Đoàn công tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch do Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng dẫn đầu; đại diện các hội đoàn người Việt Nam tại Pháp; đại diện các phái đoàn ngoại giao, các Đại sứ quán nước ngoài tại Pháp; đảng viên, sinh viên Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Pháp đã đến viếng, bày tỏ sự kính trọng và niềm tiếc thương sâu sắc đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong điếu văn đọc tại buổi lễ, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng xúc động bày tỏ: “Đồng chí Nguyễn Phú Trọng ra đi là một tổn thất vô cùng to lớn đối với Đảng, Nhà nước, Nhân dân Việt Nam và đối với cộng đồng người Việt Nam trên toàn thế giới, trong đó có cộng đồng ta tại Pháp”.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng khẳng định dấu ấn đặc biệt sâu đậm của các cán bộ ngoại giao và các cán bộ công tác trong lĩnh vực đối ngoại đối với tư tưởng “Ngoại giao cây tre” đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng đưa ra lần đầu tiên tại Hội nghị Đối ngoại Toàn quốc (14/12/2021) trên cơ sở tổng kết thực tiễn, phát triển tư duy và truyền thống đối ngoại Việt Nam. Nhắc lại nhận định của Chủ tịch nước Tô Lâm trong bài viết của ông với tiêu đề "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân", Đại sứ khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngoại giao Việt Nam mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” được phát huy mạnh mẽ, tạo những bước ngoặt có tính lịch sử, thay đổi về chất trong quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác lớn.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh, toàn thể cán bộ nhân viên Đại sứ quán cũng như cộng đồng người Việt Nam tại Pháp vẫn nhớ mãi hình ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm chính thức CH Pháp vào mùa Xuân năm 2018 nhân kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm ký quan hệ đối tác chiến lược Việt-Pháp, một sự kiện vô cùng quan trọng góp phần tạo xung lực, phát triển mạnh mẽ mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - CH Pháp.
Đại sứ cũng cho rằng những chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với quan hệ Việt-Pháp nói riêng, đồng thời đối với công tác đối ngoại Việt Nam trong thời gian qua nói chung là kim chỉ nam cho các hoạt động của cán bộ trên mặt trận đối ngoại và cán bộ của các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp, là những đường hướng, chiến lược cơ bản để các đối tác Việt Nam và Pháp tiếp tục phấn đấu, đưa quan hệ hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp ngày càng thiết thực hơn.
"Hôm nay, toàn thể cán bộ nhân viên Đại sứ quán và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp, cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập tại Pháp kính cẩn nghiêng mình, tưởng nhớ và tri ân những đóng góp to lớn của đồng chí với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, công tác đối ngoại của nước nhà và với quan hệ hữu nghị, hợp tác, đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp. Toàn thể cán bộ nhân viên Đại sứ quán và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp, cộng đồng người Việt Nam tại Pháp xin nguyện đoàn kết một lòng, quyết tâm thực hiện những chỉ đạo của Tổng Bí thư một cách hiệu quả hơn, thiết thực hơn và tiếp tục giành những thắng lợi to lớn hơn, ý nghĩa hơn, đóng góp vào sự phát triển quan hệ của hai nước, cũng như xây dựng một đất nước Việt Nam ngày càng hùng cường, có vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới" - Đại sứ Đinh Toàn Thắng nghẹn ngào bày tỏ.
Xúc động và thành kính, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã viết trong sổ tang: "Vô cùng thương tiếc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, nhà văn hoá lớn, người lãnh đạo toàn tâm, toàn ý xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Vĩnh biệt đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, toàn ngành văn hoá, thể thao và du lịch Việt Nam nguyện đoàn kết, nỗ lực cao, quyết tâm thực hiện di sản về văn hoá mà Tổng Bí thư để lại".
Trong chiều 25/7, nhiều đại diện các phái đoàn, Đại sứ quán nước ngoài và các tổ chức quốc tế tại Pháp đã đến viếng, ghi sổ tang, bày tỏ sự kính trọng và niềm tiếc thương sâu sắc đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong bức thư chia buồn gửi tới Chủ tịch nước Tô Lâm đã đánh giá: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người phụng sự vĩ đại của nhân dân Việt Nam. Trong suốt những năm tháng cống hiến cho những lý tưởng và cho Tổ quốc mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra sức phấn đấu bảo vệ chủ quyền của đất nước, có những đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam và cho mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam và CH Pháp”.
Trong sổ tang của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Đại sứ CHDCND Lào tại Pháp Kham-Ink Khitchadeth đã viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo kiệt xuất, đã cống hiến hết mình vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển cho nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới (...). Trong suốt cuộc đời mình, đồng chí đã không ngừng vun đắp cho mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào, trong suốt thời kỳ Cách mạng cũng như trong công cuộc tái thiết đất nước Lào. Đảng, Chính phủ và Nhân dân Lào mãi mãi ghi nhớ những nỗ lực và đóng góp vô giá của đồng chí đối với CHDCND Lào.”
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp, ông Gérard Daviot - nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam tại Pháp (AAFV), cho biết mới chỉ gặp Tổng Bí thư một lần nhưng ông rất ấn tượng về tính nhân văn, sự nhiệt tình và những dấu ấn mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đạt được khi theo đuổi sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được coi như kim chỉ nam hành động của ông. Ông Gérard Daviot bày tỏ: “Chúng ta phải tri ân Tổng Bí thư về những điều ông đã làm để đất nước Việt Nam được phát triển như ngày nay, được công nhận trên trường thế giới. Lãnh đạo đất nước gần 100 triệu dân, đông dân thứ 13 trên thế giới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện được nhiều cuộc cải cách, từ giáo dục trẻ em đến xóa đói giảm nghèo, nhất là ở vùng sâu vùng xa miền núi dân tộc. Đặc biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người năng động và kiên quyết trong cuộc chiến chống tham nhũng... Tổng Bí thư đã mạnh mẽ đấu tranh chống lại tệ nạn này và hy vọng những người kế nhiệm của ông cũng như Chính phủ Việt Nam tiếp tục sự nghiệp này để Việt Nam ngày càng được biết đến trên thế giới".
Bày tỏ lời chia buồn sâu sắc của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), ông Firmin Edouard Matoko, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Ưu tiên châu Phi và Quan hệ Đối ngoại, cho rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một chính trị gia kiệt xuất, một nhân cách lớn, người đã phấn đấu không ngừng cho hòa bình, không chỉ của Việt Nam mà cho cả thế giới, người đã luôn ủng hộ các sáng kiến của UNESCO. Ông hy vọng tấm gương Tổng Bí thư sẽ được phát huy khắp nơi trên thế giới.
Thay mặt Chính phủ và Nhân dân Sri Lanka, Đại sứ Manisha Gumasekera, đại diện phái đoàn thường trực Sri Lanka bên cạnh UNESCO, đánh giá cao những đóng góp của Tổng Bí thư Ngyễn Phú Trọng trong việc tăng cường mối quan hệ giữa Việt Nam và Srilanka trong nhiều thập kỷ qua.
Về phần mình, đại biện phái đoàn thường trực Nga tại UNESCO, ông Dmitry Darchenkov, nhấn mạnh: "Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã dành và cống hiến cả cuộc đời mình để phụng sự cho đất nước, cho nhân dân Việt Nam. Tại Nga, ông sẽ được tưởng nhớ về những đóng góp to lớn trong việc đẩy mạnh quan hệ giữa hai nước và mối quan hệ quốc tế của chúng ta trên bình diện thế giới. Chúng tôi cũng tin rằng đồng chí Nguyễn Phú Trọng sẽ được nhớ mãi như một nhà lãnh đạo kiệt xuất".
Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại niềm tiếc thương sâu sắc trong lòng bà con kiều bào Việt Nam tại Pháp. Trong sổ tang của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, đại diện các hội đoàn và các cá nhân người Việt Nam tại Pháp đã bày tỏ tình cảm và sự kính trọng với nhà lãnh đạo kiệt xuất, trọn đời vì nước vì dân. Đánh giá cao những dấu ấn mà Tổng Bí thư đã làm được, đặc biệt là trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng và tiêu cực, khôi phục lại lòng tin của nhân dân đối với Đảng, bà con kiều bào mong rằng những di sản mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại, cũng như mong muốn của Tổng Bí thư sẽ tiếp tục được thực hiện, đưa đất nước Việt Nam ngày càng phát triển, thịnh vượng, xã hội công bằng và văn minh.