Theo Trung tướng Tô Ân Xô, sáng 6/9, hơn 900 cán bộ chiến sĩ công an, các lực lượng đã vào hỗ trợ cho 3 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An chống dịch, xuất phát từ đề nghị của các địa phương.
“Sự hiện diện của công an trên các lĩnh vực đã rõ, hiệu quả thì để nhân dân và các cấp ủy, chính quyền đánh giá. Còn công an nỗ lực hết mình, làm mọi việc để ngăn chặn dịch bệnh và đảm bảo an ninh trật tự cho cuộc sống của người dân sau khi dịch giảm đi”, người phát ngôn Bộ Công an chia sẻ.
Cũng theo Trung tướng Tô Ân Xô, kể từ đợt dịch lần thứ tư đến nay, công an địa phương các tỉnh phía Nam đã huy động tối đa quân số tham gia chống dịch với trên 200.000 chiến sĩ công an, tham gia trên tất cả trận tuyến.
“Rất nhiều cán bộ chiến sĩ, nhiều đơn vị 3 tháng nay không nghỉ ngơi”, Trung tướng Tô Ân Xô chia sẻ.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chống dịch, Bộ Công an đã điều động hơn 5.000 cán bộ chiến sĩ và hơn 2.500 học viên các trường công an tham gia thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, hỗ trợ nhân dân và hơn 600 cán bộ y tế công an tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Cung cấp thêm thông tin về việc điều động cán bộ chiến sĩ tham gia chống dịch, Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức (Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Bộ Quốc phòng) cho biết: Trước diễn biến dịch phức tạp ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Bộ Quốc phòng đã điều động trên 120.000 cán bộ chiến sĩ và dân quân tự vệ để tăng cường hỗ trợ cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, với quyết tâm và trách nhiệm cao nhất cùng các lực lượng tham gia phòng, chống dịch.
Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các lực lượng duy trì hàng nghìn tổ chốt, trong đó có 1.900 tổ chốt kiểm soát ở tuyến biên giới để kiểm soát xuất nhập cảnh trái phép, duy trì hàng nghìn chốt trong nội địa để tổ chức tuần tra, kiểm soát, làm nhiệm vụ phục vụ việc cách ly tập trung ở các khu phong tỏa, góp phần thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, hạn chế người ra đường làm lây lan dịch bệnh…
Bộ Quốc phòng cũng triển khai 190 khu cách ly tập trung, các đơn vị đã nhường doanh trại đảm bảo việc ăn ở cho 190.000 lượt người; kịp thời điều động hàng nghìn y bác sĩ, kỹ thuật viên; điều động 600 tấn vật tư trang thiết bị y tế, thuốc men chi viện cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Bộ đã thành lập 11 bệnh viện dã chiến và truyền nhiễm và trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19 với quy mô khoảng trên 6.000 giường bệnh để chia sẻ, hỗ trợ, giảm áp lực cho hệ thống y tế của địa phương.