Ủy ban sẽ xây dựng kế hoạch hợp tác, lộ trình thực hiện nhằm xây dựng chính sách, mô hình quản lý, xử lý chất thải rắn hiệu quả, bền vững tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, với 70% lượng chất thải rắn phát sinh được sử dụng để sản xuất điện, Nhật Bản được coi là quốc gia thực hiện thành công công tác quản lý, xử lý chất thải rắn bằng cách hình thành xã hội tái chế, tái tạo năng lượng từ chất thải rắn.
Trong khi đó, việc quản lý chất thải rắn hiện nay đang là bài toán khó đối với cơ quan quản lý và chưa đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường, chưa được xử lý và thải bỏ một cách an toàn.
Chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam đang được xử lý chủ yếu thông qua phương pháp chôn lấp, trong đó chỉ có khoảng 30% các bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Cả nước chỉ có gần 300 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, chủ yếu là lò đốt rác cỡ nhỏ, quy mô cấp xã.
Trong những năm qua, mối quan hệ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản đặc biệt phát triển trong lĩnh vực môi trường thông qua hoạt động hợp tác kỹ thuật, chuyển giao công nghệ.
Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn tiếp tục hợp tác, học tập kinh nghiệm quản lý chất thải rắn của Nhật Bản để tìm kiếm mô hình phù hợp và kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào các dự án đốt chất thải phát điện.
Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Takaaiki Katsumata cho biết, với việc thành lập Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Nhật Bản về quản lý chất thải vào năm 2018, cuộc họp lần thứ nhất năm 2019 sẽ trao đổi thông tin, bàn về các giải pháp xử lý chất thải tại Việt Nam.
Ủy ban hỗn hợp nhằm cải thiện hệ thống vệ sinh công cộng và bảo tồn môi trường ở Việt Nam. Hướng tới mục tiêu này, cần thiết lập hệ thống quản lý chất thải phù hợp, dựa trên chính sách và các công nghệ 3Rs, bao gồm cả chuyển đổi chất thải thành năng lượng.
Theo Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản, hiện trạng chất thải ở Việt Nam đang phát sinh ngày càng lớn nên Việt Nam đang cần những giải pháp cấp thiết để xử lý. Chính phủ Việt Nam cũng mong muốn phát triển kinh tế hài hòa với bảo vệ môi trường. Với những kinh nghiệm đã có, Nhật Bản sẽ đáp ứng được nhu cầu của Việt Nam.
Ông Masayoshi Kurisu, Bộ Môi trường Nhật Bản cũng đã trao đổi thêm các thông tin về hệ thống pháp luật để thiết lập một nền kinh tế tuần hoàn, các biện pháp chính sách gần đây cho những vấn đề mới nổi, cách thực hành tốt nhất về “mối quan hệ thông minh với nhựa”…