Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, sáng 6/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Chính phủ đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm; tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2022; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư kinh doanh trong tình hình dịch COVID-19.
Trong 4 tháng vừa qua, dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng, ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe nhân dân, gây thiệt hại về con người, tác động tới tâm lý xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất kinh doanh, nhất là công nghiệp và dịch vụ bị ảnh hưởng lớn nhất. Tuy nhiên, tình hình 8 tháng cơ bản ổn định. Chúng ta tiếp tục duy trì các nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Các nhiệm vụ về văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tăng lên, phức tạp hơn nhưng các lĩnh vực này vẫn được giữ vững, đạt kết quả tích cực, đặc biệt ngoại giao vaccine được đẩy mạnh.
Tại nhiều địa phương, đặc biệt là 23 địa phương đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách, ưu tiên hàng đầu cho phòng chống dịch bệnh; 40 tỉnh, thành phố còn lại cũng tùy từng lúc, từng nơi để ưu tiên phù hợp cho chống dịch hoặc phát triển kinh tế.
Clip cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2021
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, chúng ta đã chuyển hướng trong công tác phòng chống dịch, từ tập trung sang kết hợp hài hòa giữa tập trung và phân cấp. Theo đó, lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, chuyên sâu, còn tổ chức thực hiện vừa tập trung vừa phân cấp, nhất là chú trọng phân cấp tới xã, phường, thị trấn. Đây là cấp gần dân nhất, hiểu dân nhất, tiếp xúc nhiều nhất, trực tiếp nhất với người dân. Lấy xã, phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ, người dân là trung tâm, là chủ thể của phòng chống dịch. Người dân là trung tâm thì mọi chính sách và thực hiện chính sách phải hướng tới người dân, vì nhân dân. Người dân là chủ thể tức là phải tích cực tham gia phòng chống dịch, chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân.
Một số tỉnh, thành phố đã huy động các lực lượng y tế, quân đội, công an, các đoàn thể khác để tập trung phòng chống dịch. Các địa phương, nhất là các xã, phường, thị trấn đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, phải thực hiện bằng được 5 nhiệm vụ: Thực hiện nghiêm ngặt các quy định về giãn cách, cách ly, “ai ở đâu ở đó”; bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc; bảo đảm mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, ngay tại xã, phường, thị trấn, khi người dân có yêu cầu phải đáp ứng kịp thời; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, an dân trên địa bàn; tuyên truyền, vận động để dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm, cùng với hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch tích cực, hiệu quả.
Trong 8 tháng qua, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, CPI tháng 8 tăng 0,25% so với tháng 7; bình quân 8 tháng tăng 1,79% so với cùng kỳ, thấp nhất kể từ năm 2016. Thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm.
Thu ngân sách mặc dù trong những tháng gần đây có xu hướng giảm do tác động của dịch bệnh nhưng tính chung 8 tháng đạt gần 75% dự toán, tăng hơn 14% so với cùng kỳ, góp phần bảo đảm các nhiệm vụ chi, nhất là cho phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt khá; an ninh lương thực, thực phẩm được bảo đảm; nông nghiệp là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 8 tháng tăng 5,6%, trong đó một số địa phương tăng ở mức cao như Ninh Thuận tăng 34,1%; Nghệ An tăng 23,1%; Hải Phòng tăng 20,6%; Bắc Ninh tăng 9,8%...
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng tăng 27,2% (xuất khẩu tăng 21,2%). Thị trường trong nước được chú trọng; thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt có chiều hướng phát triển.
Vốn FDI thực hiện đạt hơn 11,58 tỷ USD, tăng 2%. Ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh, nhất là trong phòng, chống dịch bệnh và nhiều lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, hành chính, dịch vụ... Công tác hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, nhất là những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Chính phủ sắp ban hành Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Các cấp, các ngành chú trọng bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, dù so với mong muốn và yêu cầu thì chưa đáp ứng được.
Đến nay, đã có khoảng 15 triệu lao động được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 với tổng số tiền 8,4 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ 1,2 triệu lao động tự do với số tiền hơn 2,1 nghìn tỷ đồng; có 37.000 hộ sản xuất kinh doanh được nhận hỗ trợ. Xuất cấp 134.000 tấn gạo hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh; triển khai 2 triệu túi an sinh xã hội.
Các địa phương đã ưu tiên bố trí nguồn lực hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Mặt trận Tổ quốc tại 63/63 tỉnh, thành phố đã vận động tổ chức, cá nhân ủng hộ gần 7 nghìn tỷ đồng. Qua đó cho thấy điểm rất sáng là tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tương thân tương ái của đồng bào ta, của các doanh nghiệp, cần tiếp tục khích lệ, động viên, phát huy.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, tại Phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu: Phải nhanh chóng kiểm soát tình hình để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng kế hoạch kịch bản để phục hồi và thúc đẩy kinh tế trong điều kiện mới.