Cả nước ghi nhận 200 ca tử vong
Các địa phương ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (292 ca), Hải Phòng (161 ca), Đắk Lắk (113 ca). Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 13.649 ca/ngày. Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.280.780 ca mắc, đứng thứ 35/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 12.993 ca mắc).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca mắc mới ghi nhận trong nước là 1.275.518 ca, trong đó có 1.003.642 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 1 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là Bắc Kạn. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Thành phố Hồ Chí Minh (475.182 ca), Bình Dương (283.589 ca), Đồng Nai (88.726 ca), Long An (38.516 ca), Tây Ninh (30.904 ca).
Trong ngày,1.149 ca được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 1.006.459 ca. Ngày 3/12, cả nước ghi nhận 200 ca tử vong, trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 188 ca/ngày.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 25.858 ca, chiếm 2% so với tổng số ca mắc. Tổng số ca tử vong xếp thứ 33/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 222.341 xét nghiệm cho 444.580 lượt người; từ 27/4/2021 đến nay đã xét nghiệm 26.736.470 mẫu cho 69.433.777 lượt người. Ngày 2/12 có 710.914 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 125.857.027 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 72.632.858 liều, tiêm mũi 2 là 53.224.169 liều.
Những người đã được tiêm chủng vaccine vẫn có thể mắc bệnh
Bộ Y tế cho biết, tại nhiều địa phương vẫn ghi nhận số mắc COVID-19 hàng ngày trong cộng đồng, số mắc mới đang có xu hướng gia tăng trong những ngày gần đây. Dịch bệnh lưu hành rộng, luôn tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện các ổ dịch mới trong cộng đồng, có khả năng bùng phát bất cứ lúc nào. Sự lây lan nhanh của biến thể mới Omicron trên thế giới cũng làm tăng nguy cơ xâm nhập của biến chủng mới vào nước ta.
Do vậy, Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu các địa phương cần chủ động giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, xây dựng kịch bản đáp ứng với các tình huống dịch COVID-19 trước biến thể mới; Xét nghiệm cho người nhập cảnh theo quy định; Tuyệt đối không để lây nhiễm trong các cơ sở cách ly và từ cơ sở cách ly ra ngoài cộng đồng, đặc biệt khi thực hiện cách ly tại các cơ sở lưu trú, khách sạn hay các đơn vị cách ly ngoài quân đội.
Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp khai báo y tế không trung thực, không thực hiện cách ly theo quy định. Theo các các chuyên gia y tế, những người đã được tiêm chủng vaccine vẫn có thể mắc bệnh nhưng thường là không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, rất nhẹ, ít có biểu hiện trở nặng. Những người đã được tiêm vaccine, khi mắc bệnh có xu hướng phục hồi tốt hơn nhóm chưa tiêm.
Tuy vậy, những người đã tiêm vaccine, khi mắc bệnh vẫn sẽ là nguồn lây bệnh cho gia đình, cho cộng đồng, từ đó làm lây lan dịch bệnh, nhất là ở những vùng có tỉ lệ tiêm chủng thấp, đặc biệt dễ lây cho người lớn tuổi, người mắc bệnh nền, sức đề kháng kém và trẻ em.
Mặt khác, khi một người đã được tiêm chủng đủ liều vaccine phòng COVID-19, khả năng miễn dịch cũng sẽ giảm dần theo thời gian và cần được tiêm tăng cường. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo: Không nên chỉ dựa vào vaccine mà lơ là phòng dịch COVID-19, không nên quá phụ thuộc vào việc tiêm phòng mà coi nhẹ các biện pháp bảo vệ khác.
Việc tiêm phòng giúp giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong nhưng vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh và lây bệnh cho người khác.
Hà Nội thêm 542 ca F0, thông báo tìm người đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương
Ngày 3/12, thành phố ghi nhận 542 ca F0, trong đó có 161 ca tại cộng đồng, còn lại ở khu cách ly và khu phong tỏa. Theo đó, 542 ca F0 phân bố tại 170 xã, phường, thị trấn thuộc 25/30 quận, huyện, trong đó nhiều nhất là quận Hai Bà Trưng có 81 ca; các quận Hoàn Kiếm, Hoàng Mai đều 59 ca; quận Đống Đa có 54 ca; huyện Mê Linh có 49 ca; huyện Đông Anh có 38 ca… 161 ca ghi nhận tại cộng đồng phân bố tại 89 xã phường thuộc 23/30 quận huyện.
Cộng dồn số mắc COVID-19 tại Hà Nội trong năm 2021 là 12.117 ca, trong đó 4.833 ca mắc ghi nhận ngoài cộng đồng; 7.284 ca là đối tượng đã được cách ly.
Tình hình dịch COVID-19 tại thành phố Hà Nội đang diễn biến phức tạp. Liên quan đến 22 ca F0 là bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế (Bệnh viện Phụ sản Trung ương số 43 phố Tràng Thi), chiều 3/12, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 quận Hoàn Kiếm đã thông báo tìm người trên địa bàn thành phố đã đến Tòa nhà BC Bệnh viện Phụ sản Trung ương trong thời gian từ ngày 18/11 đến 2/12/2021. Cơ quan này lưu ý, những người đã đến địa điểm trong thời gian như trên chủ động tự cách ly tại nhà/nơi lưu trú. Đồng thời, người dân liên hệ ngay với Trạm Y tế, Trung tâm Y tế trên địa bàn hoặc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội để được hướng dẫn và tư vấn.
Tất cả người dân trên địa bàn Hà Nội, khi có một trong các biểu hiện như: sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, cần liên hệ ngay với Trạm Y tế phường, xã nơi lưu trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí, nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc COVID-19.
Trước đó, ngày 2/12, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành công điện mới về phòng, chống dịch COVID-19; yêu cầu khẩn trương chuẩn bị các phương án vaccine, thuốc điều trị phù hợp với biến chủng mới Omicron. Thành phố dự báo số ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng nhanh. Do đó, cần triển khai ngay những biện pháp cấp bách thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do biến chủng Omicron gây ra, khẩn trương chuẩn bị các phương án về vaccine, thuốc điều trị và các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Đồng thời, Sở Y tế cần chủ động triển khai các biện pháp điều trị sớm các trường hợp mắc mới để hạn chế thấp nhất các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong. Trên cơ sở phương án cách ly, theo dõi, khám, điều trị tại nhà đối với người mắc COVID-19; hướng dẫn danh mục các loại thuốc, phương pháp điều trị, xử lý các tình huống khi điều trị tại nhà, Sở xây dựng quy trình, phổ biến rộng rãi đến toàn bộ người dân để sẵn sàng chuẩn bị trong mọi tình huống, hoàn thành trước ngày 5/12.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu triển khai phương án mở rộng các cơ sở cách ly tập trung, cách ly tự nguyện tại các cơ sở lưu trú và cách ly tại nhà trên địa bàn đối với các trường hợp F1 trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã đảm bảo điều kiện theo quy định. Với các trạm y tế lưu động, đảm bảo mỗi phường, xã, thị trấn có bình quân ít nhất 150 giường bệnh. Đặc biệt, các quận, huyện cần khẩn trương triển khai phương án cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị F0 tại nhà theo kế hoạch của UBND thành phố.
Các trường THPT tại địa bàn có dịch cấp độ 1, 2 cho học sinh đi học trực tiếp từ ngày 6/12
Ngày 3/12, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương ký văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã; Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã; trường THPT; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thông báo về việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp cho học sinh.
Theo đó, từ ngày 6/12, các trường THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn các xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2 cho phép học sinh một số khối lớp trở lại trường học sau thời gian tạm dừng để phòng, chống dịch COVID-19.
Cụ thể, đối với các huyện, thị xã, học sinh các khối lớp 10, 11, 12 của các trường THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đi học trực tiếp (khối lớp 9 tiếp tục triển khai học trực tiếp theo kế hoạch trước đó); học sinh cấp Tiểu học và học sinh khối lớp 6, 7, 8 học trực tuyến; trẻ Mầm non nghỉ tại nhà.
Đối với các quận, học sinh các khối lớp 10, 11, 12 của các trường THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đi học trực tiếp; học sinh cấp Tiểu học và THCS học trực tuyến; trẻ mầm non nghỉ tại nhà.
Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu trường học phải đạt yêu cầu an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo các tiêu chí tại văn bản hướng dẫn liên ngành của Sở GD&ĐT - Sở Y tế. Giáo viên chưa tiêm đủ hai mũi vaccine phòng dịch COVID-19 chỉ dạy trực tuyến, không đến lớp dạy trực tiếp; không tổ chức ăn bán trú, căng tin ăn uống trong trường. Học sinh tự mang theo nước uống cá nhân. Các trường chỉ tổ chức việc dạy học trực tiếp 1 buổi/ngày.
Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý, những trường có học sinh cư trú trên nhiều địa bàn khác nhau cần nắm rõ thông tin của học sinh, cấp độ dịch và quy định cho đi học trở lại của địa phương nơi học sinh cư trú để bố trí linh hoạt giữa học trực tiếp và học trực tuyến nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh. Đối với học sinh cư trú tại địa bàn có nguy cơ cao, mức độ dịch ở cấp độ 3, cấp độ 4, nhà trường bố trí học trực tuyến.
Trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp, nếu xảy ra các trường hợp liên quan đến vấn đề dịch tễ, không bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp quận, huyện, thị xã có trách nhiệm xem xét, cho dừng việc học tập trực tiếp để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh.
Hiệu trưởng các trường THPT, giám đốc các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp; phối hợp với cơ quan y tế địa phương chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, vệ sinh khử khuẩn trường, lớp và báo cáo UBND quận, huyện, thị xã phê duyệt trước khi đón học sinh trở lại trường.
Sau thời gian thực hiện, căn cứ tình hình thực tiễn, diễn biến của dịch tại các địa phương và đề nghị của UBND các quận, huyện, thị xã, Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Y tế sẽ có báo cáo và trình UBND thành phố lộ trình tiếp theo việc cho học sinh trở lại trường học.