Quy tắc sử dụng mạng xã hội được Hội Nhà báo Việt Nam ban hành ngày 24/12/2018, gồm 3 chương, 7 điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Đây là cơ sở quan trọng để Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp các cấp căn cứ để xử lý những hành vi vi phạm đạo đức của người làm báo khi tham gia mạng xã hội, góp phần giữ gìn, bảo vệ đạo đức nghề nghiệp, uy tín của người làm báo Việt Nam.
Có thể nói, cùng với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, bộ quy tắc đã góp phần giúp người làm báo hành xử có trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội, dẫn dắt người dùng mạng khác; đặc biệt là thực hiện nhiệm vụ nhận diện, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc của thế lực thù địch, tin xấu độc làm sai lệch giá trị văn hóa truyền thống, xu hướng sống không lành mạnh...
Tạo hiệu ứng, lan truyền nội dung tích cực
Nhà báo là nhóm người tiếp xúc, sử dụng mạng xã hội sớm nhất tại Việt Nam. Ngoài việc chia sẻ thông tin cá nhân hay tương tác với bạn bè như cộng đồng, mạng xã hội còn là nguồn tin tham khảo khi tác nghiệp của các nhà báo. Những mẩu tin tức, hình ảnh mà người dùng mạng xã hội đưa lên có thể trở thành tin tức báo chí khi được phát triển thêm; người dùng thông thường có thể trở thành nhân vật trong một bài báo,… Mạng xã hội cũng giúp lan tỏa thêm bài viết của các nhà báo khi được chia sẻ, những bình luận trở thành lời góp ý hữu ích để nhà báo hoàn thiện kỹ năng tác nghiệp.
Nhà báo Phạm Kim Huệ, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Ninh Bình cho biết: Ở các cơ quan báo chí hiện nay, hội viên, phóng viên đã sử dụng mạng xã hội của cá nhân để tương tác, chia sẻ, đăng tải cung cấp, định hướng thông tin rất hiệu quả. Nhiều bài báo, phóng sự phát thanh, truyền hình thu hút đông đảo khán thính giả theo dõi. Việc đăng tải bình luận, ý kiến phản hồi đúng mực, có văn hóa, có trách nhiệm về những vấn đề dư luận xã hội quan tâm. Khi phát hiện thông tin sai sự thật có ảnh hưởng xấu, gây tổn hại đến lợi ích cộng đồng, đất nước, của tỉnh hay uy tín của tổ chức, cá nhân đề nghị không chia sẻ, like hay phát tán trên mạng đồng thời thông báo cho các cơ quan thẩm quyền để xử lý. Một số cán bộ Hội viên là thành viên Ban chỉ đạo, tổ giúp việc Ban chỉ đạo 35 của tỉnh tích cực tuyên truyền đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thế lực thù định’ chống âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên mạng xã hội.
Trong thời đại số và xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0, quyền thông tin, tự do thông tin là không thể ngăn cấm. Các nhà báo cần thu thập thông tin trên mạng xã hội bởi đây là nơi tương tác, quảng bá tác phẩm của mình tới công chúng, tạo hiệu ứng, lan truyền những vấn đề tích cực. Mạng xã hội cũng là nơi mở rộng dự luận, góp ý vào thực hiện chính sách, pháp luật Nhà nước... Tuy nhiên với tư cách nhà báo, với vai trò, chức năng, nhiệm vụ xã hội, đặc thù nghề nghiệp, càng cần phải giữ gìn đạo đức, vững vàng quan điểm trong việc tiếp nhận, xử lý và tham gia thông tin. Người làm báo còn cần nắm vững, thấm nhuần các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để tuyên truyền đúng, không chỉ qua bài viết, còn cả khi tham gia mạng xã hội - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Ninh Bình nêu rõ.
Theo nhà báo Nguyễn Viết Mạnh, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Lai Châu, sự bùng nổ của các nền tảng mạng xã hội giúp việc kiếm tìm thông tin dễ dàng hơn nhưng cùng với đó là áp lực chạy đua thông tin gay gắt, khiến không ít nhà báo khai thác thông tin trên mạng xã hội khiến nghiệp vụ cơ bản như đi, nghe, nhìn, phỏng vấn, đầu tư công sức, trí tuệ cho sản phẩm báo chí đôi lúc đã bị xem nhẹ. Một bộ phận người làm báo không dấn thân trong công việc, bằng lòng với việc khai thác tin tức từ mạng xã hội hoặc các bản báo cáo. Thực tế cho thấy, có rất nhiều thông tin sai lệch trong đời sống nói chung và trên mạng xã hội nói riêng được công chúng nghe theo và tin ngay. Việc khẳng định, kiểm chứng, phân tích, định hướng thông tin trên mạng xã hội đang dần trở thành vai trò quan trọng của nhà báo và các cơ quan báo chí. Để thực hiện tốt vai trò tác động đó, mỗi nhà báo cần tư duy nhanh nhạy, sắc sảo, giữ vững định hướng tuyên truyền, phát hiện, xử lý nhiều loại thông tin phong phú, da dạng…, góp phần định hướng dư luận xã hội.
Những năm qua, Hội Nhà báo tỉnh Lai Châu, đặc biệt là Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp tỉnh thường xuyên dõi theo hoạt động tác nghiệp, ứng xử, giao tiếp trên trang cá nhân, mạng xã hội của các hội viên nhà báo, kịp thời nhắc nhở nếu có những biểu hiện chưa đúng về nghề nghiệp. Nhờ đó, các hội viên đều chấp hành tốt quy định của pháp luật về hoạt động báo chí. Trong tác nghiệp không để xảy ra sai sót, nhũng nhiễu, tiêu cực ở cơ sở. Nhiều bài viết phản ánh vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực xã hội đã giúp cấp ủy, chính quyền các cấp đề ra các giải pháp chỉ đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của địa phương, cơ sở...
Nhà báo cần có "bộ lọc" để cung cấp thông tin chuẩn xác
Thực tế cho thấy, không ít nhà báo sử dụng mạng xã hội như một kênh đưa tin thứ hai bên cạnh các bài viết trên ấn phẩm báo chí chính thống. Có nhiều mục đích khi họ thực hiện việc này, có mục đích tích cực chẳng hạn như cảnh báo một thói hư tật xấu, hiện tượng lệch chuẩn,… qua một sự kiện, nhân vật, chia sẻ các món ăn các điểm đến thú vị mà chưa đủ dữ liệu để xây dựng thành một tác phẩm báo chí. Nhưng cũng người vì mục đích thu hút thêm lượng người theo dõi, gây sức ép cho tổ chức cá nhân vì mục đích vụ lợi. Đặc biệt, một số nhà báo đã sử dụng mạng xã hội chia sẻ các thông tin trái với quan điểm của Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng; chia sẻ thông tin không được tòa soạn duyệt xuất bản lên mạng, đưa thêm các dữ liệu chưa kiểm chứng thấu đáo ngoài khuôn khổ bài viết… Những trường hợp như vậy không phổ biến nhưng vẫn tồn tại và thường xuyên bị các cơ quan quản lý, cơ quan chỉ đạo báo chí nhắc nhở.
Đại diện Chi hội Nhà báo Báo Đầu tư nhận định: Các hành vi của mỗi cá nhân trên mạng xã hội bản chất là cách hành xử của cá nhân đó trong môi trường mạng, tương tự với cách hành xử cá nhân trong cuộc sống bình thường. Do vậy, để đảm bảo mỗi cá nhân hành xử đúng mực, cách thức cũng cần tương tự cho "cuộc sống ảo" cũng phải được xây dựng gồm văn hóa ứng xử, nguyên tắc, chế tài xử lý sai phạm... Đối với các hội viên Hội Nhà báo, yêu cầu đối với các cấp hội ở cơ sở là hướng dẫn, nhắc nhở, kiểm tra giám sát, chấn chỉnh hành xử của hội viên khi tham gia mạng xã hội, đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật về quyền, nghĩa vụ của nhà báo, tuân thủ nghiêm túc các quy tắc ứng xử đã đề ra với tư cách là các hội viên Hội nhà báo; đồng thời cũng đảm bảo quyền lợi của hội viên khi bị công kích, "bắt nạt" qua mạng xã hội.
Chi hội Báo Đầu tư kiến nghị: Các cấp hội cơ sở cần thường xuyên nhắc nhở, thông tin về sai phạm của đồng nghiệp ở các cấp hội khác đã bị xử lý, để hội viên có thông tin, nhận thức được nghĩa vụ, trách nhiệm, rút kinh nghiệm. Hình thức nhắc nhở thực hiện thông qua việc phối hợp với các tổ chức trong tòa soạn nơi hội viên làm việc… để quán triệt các yêu cầu với hội viên thông qua các buổi sinh hoạt, giao ban cơ quan. Tùy theo đặc thù hoạt động mỗi cơ quan báo chí, các chi hội cần làm rõ khái niệm, mức độ, hành vi vi phạm của hội viên trên mạng xã hội và gắn kèm với các biện pháp xử lý, chẳng hạn ngoài các quy định chung thì nội dung tác nghiệp nào của hội viên không được đăng, đâu là thông tin nội bộ của tòa soạn không được phép đưa lên mạng,… Đặc biệt là mức độ xử lý với các hành vi vi phạm quy định.
Bên cạnh đó, khi tuyển dụng hoặc tiếp nhận nhân sự, cơ quan báo chí cần có thỏa ước lao động hoặc hình thức cam kết phù hợp trong hợp đồng về việc tham gia hội khi đủ điều ết nạp, cam kết trong hành xử trên mạng xã hội, tạo căn cứ để xử lý các sai phạm sau này. Khi phát hiện các sai phạm của hội viên, các cấp hội cần nhanh chóng xử lý tùy theo mức độ sai phạm, kiên quyết kiến nghị lãnh đạo tòa soạn áp dụng các biện pháp kỷ luật, thậm chí buộc thôi việc hay kiến nghị cơ quan chức năng xử lý...
Bản thân mỗi người làm báo phải tự nhận thức trách nhiệm, vai trò khi tham gia mạng xã hội. Nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, khi mạng xã hội ẩn chứa nhiều thông tin gây "nhiễu", báo chí phải trở thành chỗ dựa của dư luận. Người làm báo cần phải là những "bộ lọc" tốt để cung cấp thông tin chuẩn xác cho công chúng.
Các cơ quan báo chí đang có xu hướng tận dụng mạng xã hội để quảng bá, lan tỏa thông tin, tạo hiệu ứng xã hội mạnh mẽ, nhất là với những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Người làm báo cũng cần nắm bắt thông tin từ mạng xã hội, sử dụng mạng xã hội hiệu quả để phục vụ công việc. Nhưng vì tính "hai mặt" của mạng xã hội, nên người làm báo cần thể hiện rõ trách nhiệm trước thông tin đưa ra. Đồng thời, khi khai thác, sử dụng thông tin trên mạng xã hội, người làm báo càng phải cần giữ vững bản lĩnh nghề nghiệp, ý thức chính trị và có kỹ năng chuyên môn vững vàng - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam lưu ý.