Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh tình hình tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến xe kinh doanh vận tải, đặc biệt là xe chở container, xe ben chở vật liệu xây dựng, xe chở khách hợp đồng liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây.
Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng, thời gian gần đây, cả nước liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe kinh doanh vận tải. Điển hình là các vụ tai nạn giao thông xe bồn chở xăng dầu tại Bình Phước ngày 22/11/2018 làm 6 người chết, nhiều người bị thương và hàng chục căn nhà bị phá hủy.
Đặc biệt là vụ tai nạn giao thông tại Long An ngày 2/1/2019, lái xe chở container vi phạm quy định nồng độ cồn, dương tính với ma túy, điều khiển xe container đâm vào hàng loạt xe máy đang chờ đèn đỏ làm 4 người chết, 16 người bị thương.
Vụ tai nạn giao thông tại Gia Lai ngày 11/1/2019 liên quan tới xe ô tô tải làm 3 người chết... Những vụ tai nạn giao thông trên gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, gây tâm lý hoang mang, bức xúc trong dư luận.
“Trong các vụ tai nạn giao thông này, ngoài các nguyên nhân trực tiếp là hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện, cần khẳng định còn có nhiều nguyên nhân gián tiếp như sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm của một bộ phận chủ xe, đơn vị kinh doanh vận tải, chỉ quan tâm đến lợi nhuận, khoán trắng cho lái xe hoạt động, tạo sức ép buộc lái xe phải làm việc quá thời gian quy định, không thực hiện quy định tổ chức lao động, khám sức khỏe định kỳ với lái xe; không theo dõi, giám sát, cảnh báo nguy cơ tai nạn giao thông đối với lái xe thông qua thiết bị giám sát hành trình, vi phạm quy định về bảo đảm an toàn kỹ thuật phương tiện giữa hai kỳ đăng kiểm”, ông Khuất Việt Hùng khẳng định.
Ông Khuất Việt Hùng cũng cho rằng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm trong kinh doanh vận tải ở một số địa phương còn hạn chế, hình thức. Hiệu lực, hiệu quả của công tác tuần tra kiểm soát chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình.
Công tác quản lý về giấy phép lái xe còn chưa chặt chẽ. Chế tài xử phạt còn chưa đủ sức răn đe. Mặc dù các chỉ đạo định hướng đôn đốc về bảo đảm an toàn giao thông trong giai đoạn vừa qua liên quan tới lĩnh vực kinh doanh vận tải đã phát huy tối đa tác dụng nhưng kết quả chưa đạt được như mong muốn.
Để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, ngăn ngừa những vụ tai nạn liên quan đến xe kinh doanh vận tải, đặc biệt xe container, xe tải nặng và xe khách và nâng cao an toàn giao thông chung trên toàn quốc, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đề xuất triển khai ngay một kế hoạch kiểm tra test nhanh về nồng độ cồn và ma túy đối với lái xe ở một số địa phương, địa bàn trọng điểm, nếu có vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định. Ma túy và rượu bia là hai yếu tố khiến cho lái xe không đủ tỉnh táo, dễ dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Cùng với đó, chọn một số doanh nghiệp ở các địa phương trọng điểm có số lượng xe kinh doanh vận tải lớn để kiểm tra công tác quản lý của doanh nghiệp với lái xe, chủ phương tiện giao xe mà không quản lý phải xử lý nghiêm, quy trách nhiệm rõ ràng. Mở chiến dịch, xử lý nghiêm một vài trường hợp đúng người, đúng tội sẽ được tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
Liên quan đến sát hạch lái xe, Bộ trưởng Giao thông Vận tải đề xuất kiểm tra đột xuất việc đào tạo ở một số trung tâm đào tạo lái xe nhất, cơ sở vi phạm phải xử lý thật nặng. Ông đề nghị kiểm tra sức khỏe ngẫu nhiên đối với một số lái xe để nắm bắt công tác này, nếu phát hiện trung tâm y tế, bác sỹ ký giấy khám sức khỏe không đúng phải xử lý nghiêm…
Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, hiện có tình trạng nhiều lái xe bất chấp pháp luật, nguy hiểm hơn, có những lái xe thường xuyên sử dụng ma túy, hiểm họa khôn lường.
Trước tình hình này, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Giao thông chủ trì phối hợp với các lực lượng khác trong tuần tra xử lý, chú ý đối tượng có nguy cơ sử dụng ma túy, thực hiện test nhanh, tập trung chủ yếu vào đối tượng lái xe chở hành khách, xe container, xe tải.
Nhấn mạnh không để xảy ra tai nạn giao thông, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản người dân là yêu cầu bức bách; và trách nhiệm là của các ngành, các cấp, đặc biệt là ngành Công an, Giao thông, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các địa phương, các ngành liên quan tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các chỉ thị, công điện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phân công, đôn đốc, phối hợp và kiểm tra xử lý, tập trung vào nơi có nhiều điểm lễ hội, những địa phương hay xảy ra tai nạn giao thông, điểm đen, đường ngang dân sinh. Trước mắt, tập trung kéo giảm số vụ tai nạn, số người chết và bị thương trong dịp Tết.
Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường tuần tra kiểm soát phương tiện, người tham gia giao thông, xử lý nghiêm các vi phạm, tuyệt đối nghiêm cấm việc xin xỏ, can thiệp khiến cán bộ, chiến sỹ chùn tay. Tổ chức kiểm tra xác suất, có trọng tâm, trọng điểm ở các thành phố lớn.
Phối hợp các lực lượng kiểm tra về nồng độ cồn và ma túy, phát hiện ra lái xe sử dụng ma túy phải lập tức thu giấy phép lái xe. Kiểm tra điều kiện kinh doanh, việc chấp hành quy định pháp luật của các chủ phương tiện, doanh nghiệp, nhà xe khi đưa phương tiện vào tham gia giao thông, xử lý hình sự những vụ việc tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trước Tết nguyên đán để răn đe, phòng ngừa, cảnh báo. Tập trung xử lý các điểm đen, đường ngang dân sinh, đèo dốc.
Khẳng định việc “chống trượt” trong đào tạo cấp giấy phép lái xe là có, Phó Thủ tướng yêu cầu cơ quan chức năng nghiêm túc xem lại quy trình sát hạch, giám sát việc cấp bằng, siết chặt việc thực hiện các quy định, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.
Nếu lái xe có vi phạm cũng phải kiểm tra lại cơ sở đào tạo, cấp bằng cho lái xe đó. Tai nạn xảy ra, bên cạnh xem xét trách nhiệm của lái xe, phải kiểm tra trách nhiệm của chủ xe, nơi cấp bằng, nơi khám sức khỏe và cơ quan kiểm định phương tiện.