Tổng hợp dịch COVID-19 ngày 9/12: Hà Nội tăng hơn 400 ca nhiễm SARS-CoV-2 so với ngày trước; Tiếp cận tối đa các loại thuốc điều trị COVID-19 đưa về Việt Nam  

Theo Bộ Y tế, tính từ 16 giờ ngày 8/12 đến 16 giờ ngày 9/12, cả nước ghi nhận 15.311 ca mắc mới COVID-19, tăng 705 ca so với ngày trước đó tại 61 tỉnh, thành phố; trong đó Hà Nội, Tiền Giang và Cà Mau có số ca mắc F0 tăng nhanh; cả nước ghi nhận 256 ca tử vong. Tiếp cận tối đa các loại thuốc điều trị COVID-19 đưa về Việt Nam  

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) thường xuyên phủ khử khuẩn khu vực khám sàng lọc. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Ngày 9/12, cả nước ghi nhận 256 ca tử vong do COVID-19

Ngày 9/12, trong số 15.311 ca mắc mới, có 11 ca nhập cảnh và 15.300 ca ghi nhận trong nước. Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 14.322 ca/ngày. Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.367.433 ca mắc, đứng thứ 33/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 13.869 ca mắc).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca mắc mới ghi nhận trong nước là 1.362.111 ca, trong đó có 1.048.162 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Thành phố Hồ Chí Minh (483.376 ca), Bình Dương (286.078 ca), Đồng Nai (91.056 ca), Long An (39.039 ca), Tây Ninh (35.980 ca). Trong ngày có 14.586 ca được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 1.050.979 ca.  

Cũng trong ngày 9/12, cả nước ghi nhận 256 ca tử vong; tại Thành phố Hồ Chí Minh có 76 ca, trong đó có 12 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Tiền Giang, Thanh Hóa (mỗi địa phương 1 ca), Long An, Phú Yên (mỗi địa phương 2 ca), Tây Ninh (3 ca). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 218 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 27.186 ca, chiếm 2% so với tổng số ca mắc. Tổng số ca tử vong xếp thứ 32/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 132/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong 24 giờ qua, các cơ sở đã thực hiện 162.688 xét nghiệm cho 264.323 lượt người; từ 27/4/2021 đến nay đã xét nghiệm 27.447.909 mẫu cho 70.692.311 lượt người.  

Trong ngày 8/12, cả nước có 662.110 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 129.965.296 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 74.039.917 liều, tiêm mũi 2 là 55.925.379 liều.  

Theo các chuyên gia y tế, những người đã được tiêm chủng vaccine vẫn có thể mắc bệnh nhưng thường là không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, rất nhẹ, ít có biểu hiện trở nặng. Những người đã được tiêm vaccine, khi mắc bệnh có xu hướng phục hồi tốt hơn nhóm chưa tiêm. Tuy vậy, những người đã tiêm vaccine, khi mắc bệnh vẫn sẽ là nguồn lây bệnh cho gia đình, cho cộng đồng, từ đó làm lây lan dịch bệnh, nhất là ở những vùng có tỉ lệ tiêm chủng thấp, đặc biệt dễ lây cho người lớn tuổi, người mắc bệnh nền, sức đề kháng kém và trẻ em.

Mặt khác, khi một người đã được tiêm chủng đủ liều vaccine phòng COVID-19 khả năng miễn dịch sẽ giảm dần theo thời gian và cần được tiêm tăng cường.  Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo: Không nên chỉ dựa vào vaccine mà lơ là phòng dịch COVID-19, không nên quá phụ thuộc vào việc tiêm phòng mà coi nhẹ các biện pháp bảo vệ khác. Việc tiêm phòng giúp giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong nhưng vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh và lây bệnh cho người khác.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế bệnh viện lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người đến khám có triệu chứng. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Tiếp cận tối đa các loại thuốc điều trị COVID-19 đưa về Việt Nam  

"Bước đầu chúng tôi nhận định, các ca bệnh COVID-19 tử vong chủ yếu xuất hiện ở nhóm người mắc bệnh nền, bệnh mãn tính hoặc trường hợp người cao tuổi, sức khỏe suy giảm", là nhận định của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên về tỷ lệ tử vong bệnh nhân COVID của Việt Nam thời gian qua.

Trước thông tin về tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 cho người dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên đã đạt 97%, mũi 2 khoảng trên 70% nhưng số ca tử vong hiện ghi nhận vẫn còn cao, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, theo thống kê chung của thế giới và Việt Nam, tỉ lệ bệnh nhân tử vong do COVID-19 của Việt Nam vẫn thấp so với thế giới. Bộ Y tế đang giao Cục Quản lý khám chữa bệnh và các sở y tế đánh giá nguyên nhân cụ thể các trường hợp tử vong.  

Để hạn chế tối đa người mắc COVID-19 tử vong, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, chiến lược giảm tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân COVID-19 là tiếp cận các loại thuốc điều trị COVID-19 đang nghiên cứu và đã lưu hành trên thế giới để đưa lượng thuốc điều trị về Việt Nam với tỉ lệ cao nhất, đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân nặng.

Bên cạnh đó, cùng với việc cơ bản hoàn thành tiêm vaccine mũi 1 cho người dân từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm mũi tăng cường đối với các trường hợp nguy cơ cao tất cả trường hợp F0 nhẹ đều được hướng dẫn điều trị ở nhà, trường hợp bệnh nhân nặng được đưa vào cơ sở điều trị, khi các loại thuốc điều trị COVID-19 được đưa về Việt Nam theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn thế giới và trong nước, sẽ góp phần rất tốt trong điều trị, giảm thiểu bệnh nhân tử vong.

Liên quan đến thuốc điều trị COVID-19, theo Bộ Y tế, đến nay Việt Nam đã đưa vào sử dụng nhiều loại thuốc trong điều trị bệnh nhân COVID-19 như thuốc ức chế sự nhân lên của virus: Molnupiravir, Remdesivir, Favipiravir,...  

Ngoài ra, thuốc kháng thể kép cũng đang được đưa vào điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng. Các thuốc hỗ trợ khác như thuốc ức chế phản ứng miễn dịch (Chất ức chế Interleukin-6, Baricitinib), thuốc chống đông, kháng sinh, kháng nấm, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền (Xuyên tâm liên) cũng được đưa vào phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19…

Đáng chú ý, hiện có 6 nhà máy trong nước nộp hồ sơ đăng ký thuốc điều trị COVID-19 với năng lực sản xuất ít nhất 1 triệu liều/ngày, nếu được cấp phép đáp ứng nhu cầu thuốc Molnupiravir cho công tác phòng, chống dịch của cả nước.

Về vấn đề đánh giá kháng thể sau tiêm vaccine phòng COVID-19 để đánh giá hiệu quả bảo vệ của vaccine, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên khẳng định ngay từ đầu khi dịch COVID-19 bùng phát, Bộ Y tế đã giao các viện liên quan nghiên cứu, đánh giá về vấn đề này. Hiện các viện đang nghiên cứu và Bộ Y tế cũng đã đề nghị các viện sớm công bố nghiên cứu, báo cáo kết quả về các trường hợp đã tiêm vaccine hoặc nhiễm SARS-CoV-2.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, ngày 8/12, cả nước ghi nhận 230 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam đến nay lên 26.930 ca, chiếm 2% so với tổng số ca mắc. Tổng số ca tử vong xếp thứ 32/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 132/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.  

So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 12/49 (xếp thứ 5 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).

Chú thích ảnh
Khu vực khám sàng lọc COVID-19 tại bệnh viện được bố trí riêng. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

An Giang khẩn trương tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người mắc bệnh nền

Để nhanh chóng đạt độ bao phủ mũi 1 vaccine phòng COVID-19 cho 100% dân số từ 18 tuổi trở lên, tỉnh An Giang khẩn trương tiêm vaccine phòng bệnh cho người từ 50 tuổi trở lên, mắc bệnh nền. Những ngày gần đây, số ca tử vong do mắc COVID-19 trên địa bàn An Giang tăng, trong đó trên 70% trường hợp tử vong là người lớn tuổi, có nhiều bệnh nền, mạn tính nặng chưa được tiêm vaccine.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, An Giang ghi nhận 26.002 ca mắc COVID-19, có 545 ca tử vong; riêng trong ngày 8/12, An Giang ghi nhận 300 ca mắc, 19 ca tử vong. Đến hết ngày 8/12, hơn 1,32 triệu người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19, đạt 96,65%; hơn 1,23 triệu người tiêm đủ mũi 2, đạt 89,89%. Tỉnh đã triển khai tiêm vaccine mũi 1 cho hơn 172.000 trẻ từ 12-17 tuổi, đạt 91,4% và có gần 24.000 trẻ đã tiêm đủ mũi 2, đạt 12,67%.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh đã yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, lập danh sách để khẩn trương tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19. Trong tháng 12/2021, An Giang đảm bảo 100% người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vaccine. Trong đó, tỉnh khẩn trương rà soát, tiêm vaccine cho người từ 50 tuổi trở lên, mắc bệnh nền chưa tiêm.

Đối với các đối tượng yếu thế, khó di chuyển như người cao tuổi, bại liệt, tàn tật... An Giang sẽ tổ chức đội tiêm vaccine lưu động hỗ trợ người dân tiêm tại nhà. UBND tỉnh An Giang cũng giao Sở Y tế xây dựng kế hoạch, triển khai việc tiêm mũi tăng cường, mũi bổ sung cho những người đã tiêm chủng đủ liều cơ bản theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tỉnh chỉ đạo các cơ sở tăng cường thực hành an toàn tiêm chủng, theo dõi ít nhất 30 phút sau tiêm tại điểm tiêm; hướng dẫn người được tiêm theo dõi sức khỏe sau khi tiêm và liên hệ với cơ quan y tế gần nhất khi cần thiết và xử trí kịp thời các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm.

Để phòng, chống dịch, ông Lê Hồng Quang, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh An Giang tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế; yêu cầu mọi người dân, cán bộ, công chức thực hiện nghiêm quy định 5K; đẩy mạnh truyền thông cho những người đã tiêm vaccine không lơ là, chủ quan.

Ngành y tế khẩn trương kiểm tra, rà soát các khu điều trị tháp ba tầng; đồng thời tiến hành phân loại, chuyển các trường hợp F0 có triệu chứng nhẹ xuống khu điều trị tầng 2, nhằm giảm áp lực ở khu điều trị tầng 3, để giảm quá tải điều trị, giảm tối đa ca tử vong; sớm có văn bản hướng dẫn việc sử dụng thuốc kháng virus (Molnupiravir và Remdesivir) cho các trường hợp F0 ngay sau khi có kết quả xét nghiệm RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 dương tính.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh chỉ đạo Sở Y tế thường xuyên trao đổi với Bộ Y tế cập nhật thông tin kịp thời về biến chủng mới Omicron; đề xuất, tham mưu cho Ban Chỉ đạo tỉnh xây dựng phương án phòng, chống kịp thời, chủ động, phù hợp với diễn biến tình hình dịch.

Chú thích ảnh
Các bác sĩ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh. Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN

Đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường

Hiện nay, nhiều địa phương ở tỉnh Đắk Nông cho học sinh học trực tiếp. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh phối hợp với Sở Y tế ban hành hướng dẫn về các phương án khi có trường hợp mắc COVID-19 trong trường học. Đây là việc làm cần thiết tạo điều kiện để học sinh được học trực tiếp tại trường, vừa an toàn phòng, chống dịch COVID-19.  

Theo hướng dẫn, trong trường hợp phát hiện các ca mắc COVID-19 (F0) tại trường học, nhà trường cần tiến hành phong tỏa tạm thời toàn bộ trường, lớp nào ở yên lớp đó. Nhà trường phối hợp với cơ quan y tế địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch như: tiến hành điều tra, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm... Hướng dẫn có lưu ý, việc phong tỏa tạm thời khu vực có liên quan đến ca mắc COVID-19 tùy thuộc mức độ di chuyển của bệnh nhân.

Diện phong tỏa có thể toàn bộ trường học hoặc từng tầng, khu vực học, làm việc, phòng học có liên quan đến ca bệnh theo chỉ định về dịch tễ.  Đối với trường hợp tiếp xúc gần (F1), nhà trường lập danh sách toàn bộ các F1, cách ly ngay tại lớp đó; phối hợp với lực lượng y tế tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, tổ chức cách ly tập trung theo quy định. Tùy tình hình dịch tễ có thể tổ chức ngay việc lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho tất cả học sinh, giáo viên, người lao động đang ở trường hoặc lấy theo khu, dãy lớp, tầng lớp học.

Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, nhà trường tiến hành rà soát nhằm phát hiện những học sinh, giáo viên, người lao động đang có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh.  

Khi phát hiện các ca nghi ngờ mắc COVID-19, nhà trường tiến hành cách ly tạm thời và tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tại một khu vực riêng. Trong khi chờ kết quả xét nghiệm, học sinh, giáo viên, người lao động đang có mặt tại trường ở nguyên tại chỗ; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống lây nhiễm. Lớp học nào ở yên lớp học đó, tự quản và thực hiện 5K theo quy định của Bộ Y tế. Lực lượng y tế tiến hành khoanh vùng, khử khuẩn toàn bộ khu vực có liên quan.

Tùy theo đánh giá nguy cơ và hướng dẫn của y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 địa phương quyết định việc hoạt động trở lại của trường học.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông cho biết, thực hiện theo Nghị quyết số 128/NQ-CP, tỉnh Đắk Nông cho học sinh các cấp đi học trực tiếp tại các trường học. Tùy theo cấp độ dịch của từng địa phương (từ cấp độ 2 - nguy cơ trung bình), học sinh được tổ chức học trực tiếp tại trường. Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, không để dịch COVID-19 lây lan trong trường học và cộng đồng, ngành Giáo dục phối hợp với ngành Y tế ban hành hướng dẫn cho các trường học khi phát hiện các ca mắc COVID-19, tránh bị động, xử lý an toàn nhất.  

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Đắk Nông có 3.379 trường hợp mắc COVID-19. Tỉnh đang tăng cường tiêm vaccine COVID-19 cho các học sinh, người dân trên 18 tuổi trên toàn tỉnh. Đến nay, ngành Y tế tỉnh đã tiêm được 778.603 liều cho người dân trên 18 tuổi, đạt 87,4%; học sinh từ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm được 53.263 liều, đạt 31,5%. Đắk Nông đang ở cấp độ dịch 2 (nguy cơ trung bình), có 7 trong số 8 huyện, thành phố từ cấp độ 2 trở lên.

V.T/Báo Tin tức
Tổng hợp COVID-19 ngày 8/12: Ca mắc mới vẫn tăng ở nhiều tỉnh, thành; WHO khuyến cáo ứng phó chủng Omicron ở Việt Nam
Tổng hợp COVID-19 ngày 8/12: Ca mắc mới vẫn tăng ở nhiều tỉnh, thành; WHO khuyến cáo ứng phó chủng Omicron ở Việt Nam

Ngày 8/12, cả nước 14.599 ca mắc mới COVID-19, đang điều trị 7.506 ca bệnh nặng; WHO khuyến cáo các yếu tố ứng phó với biến chủng Omicron ở Việt Nam; Hà Nội phát hiện 709 ca F0; TP Hồ Chí Minh có số F0 trở nặng tăng, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 mở rộng giường bệnh… là những tin nổi bật trong ngày 8/12.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN