Tổng Thư ký IPU: Việt Nam đi đầu trong hợp tác liên nghị viện

Quan hệ giữa Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) và Quốc hội Việt Nam tốt đẹp và bền vững. Đây là khẳng định của Tổng Thư ký (TTK) IPU, ông Martin Chungong, với phóng viên TTXVN tại Geneva trước thời điểm khai mạc Đại hội đồng IPU lần thứ 138 vào ngày 24/3 tại Geneva (Thụy Sĩ).

Tổng Thư ký IPU Martin Chungong trong phòng làm việc của ông tại trụ sở IPU ở Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: Hoàng Hoa - Pv TTXVN tại Thụy Sĩ.

Tham dự sự kiện có hơn 700 nghị sỹ và 65 lãnh đạo các cơ quan lập pháp trên thế giới. Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu tham dự kỳ họp.

Chia sẻ mong muốn được gặp lại Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tại diễn đàn Đại hội đồng IPU lần thứ 138, TTK Chungong khẳng định mối quan hệ tốt đẹp giữa IPU và Quốc hội Việt Nam, hai bên “tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau”, hợp tác mạnh mẽ, năng động và hiệu quả nhằm thúc đẩy quan hệ liên nghị viện. Bày tỏ vui mừng trước bầu không khí hợp tác năng động giữa hai bên, ông Chungong chia sẻ mong muốn mối quan hệ này tiếp tục được tăng cường trong thời gian tới.

TTK IPU nhấn mạnh Việt Nam đang đi đầu trong hợp tác liên nghị viện, thể hiện qua hàng loạt những sự kiện quan trọng của IPU từng diễn ra tại Việt Nam trong vài năm qua, nhất là Đại hội đồng IPU lần thứ 132, được tổ chức tại Hà Nội vào năm 2015. 

Ông Chungong cho biết IPU hài lòng với thành công thu được tại kỳ họp này khi Đại hội đồng đã thông qua Tuyên bố Hà Nội mang chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”. TTK Chungong cho rằng Hà Nội là điểm xuất phát của hành động chung của IPU hiện nay trong việc thúc đẩy đóng góp của các nghị viện vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

TTK IPU nhắc lại sự kiện vào tháng 5/2017, khi Thành phố Hồ Chí Minh đăng cai tổ chức Hội nghị chuyên đề của IPU khu vực châu Á-Thái Bình Dương về ứng phó với biến đổi khí hậu. Tham gia sự kiện này, các đại biểu không chỉ có dịp thảo luận về việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, các thách thức, cơ hội và hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn được trải nghiệm kinh nghiệm của Việt Nam trong việc giải quyết những vấn đề có nguồn gốc từ biến đổi khí hậu, một ví dụ về việc biến lời nói thành hành động cụ thể mang lại lợi ích cho người dân.

Theo ông Chungong, Việt Nam có thể đóng một vai trò quan trọng, vai trò xúc tác trong khu vực nhằm thúc đẩy việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, đồng thời khẳng định IPU ủng hộ Quốc hội Việt Nam tiếp tục giữ vai trò đi đầu trong hoạt động, hợp tác liên nghị viện.

Đề cập các chương trình hỗ trợ của IPU đối với Quốc hội Việt Nam, TTK Chungong điểm lại các chương trình trợ giúp trên nhiều mặt, từ đóng góp xây dựng cơ sở dữ liệu khuôn khổ pháp lý của quốc hội, được tiến hành từ những năm 1990 với sự tham gia trực tiếp của ông Martin Chungong lúc bấy giờ, đến những trợ giúp trong việc thúc đẩy cuộc chiến chống HIV/AIDS và hiện tại là nâng cao hơn nữa nhận thức của các thành viên quốc hội về các mục tiêu phát triển bền vững, các cách thức và phương tiện thực hiện các mục tiêu phát triển vì lợi ích của người dân Việt Nam.

Ngoài ra, IPU còn phối hợp với Liên hợp quốc (LHQ) giúp Quốc hội Việt Nam đánh giá năng lực và phương tiện trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và đưa ra những khuyến nghị nâng cao năng lực đóng góp của quốc hội. Ông Chungong khẳng định các chương trình hỗ trợ của IPU cũng cho thấy Quốc hội Việt Nam đã và đang nỗ lực không ngừng để hoàn thiện các công tác của quốc hội. 

Thành lập năm 1889 và có trụ sở tại Geneva, IPU là tổ chức quốc tế tập hợp nghị viện các quốc gia có chủ quyền. Với 178 thành viên, 10 thành viên liên kết và đang tiếp tục mở rộng, IPU là trung tâm hoạt động ngoại giao nghị viện khắp thế giới vì hòa bình, hợp tác giữa các dân tộc. Quốc hội Việt Nam chính thức trở thành thành viên của IPU vào tháng 4/1979.

Từ đó tới nay, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm tại diễn đàn này. Quốc hội Việt Nam đã đảm nhiệm vị trí Chủ tịch nhóm địa-chính trị châu Á - Thái Bình Dương và nhóm ASEAN+3. Tại kỳ họp Đại hội đồng IPU tháng 10/2007, lần đầu tiên đại diện của Quốc hội Việt Nam được Đại hội đồng tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành, cơ quan lãnh đạo cao nhất của IPU.

TTXVN/Báo Tin tức
Trao Huân chương Hữu nghị cho lãnh đạo, nguyên lãnh đạo IPU
Trao Huân chương Hữu nghị cho lãnh đạo, nguyên lãnh đạo IPU

Chiều 19/1, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Gabriela Cuevas Barron, Tổng thư ký IPU Martin Chungong và nguyên Chủ tịch IPU Saber Hossain Chawdhury.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN