Triển khai chương trình hành động thực hiện các nghị quyết Trung ương

Ngày 7/12, Tỉnh ủy Hà Nam tổ chức hội nghị triển khai các chương trình hành động, kế hoạch của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết, Kết luận Hội nghị lần thứ 5, lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; quán triệt, triển khai một số Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy trình bày các chương trình hành động, kế hoạch của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết, Kết luận Hội nghị lần thứ 5, lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: Nguyễn Chinh/TTXVN

Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu Nhà văn hóa trung tâm tỉnh đến 216 điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố và các đảng bộ trực thuộc tỉnh.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được quán triệt Chương trình hành động, Kế hoạch của Tỉnh ủy Hà Nam thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII gồm: Nghị quyết số 29-NQ/TW “Về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Kết luận số 45-KL/TW “Về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”; Kết luận số 42-KL/TW về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023 - 2025, về chính sách tiền lương; Nghị quyết số 19-NQ/TW “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 20-NQ/TW “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”; Nghị quyết số 21-NQ/TW “Về tăng cường, củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”; Nghị quyết số 28-NQ/TW “Về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”… Các Nghị quyết của Bộ Chính trị gồm: Nghị quyết số 23-NQ/TW "Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị số 26-NQ/TW về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nguyễn Chinh/TTXVN

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy nhấn mạnh, những nội dung, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo tại Hội nghị Trung ương 5, Trung ương 6 khóa XIII của Đảng, Nghị quyết của Bộ Chính trị là những vấn đề lớn, cơ bản, hệ trọng, tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và cương lĩnh xây dựng đất nước. Các chương trình hành động, kế hoạch của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 và Nghị quyết và Kết luận Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII có ý nghĩa quan trọng, tác động trực tiếp đến việc hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX và Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở tập trung quán triệt sâu sắc những vấn đề mới, các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp trong các Nghị quyết để thấy rõ đây là những nội dung cơ bản, hệ trọng, có liên quan mật thiết, đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và quá trình phát triển kinh tế - xã hội; củng cố quốc phòng an ninh của tỉnh, của địa phương và nâng cao đời sống nhân dân. Các Ban xây dựng Đảng, Ban cán sự đảng, đảng đoàn, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc khẩn trương xây dựng Chương trình hành động, Kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp, thời gian cụ thể, gắn với phân công trách nhiệm cho từng tập thể và cá nhân; khắc phục tình trạng hình thức, rập khuôn của cấp trên. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với việc xây dựng Chương trình, Kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết, Kết luận, Chương trình, Kế hoạch của Trung ương, của Tỉnh ủy và của cấp ủy cấp trên đối với cấp ủy cấp dưới; kịp thời phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng cách làm hay, hiệu quả và kịp thời chấn chỉnh, phê bình cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, địa phương, đơn vị làm chưa tốt.

Hậu Giang: Triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XIII

Chú thích ảnh
Đại biểu góp ý kiến vào các dự thảo Chương trình hành động. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Ngày 7/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XIII.

Trong chương trình Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới", Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang đề ra nhiệm vụ hoàn thiện cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật.

Hậu Giang tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân trong bộ máy Nhà nước đi đôi với nâng cao năng lực thực thi pháp luật; xây dựng tổ chức bộ máy Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Một số nhiệm vụ được Hậu Giang nêu ra như đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; tiếp tục tham gia xây dựng hệ thống pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển của địa phương; đẩy mạnh đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân; quan tâm đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương; xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả…

Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới", Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang đề ra chương trình với mục tiêu đổi mới mạnh mẽ, thực chất trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, sát thực tiễn; giữ vững nguyên tắc của Đảng.

Hậu Giang nâng cao năng lực tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân; nêu gương của cán bộ, đảng viên; đổi mới phong cách, lề lối làm việc; đề cao trách nhiệm của tập thể, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; xây dựng phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cấp uỷ, tổ chức đảng, thực sự khoa học, dân chủ, sát với thực tiễn.

Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang đề ra nhiều nhiệm vụ trong thời gian tới như đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao chủ trương, đường lối của Đảng; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ tỉnh tới cơ sở...

Về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang đề ra mục tiêu đến năm 2030 xây dựng Hậu Giang trở thành một tỉnh có nền sản xuất công nghiệp phát triển ở mức khá, không còn là tỉnh khó khăn về phát triển kinh tế. Nông nghiệp phát triển nhanh, hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ tiên tiến, gắn với bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái, cảnh quan tự nhiên. Các ngành dịch vụ của tỉnh được cơ cấu lại đồng bộ, hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh được nâng cao, hình thành được nhiều ngành dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao. Tầm nhìn đến năm 2045 xây dựng tỉnh Hậu Giang trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá so với cả nước.

Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện như: đổi mới nhận thức và hành động về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hoàn thiện các chính sách thu hút đầu tư, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển công nghiệp hiện đại là trụ cột phát triển kinh tế; công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển kinh tế tập thể; cơ cấu lại ngành dịch vụ trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hoá nhanh và bền vững, tạo động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa,...

Nguyễn Chinh - Hồng Dân (TTXVN)
Sớm đưa Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII vào cuộc sống với hiệu quả cao
Sớm đưa Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII vào cuộc sống với hiệu quả cao

"Thành ủy, cấp ủy căn cứ vào điều kiện đặc điểm của mình để đề ra chương trình hành động sát hợp trong thực hiện Nghị quyết của Trung ương 6 lần này. Thường vụ Thành ủy căn cứ vào Nghị quyết Đại hội lần thứ XI, các chương trình hành động để bám sát, rà soát thực tiễn, tính toán để đề ra chương trình hành động mang tính khả thi cao".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN