoàn công tác- đồng chí Nguyễn Khắc Hưng, Phó Bí Thư Thường trực Tỉnh ủy Nam Định và Chuẩn Đô đốc Phạm Ngọc Chấn, Thường vụ Đảng ủy, Chủ nhiệm Cục Chính trị quân chủng Hải quân đã quyết định dùng xuồng cứu hộ của tàu đưa hàng vào nhà giàn. Sau hơn một giờ vật lộn với sóng to, gió lớn, có những lúc con sóng cao gần 5 mét trùm lên xuồng cứu hộ, đứng trên boong tàu ai nấy đều căng mắt hồi hộp dõi theo... Cuối cùng với sự dũng cảm và với trách nhiệm đối với những con người đang làm nhiệm vụ thiêng liêng trên nhà giàn, hàng hóa đã được đưa lên an toàn trong niềm vui vô bờ của cả đoàn. Cũng chính lúc này, những diễn viên của Nhà hát Chèo Nam Định không quản ngại mệt nhọc xin phép lên khoang lái dùng bộ đàm hát cho các lực lượng trên nhà giàn nghe những làn điệu dân ca quê nhà, mọi người có mặt đã không kìm được nước mắt.
Ngay sau đó, khi đã hoàn thành nhiệm vụ chuyển hàng hóa từ đất liền đến với những con người trên nhà giàn, thì tại khu vực vùng biển Tư Chính thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, đoàn công tác đã làm lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc ngay trên boong tàu. Tiếng gầm thét của biển cả vẫn không át được tiếng của Chuẩn Đô đốc Phạm Ngọc Chấn: Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và thềm lục địa phía Nam mãi mãi là một phần máu thịt, một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam... Trong 22 năm qua, kể từ ngày Nhà nước ta thành lập Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam, Đảng, Nhà nước, quân đội, Quân chủng Hải quân và nhân dân cả nước đã làm hết sức mình, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các đồng chí thực hiện nhiệm vụ. Nhưng vào những năm 1990, 1996, 1999 và năm 2000 do thiên nhiên hung dữ, khắc nghiệt và sự tàn phá khủng khiếp của bão tố đại dương đã quật đổ một số nhà giàn. Trong thời khắc giữa cái sống và cái chết chỉ trong gang tấc, các đồng chí đã tỏ rõ lòng trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của quân đội, quân chủng anh hùng, chấp nhận hy sinh vì Tổ quốc, vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Các đồng chí là những tấm gương tiêu biểu về lòng quả cảm và tình thương yêu đồng chí, đồng đội trong sáng, thủy chung, sáng ngời phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ"- Người chiến sĩ hải quân trong thời kỳ mới.
Trường Sa đổi mới
Đến bất cứ nơi đâu trên quần đảo Trường Sa thân yêu trong những ngày này chúng tôi đều nhận thấy sự đổi thay kỳ diệu. Những tiếng gọi nhau i ới mỗi chiều khi những chiếc tàu của người dân trên đảo cập bến đầy ắp cá tôm... Sau bữa cơm tối, nhà nhà cùng xem các chương trình trên ti vi, tiếng bi bô đánh vần của trẻ nhỏ... tất cả đã tạo nên một hình ảnh, âm thanh rất đỗi quen thuộc, thân thương như bao làng chài đất Việt từ ngàn đời nay, quá đổi thân thương của làng chài trên biển đảo. Và mỗi khi nghe tiếng chuông chùa vang lên từ Chùa Song Tử, Chùa Trường Sa vào lúc bình minh vừa ló rạng hay khi hoàng hôn vừa buông xuống thật sự ấm lòng người giữa trời biển bao la.
Những năm gần đây, đồng hành cùng đồng chí, đồng đội, thực hiện chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên các vùng biển đảo của Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2010", các cấp, các ngành, các DN, tập đoàn kinh tế và nhân dân hướng ra biển để làm giàu từ biển, bảo vệ biển đảo với những thành quả tốt đẹp cả về nhận thức, hành động, hiệu quả kinh tế - xã hội. Đã có nhiều điển hình, nhiều nghĩa cử cao đẹp như quyên góp ủng hộ bộ đội Trường Sa, nhà giàn DKI để bộ đội Trường Sa "Yên lòng hơn, ấm lòng hơn", thế trận giữ đảo ngày càng mạnh hơn.
Trường Sa hôm nay đã có thêm những công trình mới nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cũng như đời sống văn hóa tâm linh. Trường Sa đã được phủ sóng truyền hình, điện thoại. Điện Trường Sa đêm đêm tỏa sáng lung linh giữa biển khơi. Tổ quốc và nhân dân cả nước bao giờ cũng hướng về biển đảo và với Hoàng Sa, Trường Sa từ ngày xưa và mãi mãi về sau là một phần máu thịt, là lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.
Văn Sơn