TPP: Tiến tới mục tiêu cao nhất về thương mại tự do và hội nhập

Thông tin mới nhất từ Bộ Công Thương, sau 5 ngày đàm phán, các Bộ trưởng đã đạt được đồng thuận về tất cả các vấn đề còn tồn tại, chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Từ ngày 30/9 đến ngày 04/10, Bộ trưởng phụ trách thương mại của 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru,Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam đã họp tại Atlanta (Hoa Kỳ), để tìm kiếm thỏa thuận nhằm kết thúc toàn diện đàm phán.


Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị do Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng dẫn đầu, cùng lãnh đạo một số Bộ, ngành và đại diện các Bộ, ngành liên quan đến đàm phán TPP.


Các trưởng đoàn các nước tham gia đàm phán TPP chụp ảnh chung tại hội nghị ngày 1/10. Ảnh: Reuters-TTXVN.


Sau một thời gian đàm phán khẩn trương và kéo dài 5 ngày (dự kiến ban đầu chỉ là 3 ngày), các Bộ trưởng đã đạt được đồng thuận về tất cả các vấn đề còn tồn tại, trong đó có những vấn đề quan trọng như mở cửa thị trường, sở hữu trí tuệ, các quy định về lao động, doanh nghiệp nhà nước…., chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định TPP sau hơn 5 năm đàm phán.


Tại hội nghị, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã tham gia các phiên họp toàn thể và có nhiều buổi làm việc, đàm phán song phương với Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Michael Froman, Bộ trưởng Thương mại quốc tế và Công nghiệp Malaysia Sri Mustapa Mohamed, Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo, Bộ trưởng Ngoại thương và Du lịch Peru Magali Silva và lãnh đạo cấp Bộ của một số nước khác. Đoàn Việt Nam đã thể hiện sự chủ động, tích cực phối hợp với các nước khác để kết thúc toàn diện các lĩnh vực đàm phán song phương và đa phương, phù hợp với mục tiêu và phương án đặt ra, góp phần vào thành công chung của Hội nghị Atlanta.


Hiệp định TPP được coi là hình mẫu cho hợp tác kinh tế khu vực trong những năm đầu của thế kỷ 21. Hiệp định bao gồm 30 chương, đề cập không chỉ các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn cả các vấn đề mới như thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng, doanh nghiệp nhà nước…


Với các kết quả đàm phán đã đạt được, Hiệp định TPP sẽ là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao trên cơ sở cân bằng lợi ích và có lưu ý tới trình độ phát triển khác nhau giữa các nước tham gia Hiệp định. Hiệp định được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại tất cả các nước TPP; tạo việc làm, giảm nghèo và nâng cao mức sống của người dân; thúc đẩy sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh; thúc đẩy minh bạch hóa và quản trị tốt; đồng thời củng cố các tiêu chuẩn về lao động và môi trường.


Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia Hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; xóa bỏ thuế xuất khẩu hoặc chỉ duy trì ở mức hạn chế, không mở rộng thêm thuế xuất khẩu trong tương lai; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước; mở cửa đấu thầu mua sắm của các cơ quan trực thuộc Chính phủ; từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên.


Nhận thức được việc các doanh nghiệp và người dân, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hết sức quan tâm tới các cam kết cụ thể của Hiệp định, các nước tham gia TPP sẽ cố gắng hoàn tất việc rà soát pháp lý các văn kiện của Hiệp định trong thời gian sớm nhất để có thể sớm công bố rộng rãi các cam kết về mở cửa thị trường tới người dân và các doanh nghiệp.


Các nước đánh giá cao việc hoàn tất hiệp định TPP
Các nước đánh giá cao việc hoàn tất hiệp định TPP

Tổng thống Mỹ Barack Obama đánh giá thỏa thuận mà các nước vừa đạt được phản ánh "những giá trị của Mỹ" và "đặt người lao động Mỹ lên tuyến đầu".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN