Trả lời của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nói: “Trong trao đổi với Lào cũng như với các nước trong Ủy hội sông Mê Công quốc tế về kế hoạch xây dựng đập thủy điện Xaynhabuly trên dòng chính sông Mê Công, Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ quan điểm của Việt Nam là việc xây dựng các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công cần được đặt trong tổng thể quản lý và phát triển bền vững sông Mê Công và đã đề nghị các nước cùng phối hợp tiến hành nghiên cứu tổng thể các tác động của các dự án thủy điện dòng chính đối với sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mê Công”.

 

Về việc Lào khởi công thủy điện Xaynhabuly

 

Ngày 8/11, tại Hà Nội, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam về việc Lào khởi công xây dựng đập thủy điện Xaynhabuly, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nói:


“Việc khai thác và sử dụng công bằng, hợp lý các nguồn tài nguyên, đặc biệt là nguồn nước sông Mê Công, có ý nghĩa quan trọng góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững chung của lưu vực sông Mê Công, vì lợi ích chung của các quốc gia ven sông và người dân sinh sống tại khu vực này. Trong trao đổi với Lào cũng như với các nước trong Ủy hội sông Mê Công quốc tế về kế hoạch xây dựng đập thủy điện Xaynhabuly trên dòng chính sông Mê Công, Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ quan điểm của Việt Nam là việc xây dựng các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công cần được đặt trong tổng thể quản lý và phát triển bền vững sông Mê Công và đã đề nghị các nước cùng phối hợp tiến hành nghiên cứu tổng thể các tác động của các dự án thủy điện dòng chính đối với sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mê Công. Chúng tôi được biết Chính phủ Lào quyết định khởi công xây dựng thuỷ điện Xaynhabuly sau khi đã điều chỉnh thiết kế của công trình để giảm thiểu tác động đối với hạ du và trong quá trình xây dựng, nếu phát hiện công trình gây tác hại lớn sẽ dừng ngay dự án. Chúng tôi mong rằng phía Lào sẽ tiếp tục tiến hành nghiên cứu tác động môi trường và hoàn thiện thiết kế của đập Xaynhabuly; đồng thời phối hợp với Việt Nam, Campuchia và Thái Lan cùng tiến hành nghiên cứu tổng thể, kỹ lưỡng, toàn diện các tác động lũy tích về môi trường, kinh tế, xã hội của tất cả các công trình thủy điện dự kiến xây dựng trên dòng chính sông Mê Công.”


Việt Nam - Trung Quốc đàm phán về các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển


Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết kết quả của Đàm phán vòng II về việc hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nói: “Thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam, Trung Quốc và nguyên tắc chỉ đạo được xác định trong “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc” được hai nước ký ngày 11/10/2011, từ ngày 6 đến ngày 8/11/2012 tại Hà Nội, hai bên đã tổ chức đàm phán vòng II Nhóm công tác về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển. Tại cuộc họp, hai bên đã trình bày và trao đổi ý kiến về các dự án ưu tiên hợp tác liên quan 4 lĩnh vực bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm cứu nạn trên biển và phòng chống thiên tai theo các nguyên tắc đã được xác định trong “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”. Hai bên nhất trí giao cho các tổ chuyên gia thuộc Nhóm công tác sớm khởi động nghiên cứu, đóng góp ý kiến sơ bộ về các dự án ưu tiên hợp tác để tiếp tục trao đổi tại vòng đàm phán tiếp theo dự kiến tổ chức vào nửa đầu năm 2013”.


Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Việt Nam có dự định nêu vấn đề Biển Đông tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 21 và các Hội nghị cấp cao liên quan không, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nói: “Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 21 và các cấp cao liên quan, lãnh đạo các nước sẽ trao đổi về nhiều vấn đề, trong đó có những nội dung liên quan đến duy trì hòa bình, ổn định, an ninh ở khu vực. Là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam đã, đang và sẽ cùng các nước ASEAN tiếp tục củng cố và duy trì tinh thần và các nguyên tắc hoạt động ASEAN, phấn đấu tăng cường hơn nữa vai trò trung tâm của Hiệp hội trong các tiến trình khu vực, vì hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới”.

 

Hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm


Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc trong bối cảnh kim ngạch thương mại với Trung Quốc đang chiếm tỷ trọng lớn, có phải Việt Nam muốn thông qua việc mở rộng đàm phán FTA để tăng tỷ trọng thương mại với các quốc gia khác hay không, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nói: “Việt Nam chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm. Cho đến nay, Việt Nam đã ký FTA với nhiều đối tác; cụ thể là FTA với ASEAN và cùng ASEAN ký FTA với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Niu Dilân và Ôxtrâylia. Việt Nam đã ký FTA với Chilê và cũng đã ký Hiệp định đối tác kinh tế (EPA) với Nhật Bản, hiện đang tiếp tục thúc đẩy đàm phán FTA với nhiều đối tác khác như TPP, Liên minh thuế quan Nga - Bêlarút - Cadắcxtan, FTA với EU, khối thương mại tự do châu Âu (EFTA gồm Thụy Sĩ, Na Uy, Líttenxtanh, Aixơlen) và Hàn Quốc. Việt Nam coi việc thúc đẩy quan hệ thương mại với các nước là một trong những nền tảng then chốt góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam đến năm 2020".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN