Tiến sĩ Đinh Thế Hưng trả lời phỏng vấn TTXVN. Ảnh: Kim Anh/TTXVN
|
Để làm rõ hơn, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Đinh Thế Hưng (Trưởng Phòng Tư pháp Hình sự, Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) về những nội dung xung quanh các quy định xét xử kín theo quy định của pháp luật hiện hành.
Xin ông cho biết, khái niệm cơ bản về việc xét xử kín?
Xét xử kín được hiểu là không phải tất cả mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa như trường hợp xét xử công khai, nhưng phải tuyên án công khai.
Trong phiên tòa xét xử kín, chỉ có Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, thư ký phiên tòa, bị cáo, đương sự và những người tham gia tố tụng do Hội đồng xét xử triệu tập nếu xét thấy cần thiết. Còn lại, không một ai khác được ở lại phòng xét xử để theo dõi diễn biến phiên tòa, kể cả nhà báo hay người thân của bị cáo, đương sự.
Ông có thể cho biết pháp luật quy định như thế nào về việc xét xử kín?
Hiến pháp năm 2013 quy định về nguyên tắc xét xử tại Điều 103, trong đó nêu rõ: “Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có thể xét xử kín”.
Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, Điều 25 - Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 đã quy định: “Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai”.
Theo quy định này, những trường hợp được xét xử kín thông thường là những vụ án cần giữ bí mật nhà nước, những vụ án xâm hại tình dục (hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô…)… Đặc biệt là những vụ án mà nạn nhân là trẻ em gái, người chưa thành niên thường được xét xử kín, tránh gây áp lực tâm lý cho nạn nhân.
Tháng 10/2004, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã từng đưa ra xét xử kín vụ án trong đó có một bị cáo nguyên là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao về tội “Hiếp dâm trẻ em”. Phiên tòa này được xét xử kín theo đề nghị của gia đình bị hại. Bản thân bị hại và những người làm chứng cũng không ngồi tại phiên tòa mà được bố trí ở một phòng riêng, theo dõi phiên xử qua hệ thống màn hình truyền trực tiếp từ phòng xử án. Sở dĩ, Tòa án đồng ý tiến hành xử kín vụ án này là do xét thấy việc xét xử công khai có thể khiến bị hại bị tổn thương hoặc không thuận lợi cho cuộc sống tương lai của họ.
Hay sắp tới, phiên tòa xét xử bị cáo Phan Văn Anh Vũ về tội “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” cũng được thông báo là sẽ tiến hành xử kín. Tôi cho rằng, việc xử kín được tiến hành trên cơ sở quy định của Điều 1 của Pháp lệnh về Bảo vệ bí mật nhà nước. Theo đó, “Bí mật nhà nước là những tin về vụ, việc, tài liệu, vật, địa điểm, thời gian, lời nói có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác mà Nhà nước không công bố hoặc chưa công bố và nếu bị tiết lộ thì gây nguy hại cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Vì vậy, cần thiết phải tiến hành xử kín những vụ án liên quan đến tội danh này.
Việc tuyên án những phiên tòa xét xử kín này được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Theo quy định, tại các phiên tòa xét xử kín nhưng phần tuyên án phải công khai. Tuy nhiên, để tránh trình bày toàn bộ tình tiết của vụ án, làm ảnh hưởng tới bí mật nhà nước, bí mật đời tư, ảnh hưởng tới việc bảo vệ cho người dưới 18 tuổi…, khi tuyên án công khai, Hội đồng xét xử chỉ đọc phần quyết định trong bản án. Điều này được nêu rõ tại Điều 327 - Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 đã quy định: “Trường hợp xét xử kín thì chỉ đọc phần quyết định trong bản án”.
Như vậy, phần tuyên án công khai này sẽ chỉ nêu họ tên các bị cáo, tội danh bị kết án và mức hình phạt cụ thể đối với từng bị cáo.
Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ đã trả lời phỏng vấn TTXVN.