Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền: Cần có quy hoạch ở tầm chiến lược đối với lĩnh vực khai thác khoáng sản

Ngày 25/5, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức đối thoại với các nhà tài trợ quốc tế lần thứ 9 năm 2011 với chủ đề: “Phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực quản lý và khai thác khoáng sản”. Bên lề cuộc đối thoại, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đã có cuộc trao đổi với báo giới.

Xin ông cho biết lý do nào mà cuộc đối thoại lần thứ 9 có chủ đề “Phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực quản lý và khai thác khoáng sản”?

Nội dung chủ đề cho từng kỳ đối thoại là có sự chủ động đề xuất của Chính phủ Việt Nam, được sự đồng thuận của các nhà tài trợ, mà đặc biệt, Thụy Điển với tư cách nhà điều phối chính. Trong đối thoại lần thứ 8, Ban tổ chức chuẩn bị nội dung lần thứ 9. Cuộc đối thoại lần thứ 8 có chủ đề về công tác phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, nên đã thống nhất sẽ bàn về công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực khai thác khoáng sản trong lần đối thoại thứ 9.

Cuộc đối thoại lần 9 có chủ đề này vì khoáng sản là tài nguyên quan trọng trong sự phát triển của mỗi quốc gia. Đặc biệt, Việt Nam có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, có khả năng tác động đến tiến trình phát triển của đất nước. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, hoạt động quản lý khai thác, sử dụng khoáng sản còn nhiều yếu kém. Hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập, quản lý của Nhà nước đối với các lĩnh vực này còn lỏng lẻo, yếu kém, cả về người quản lý, khai thác sử dụng. Các bên khai thác, mua bán, tiêu thụ đều có hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, làm thất thoát tài sản, gây bất bình trong nhân dân.

Đối thoại trong lĩnh vực này nhằm tìm ra sự nhất trí trong việc đánh giá, đề ra chủ trương giải pháp để có được cơ chế giám sát, phát hiện kịp thời hành vi tham nhũng trong lĩnh vực này để ngăn chặn. Đối thoại sẽ giúp cho công tác quản lý ngày càng có hiệu quả, hành vi sai phạm được ngăn chặn kịp thời và xử lý triệt để, làm lợi cho cái chung, giúp cho phát triển đất nước và tạo lòng tin, sự đồng thuận của nhân dân đối với công tác lãnh đạo điều hành, quản lý của Nhà nước. Với ý nghĩa như vậy, đối thoại lần này đã chọn tham nhũng trong lĩnh vực khoáng sản để thảo luận.

Hiện nay, quy hoạch tổng thể về khai thác khoáng sản chưa có và chủ yếu giao cho các địa phương, vì thế đã nảy sinh nhiều bất cập. Xin ông cho biết giải pháp để kiện toàn hành lang pháp lý cho vấn đề này?


Đất đai, khoáng sản là dạng tài nguyên không thể tái tạo. Hiện nay, công tác quy hoạch, quản lý, cấp phép, khai thác, mua bán xuất nhập khẩu khoáng sản đều có bất cập, chứ không riêng phần quy hoạch. Đất đai, khoáng sản đều phải có quy hoạch ở tầm chiến lược, có quy hoạch chung và quy hoạch cụ thể, từ đó gắn với phân cấp quản lý. Hiện nay, công tác quản lý có lúc giao địa phương, có lúc giao cho Trung ương. Nếu giao công tác quản lý lĩnh vực này cho địa phương thì trên thực tế, một số địa phương đã tùy tiện cấp phép tràn lan, gây phức tạp cho quản lý. Nhưng chuyển công tác quản lý lên Trung ương sẽ làm mất sự năng động, chủ động của các địa phương trong triển khai thực hiện. Vì vậy, không chỉ thông qua đối thoại này mà còn một số hoạt động khác, Thanh tra Chính phủ sẽ cùng các cơ quan chức năng như Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Công Thương và một số cơ quan khác, kiến nghị giải pháp nhằm hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch, công tác quản lý, bắt đầu từ hoàn thiện pháp luật rồi mới đến cơ chế điều hành, đặc biệt cần tiếp tục 3 khâu: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, hoàn thiện cơ chế điều hành và tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn, bài trừ tiêu cực.

Việt Nam sẽ tiếp thu kinh nghiệm trong công tác phòng chống tham nhũng của các nhà tài trợ như thế nào, thưa ông?


Việt Nam đang thực hiện đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa và hoan nghênh sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế với nước ta. Trong lĩnh vực này, Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sẽ lắng nghe các quan điểm tiếp cận của các nhà tài trợ, các cơ quan tham gia đối thoại, đồng thời rút kinh nghiệm qua công tác quản lý của một số quốc gia khác về lĩnh vực này để hoàn thiện công tác quản lý. Nếu đối tác nào có kinh nghiệm thăm dò, giúp chúng ta làm quy hoạch và hợp tác đầu tư trên lĩnh vực này, Chính phủ Việt Nam luôn hoan nghênh và sẵn sàng có chính sách rộng mở, kêu gọi thu hút đầu tư.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Bích Thủy (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN