Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, dự kiến tổng thời gian làm việc của kỳ họp này là 19,5 ngày, chia làm 2 đợt. Kỳ họp khai mạc vào ngày 20/10. Các đại biểu ở tỉnh, thành phố sẽ dự họp tại đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương, kết nối với Nhà Quốc hội (từ 20 - 28/10), sau đó đại biểu tạm nghỉ ít ngày trước khi tập trung tại Hà Nội để họp đợt hai (từ 3 - 17/11).
Thông tin về nội dung Kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết đợt 1 của Kỳ họp (20 - 28/10), Quốc hội sẽ thảo luận về các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua, các báo cáo về công tác tư pháp; nghe trình bày các tờ trình, báo cáo; thảo luận 2 dự án luật trình cho ý kiến.
Đợt 2 (từ 3 - 17/11), Quốc hội sẽ nghe báo cáo về hoạt động đối ngoại của Quốc hội; thảo luận các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, 4 dự án luật trình cho ý kiến.
Cùng với đó, Quốc hội sẽ chất vấn và trả lời chất vấn; quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; thông qua luật, nghị quyết và xem xét công tác nhân sự.
Sau khi bị gián đoạn ở Kỳ họp thứ 9 vừa qua, tại Kỳ họp thứ 10 này Quốc hội sẽ dành hai ngày rưỡi để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
Là kỳ họp gần áp chót của nhiệm kỳ, ngoài các nội dung Quốc hội xem xét thường niên như tình hình kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng, các báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, công tác xây dựng luật…, còn có các nội dung nhằm đánh giá hoạt động của nhiệm kỳ, định hướng một số chủ trương, chính sách cho giai đoạn mới.
"Quốc hội sẽ xem xét kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Mặc dù hai kế hoạch này phải được lập cùng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 (chưa trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10) nhưng phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn này được đề cập trong dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng sẽ được xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp" - Tổng Thư ký Quốc hội cho biết.
Trình bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc
Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, sẽ bổ sung nội dung trình bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) vào chương trình kỳ họp. Dự kiến ngày 12/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc. Nội dung này sẽ được thảo luận ở Đoàn trước khi Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng đề nghị cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến việc phê chuẩn Bộ trưởng Bộ Y tế tại kỳ họp này để bố trí chương trình cho phù hợp. Hiện ông Nguyễn Thanh Long là quyền Bộ trưởng Bộ Y tế...
Tại Kỳ họp thứ 10, một số nội dung dự kiến được bổ sung như trình Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ; Kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025…
Để tiết kiệm thời gian kỳ họp, Tổng thư ký Quốc hội đề nghị giảm thời lượng trình bày các tờ trình, báo cáo thẩm tra của các dự án luật, dự thảo nghị quyết từ 15 phút xuống 10 phút, do đã có khoảng thời gian giữa hai đợt họp để đại biểu Quốc hội nghiên cứu tài liệu, các cơ quan của Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý các nội dung Kỳ họp.
Tại phiên họp toàn thể, nếu có trên 20 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu/buổi thảo luận, đề nghị cho thực hiện việc giảm thời gian phát biểu lần đầu từ 7 phút xuống 5 phút (vấn đề này sẽ được gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội).