Tại Sóc Trăng, do ảnh hưởng của lũ từ đầu nguồn đổ về cùng với triều cường lớn đầu tháng 10 âm lịch, nước dâng cao đã làm 162 công trình thuỷ lợi và công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện Cù Lao Dung bị phá vỡ với chiều dài tổng cộng gần 900 mét. Đê bao vỡ, làm 113 căn nhà bị ngập trong nước; ảnh hưởng tới trên 1.100 ha mía, hoa màu, cây ăn trái và diện tích thuỷ sản của nhân dân. Trong đó có 1.050 ha mía, 6.5 ha hoa màu, 8 ha cây ăn trái và 35 ha thủy sản bị ngập, ước tổng trị giá thiệt hại lên tới 14,3 tỉ đồng.
Xã An Thạnh Ba là địa phương bị tràn, vỡ đê bao, bờ bao nhiều nhất với 49 đoạn, tổng chiều dài 323m, làm 200 ha mía bị ngập. Xã Đại Ân 1 có 37 đoạn vỡ, dài 154m, có 610 ha mía và 24 ha thủy sản bị ngập. Đây là những địa phương bị thiệt hại nặng nhất của huyện Cù Lao Dung.
Hàng trăm căn nhà ở huyện Cù Lao Dung bị nước ngập sâu. |
Để đối phó với triều cường, giảm thiệt hại cho nhân dân, trong những ngày qua, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Cù Lao Dung đã phân công các thành viên trực tiếp xuống địa bàn theo phương châm 4 tại chỗ để vận động nhân dân, lực lượng xung kích cứu hộ khắc phục kịp thời các đoạn đê bị vỡ. Ngoài ra huyện cũng đã chuẩn bị lực lượng cơ giới túc trực để xử lý các đoạn bị vỡ mà biện pháp thủ công không thể thực hiện được. Đồng thời, huyện xuất số tiền trên 100 triệu đồng từ ngân sách dự phòng để hỗ trợ khắc phục hậu quả.
Theo ông Phạm Hồng Văn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung: Đến chiều 29/10, nhân dân các địa phương trong huyện đã khắc phục được 125 đoạn đê bao bị vỡ với chiều dài là 614m. Còn lại 42 đoạn chưa khắc phục dài 272m, trong đó có 19 đoạn người dân không có khả năng khắc phục, đang chờ nước rút mới có thể mang phương tiện cơ giới vào sửa chữa.
Dự kiến trong những ngày tới, nước lũ bắt đầu giảm về cao độ, hiện Cù Lao Dung có nhiều đoạn đường giao thông nông thôn dài trên 15 km bị tràn và xói lở ở các xã, thị trấn; trên 100km bờ bao của nhân dân vẫn đang bị nước lũ đe dọa nên công tác túc trực, ứng cứu được đặc biệt quan tâm./.
Trung Hiếu