Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh Gia Lai đang nhận nuôi 30 cháu nhỏ tàn tật, thiểu năng trí tuệ, mang di chứng của chất độc da cam một thời chiến tranh. Kế hoạch của Hội là năm nay sẽ cho các em dã ngoại để biết thêm động vật, cây cỏ và thế giới bên ngoài. Mặc dù không nhận thức như các trẻ bình thường nhưng các em vẫn hào hứng chuẩn bị chào đón Tết Trung thu. Lớp học của các em những ngày này vui hơn bởi cô giáo dạy các em những bài thơ, những khúc hát về Trung thu. Mặc dù, phát âm không chuẩn nhưng gương mặt em nào cũng thể hiện sự phấn khởi khi ngân nga khúc hát cô dạy. Cuốn vở tập viết của mỗi em những ngày này là dòng chữ “đèn ông sao” hay “đêm Trung thu em rước đèn đi chơi”… Không tự làm được những chiếc đèn ông sao, cô giáo dạy các em cắt dán đèn Trung thu nhiều kiểu dáng khác nhau dán lên tờ giấy. Trung thu với các em nhỏ nơi đây đúng là một ngày hội vì được phá cỗ, rước đèn, có quà và nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Cũng là đơn vị nhận nuôi nhiều trẻ em bất hạnh, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Gia Lai đang bảo trợ cho 90 trẻ em mồ côi, tàn tật. Trung thu năm nay, ngoài phần quà trị giá 100 nghìn đồng/em, Trung tâm còn tổ chức đêm văn nghệ phá cỗ cho các em với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa.
Bà Tạ Thị Ánh Đào, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Gia Lai cho biết: Để các em quên đi những thiệt thòi và phấn khởi đón Tết Trung thu ấm áp cùng các bạn, đại diện Trung tâm đã tích cực kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí và hiện vật như bánh Trung thu, giấy kiếng dán đèn ông sao, nến… để các em tự làm cho mình một chiếc đèn Trung thu như ý. Đây là dịp để toàn xã hội nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Trung tâm mong muốn tạo sân chơi để trẻ em thiệt thòi có thêm điều kiện giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, xây dựng tình đoàn kết, thân ái.
Em Rơ Lan H’Lan, 14 tuổi cho biết: Em là trẻ mồ côi được Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Gia Lai nhận nuôi từ lúc bé. Năm nào em và các bạn cũng được các cô, chú tổ chức Trung thu. Năm nay, em vui hơn vì ngoài phá cỗ còn có nhiều tiết mục văn nghệ, múa lân, rước đèn được chúng em chuẩn bị cả tháng nay. Em rất háo hức chờ đón đêm Trung thu.
Trung thu năm nay, Gia Lai tổ chức chương trình “Vui hội trăng rằm” tại huyện Phú Thiện với sự tham gia của hơn 350 trẻ em mồ côi, khuyết tật, trẻ em thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn, con gia đình chính sách, con hộ nghèo, trẻ em đạt danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ và các cháu thuộc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Trong chương trình “Vui hội trăng rằm”, các em nhỏ được phá cỗ, rước đèn, tham gia văn nghệ cùng nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên. Ngoài ra, chương trình còn trao tặng 350 suất quà cùng 20 suất học bổng cho các em tham dự.
* Điểm trường Tả Phìn, xã Ma Ly Pho, huyện biên giới Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) là điểm trường đầu tiên được Câu lạc bộ thiện nguyện Lai Châu phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Ma Lù Thàng tổ chức "Vui hội đêm rằm" trong mùa Trung thu sớm năm nay. Đây là một điểm trường khó khăn nằm giáp biên giới, với 100% là học sinh đồng bào dân tộc Dao.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Ma Ly Pho hiện có 17 lớp, 293 học sinh, với hơn 98% là đồng bào dân tộc Dao; trong đó, điểm trường Tả Phìn xa nhất, cách trung tâm hơn 20km. Do điều kiện kinh tế-xã hội của đồng bào khó khăn nên học sinh nơi đây cũng thiếu thốn sự quan tâm của gia đình. Ngoài việc các cháu được hỗ trợ ăn học theo chế độ bán trú, những ngày lễ, tết thiếu nhi hay những dịp Trung thu đều thiếu vắng các món quà động viên. Ông Lý Chàng Pao - Phó Chủ tịch UBND xã Ma Ly Pho mong muốn Bộ đội biên phòng, các nhà hảo tâm cũng như các tổ chức từ thiện tiếp tục chung tay hỗ trợ và chia sẻ để các cháu thiếu nhi trên địa bàn xã được tham gia các hoạt động vui chơi và nhận quà mỗi dịp Tết Trung thu hay Tết Thiếu nhi.
* Tạo điều kiện để tất cả trẻ em được đón Tết Trung thu năm 2018 vui vẻ, an toàn, lành mạnh và thiết thực, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng yêu cầu 100% các quận, huyện, xã, phường trên địa bàn tổ chức các hoạt động vui Tết Trung thu cho trẻ em phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Trong đó, chú trọng quan tâm đến trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ủy ban nhân dân thành phố cũng yêu cầu Sở Y tế, Sở Công Thương và Ban quản lý an toàn thực phẩm thành phố tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất chế biến, cửa hàng kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là các loại thực phẩm phục vụ Tết Trung thu; có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời các cơ sở vi phạm. Sở Văn hóa và Thể thao chỉ đạo, quản lý các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em đảm bảo an toàn; triển khai các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí với các hình thức đa dạng, phong phú cho trẻ em, đặc biệt là các hoạt động văn hóa nghệ thuật, trò chơi truyền thống, trò chơi dân gian.
Bà Hà Thị Kim Ánh, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố cho biết, Sở phối hợp với các ngành, hội đoàn thể tổ chức chương trình vui Tết Trung thu và tặng quà, hỗ trợ dụng cụ học tập cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Hòa Vang vào chiều 20/9. Đồng thời, tổ chức các đoàn đến thăm, tặng quà một số cơ sở chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn nhân dịp này.
Nhiều cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm trên địa bàn cũng tổ chức các hoạt động vui đón Tết Trung thu, đến thăm tặng quà cho thiếu nhi như: Bảo tàng Đà Nẵng với chương trình “Trung thu của em”; Công ty TNHH GrabTaxi phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố tổ chức chương trình “Trung thu cùng GrabTaxi - Ấm áp yêu thương” cho hơn 100 trẻ mồ côi, khuyết tật tại Làng Hy vọng, tặng 10 suất học bổng cho học sinh học tập xuất sắc (mỗi suất 500 ngàn đồng) và 10 triệu đồng hỗ trợ cho Làng Hy vọng; các nhà hảo tâm đến thăm, tặng quà Trung thu cho trẻ em bị bỏ rơi đang được nuôi dưỡng tại chùa Quang Châu…
Tại các nơi tổ chức diễn ra các hoạt động biểu diễn văn nghệ, đố vui, múa lân, phá cỗ đêm rằm và giới thiệu những nét đẹp truyền thống của Trung thu…, mang đến cho các em nhiều niềm vui, thích thú, góp phần tạo động lực để các em có thêm niềm tin yêu, nỗ lực vượt khó vươn lên trong cuộc sống.
* Trong những ngày này, nhiều tổ chức, cá nhân, từ thiện trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức các chương trình “Vui Hội trăng rằm và tặng quà Trung thu” cho trẻ em nghèo, trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh các trường khiếm thính, trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh.
Ngày 19/9, tại Trường Hoa Phong Lan (trường dạy các em thiểu năng) và Trường Khiếm thính Lâm Đồng, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lâm Đồng cùng các nhà hảo tâm tại huyện Di Linh đã tặng hơn 100 phần quà cho các cháu thiếu nhi. Sau khi tặng quà, đoàn tổ chức múa lân, ca hát, chơi các trò chơi dân gian phục vụ các cháu thiếu nhi. Ông Đỗ Hoàng Tuấn – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết, dịp này Hội phối hợp với Câu lạc bộ hành trình đỏ kết nối yêu thương của tỉnh Lâm Đồng tổ chức hoạt động Đêm hội trăng rằm cho trẻ em thôn CilCut, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà và trẻ em tại thành phố Đà Lạt vào đêm 21/9. Theo đó, 10.000 phần quà của Hội sẽ được gửi đến tất cả các các cháu thiếu nhi đồng bào dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh.
Dịp này, tại trụ sở Công an tỉnh diễn ra hội thi “Làm bánh Trung thu - trao gửi yêu thương năm 2018”. Sản phẩm bánh Trung thu của các đội thi được dành tặng các cháu học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.