Tổng kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

Sáng 9/12, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giai đoạn 2016 – 2020 và Năm An toàn giao thông 2020.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chủ trì hội nghị.

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, 5 năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Ban Bí thư, sự giám sát thường xuyên của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể nhân dân trong việc thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông nên công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã có sự chuyển biến mạnh mẽ.

Ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông có nhiều chuyển biến tốt, trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ được nâng cao, bước đầu thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên phạm vi cả nước và chống ùn tắc giao thông ở hai đô thị lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Tình hình trật tự an toàn giao thông đã được kiềm chế, tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương. Cụ thể, so với cùng kỳ 5 năm trước, giảm 42,7% số vụ tai nạn, giảm 19% số người chết, giảm gần 54% số người bị thương, trong khi điều kiện dân số, nhu cầu đi lại và phương tiện cơ giới gia tăng nhanh (so với giai đoạn 2011 - 2015, mô tô tăng khoảng 50% và ô tô tăng khoảng 58%). Đặc biệt, năm 2020 đã giảm trên 10% cả số vụ, số người chết, số người bị thương.

“Điều đó khẳng định các giải pháp mà Trung ương và Chính phủ đã ban hành, nhất là các giải pháp trọng tâm trong Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 88/NQ-CP năm 2011 và Nghị quyết số 12/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ được triển khai thực hiện là phù hợp với thực tiễn, mang tính khả thi cao, cần tiếp tục thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ hơn trong các năm tiếp theo trên các mặt công tác”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, hàng năm Ủy ban đã ban hành kế hoạch kiểm tra đôn đốc công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại một số địa phương trong các dịp cao điểm và các địa phương có tai nạn giao thông tăng cao.

Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt công tác tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông, đặc biệt là các tuyến quốc lộ trọng điểm, địa bàn xảy ra nhiều tai nạn giao thông. Từ năm 2016 đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông đã lập biên bản xử lý gần 21 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền hơn 14.000 tỷ đồng, tước gần 2 triệu giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ trên 3 triệu phương tiện. So với cùng kỳ 5 năm trước, xử lý giảm trên 8,5 triệu trường hợp (28,96%), tiền phạt tăng hơn 1,1 nghìn tỷ đồng (8,79%).

Từ năm 2016 đến nay, lực lượng Thanh tra giao thông toàn quốc đã thực hiện gần 500.000 cuộc thanh tra, kiểm tra về hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không; thanh tra công tác quản lý, bảo vệ bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, đăng kiểm phương tiện; kiểm soát tải trọng phương tiện; đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn... Xử phạt vi phạm hành chính trên 400.000 vụ với số tiền gần 2.000 tỷ đồng; tạm giữ trên 2.000 ô tô; đình chỉ hoạt động gần 3.000 bến thủy nội địa, trên 2.000 phương tiện thủy nội địa; giám sát gần 5.000 kỳ sát hạch lái xe ô tô và trên 4.000 kỳ sát hạch lái xe mô tô.

Ông Khuất Việt Hùng đánh giá, tình hình trật tự an toàn giao thông đã có những chuyển biến rất tích cực so với giai đoạn 2011-2015. Đặc biệt, năm 2020, tai nạn giao thông đã giảm sâu nhất cả số vụ, số người chết, số người bị thương trong vòng 10 năm qua và lần đầu tiên số người chết do tai nạn giao thông giảm xuống dưới mức 7.000 người. Kết quả này khẳng định các giải pháp mà Chính phủ đã ban hành là phù hợp với yêu cầu thực tiễn, có tính khả thi cao.

Tuy nhiên, ông Khuất Việt Hùng cũng nêu những tồn tại như: Tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, số vụ, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông vẫn ở mức cao; còn để xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe kinh doanh vận tải, tai nạn giao thông đường thủy tăng cao về số vụ (tăng 7,27%) và số người chết (tăng 79,17%).

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tình trạng ô tô tải vi phạm chở quá tải trọng đã giảm sâu trong năm 2014-2015, nhưng từ năm 2016 đến nay, vi phạm này diễn biến phức tạp ở những địa bàn có nhiều mỏ vật liệu, cửa khẩu, cảng biển, bến sông; tái diễn hiện tượng xe chở quá tải chạy qua nhiều tỉnh mà không bị phát hiện, xử lý. Hiện tượng cơi nới thành, thùng xe có dấu hiệu tái diễn tại một số địa phương, chưa bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Tình trạng ùn tắc giao thông diễn biến rất phức tạp trên các trục giao thông trọng điểm và các đô thị lớn, không chỉ tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia: Trừng trị nghiêm khắc việc rải đinh trên đường
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia: Trừng trị nghiêm khắc việc rải đinh trên đường

Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Trọng Thái cho biết, cơ quan này vừa yêu cầu Ban An toàn giao thông của Thành phố Hồ Chí Minh và của tỉnh Bình Dương kiểm tra, khắc phục tình trạng mất an toàn giao thông theo phản ánh của báo chí.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN