Đây là giải báo chí đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên với quy mô cấp tỉnh mang tên Huỳnh Thúc Kháng, một chí sĩ yêu nước có tên tuổi gắn liền với Trường dạy làm báo đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên được khai giảng ngày 4/4/1949, tại xóm Bờ Rạ, xã Tân Thái, huyện Đại Từ.
Giải thưởng nhận được 172 tác phẩm tham dự, trong đó có 37 tác phẩm báo in, 51 tác phẩm báo hình, 28 tác phẩm báo nói, 56 tác phẩm báo điện tử. Các tác giả, nhóm tác giả gửi tác phẩm tham dự thuộc các cơ quan báo chí của Trung ương, Văn phòng đại diện các cơ quan báo chí Trung ương đóng trên địa bàn; các tác giả, nhóm tác giả là hội viên Hội Nhà báo tỉnh, phóng viên, biên tập viên thuộc các cơ quan báo chí, tuyên truyền của tỉnh Thái Nguyên; Trung tâm Văn hóa và Truyền thông các huyện và thành phố trên địa bàn; các cá nhân có tác phẩm viết về Thái Nguyên được đăng tải, phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động báo chí trong giai đoạn quy định xét Giải thưởng 2022- 2023.
Theo đánh giá của Hội đồng chung khảo, Giải báo chí Huỳnh Thúc Kháng lần đầu được tổ chức nhưng đã thu hút được sự tham gia của đông đảo nhà báo từ các cơ quan báo chí Trung ương đến địa phương. Tác phẩm tham dự phong phú về đề tài, đề cập khá toàn diện các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,… tập trung phản ánh sinh động, khách quan, chân thực về thành tựu, mô hình tiêu biểu, cách làm đột phá, sáng tạo của tỉnh Thái Nguyên trong thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Trong đó, các tác phẩm viết về xây dựng Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng có tính phát hiện, mang tính phản biện cao, có nhiều bài học tốt trong tác phẩm, thể hiện vai trò của Đảng và đảng viên; nhiều tác phẩm có tính phát hiện, nêu lên được những vấn đề thời sự, vấn đề mới từ thực tiễn ở địa phương, cơ sở, cách thức thể hiện hấp dẫn, sáng tạo theo đúng loại hình báo chí, đã thể hiện sự nỗ lực của người làm báo.
Ban Tổ chức đã lựa chọn 37 tác phẩm báo chí xuất sắc của 4 loại hình để trao giải. Cụ thể, 4 tác phẩm đoạt giải A; 7 tác phẩm đoạt giải B; 11 tác phẩm đoạt giải C; 15 tác phẩm đoạt giải Khuyến khích. Trong đó, tác phẩm “Trợ giúp pháp lý - điểm tựa tin cậy cho người yếu thế tại Thái Nguyên” của Trung tâm Truyền hình thông tấn (Thông tấn xã Việt Nam) đoạt Giải C.
Tại Chương trình, ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, Trưởng Ban Tổ chức Giải thưởng khẳng định, các nhà báo, phóng viên, hội viên, người làm báo không quản ngại khó khăn, vất vả, luôn bám sát hơi thở cuộc sống để cống hiến, sáng tác những tác phẩm báo chí phản ánh khách quan, chân thực, toàn diện các mặt đời sống kinh tế - xã hội. Trong đó, những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã đạt được trong suốt thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ của các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương cũng như địa phương.