Tổng hợp COVID-19 tuần 7-13/3: Bình quân 162.819 ca nhiễm mới/ngày; F0 là trẻ em tăng nhanh

Thông tin thời sự về dịch COVID-19 tuần 7-13/3 tại Việt Nam thu hút sự quan tâm của dư luận là trung bình số ca nhiễm mới 7 ngày qua là 162.819 ca/ngày, đã có trên 200 triệu liều vaccine đã được tiêm và số ca F0 ở trẻ em tăng nhanh…

Trung bình số ca nhiễm mới ghi nhận trong 7 ngày qua là 162.819 ca/ngày

Từ 16 giờ ngày 12/3 đến 16 giờ ngày 13/3, Việt Nam ghi nhận 166.968 ca nhiễm mới, trong đó 15 ca nhập cảnh và 166.953 ca ghi nhận trong nước (giảm 1.751 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 100.536 ca trong cộng đồng).

Chú thích ảnh
Phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà. Ảnh: TTXVN.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Gia Lai (giảm 3.107 ca), Hải Phòng (giảm 1.607 ca), Hà Nội (giảm 1.424 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Đắk Lắk (tăng 7.568 ca), Bến Tre (tăng 1.078 ca), Bắc Ninh (tăng 748 ca). Như vậy, trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 162.819 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 6.112.648 ca nhiễm, đứng thứ 20/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 130/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 61.879 ca nhiễm). Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 6.105.041 ca, trong đó có 3.160.754 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (808.384), TP Hồ Chí Minh (568.772), Bình Dương (339.051), Bắc Ninh (224.142), Nghệ An (216.172).

Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 95.538 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 3.163.571 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.107 ca.

Ngày 13/3, cả nước ghi nhận 95 ca tử vong tại. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 82 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 41.385 ca, chiếm tỷ lệ 0,7% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Trong ngày 12/3 có 215.529 liều Vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều Vaccine đã được tiêm là 200.179.247 liều, trong đó: Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 183.133.205 liều: Mũi 1 là 70.911.338 liều; mũi 2 là 67.810.841 liều; mũi 3 là 1.493.137 liều; mũi bổ sung là 14.459.451 liều; mũi nhắc lại là 28.458.438 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.046.042 liều: Mũi 1 là 8.748.687 liều; mũi 2 là 8.297.355 liều.

F0 là trẻ em tại tăng mạnh, TP Hồ Chí Minh sẵn sàng thu dung điều trị

Ngày 12/3, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh có công văn khẩn gửi đến các cơ sở y tế trên địa bàn về việc sẵn sàng thu dung điều trị trẻ em mắc COVID-19 tại các bệnh viện, vì thành phố ghi nhận số lượt trẻ đến khám tại các bệnh viện nhi do nghi ngờ mắc COVID-19 có xu hướng tăng. Theo báo cáo của các bệnh viện nhi, đặc điểm chung của những trẻ mắc COVID-19 là sốt, ho, đau đầu và rất ít các trường hợp có dấu hiệu nặng.

Để chủ động ứng phó với tình huống số ca mắc ở trẻ tăng cao, Sở Y tế đề nghị Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng Thành phố tăng số giường bệnh điều trị tại khoa COVID-19 lên tối thiểu 300 giường, trong đó có 50 giường hồi sức. Các bệnh viện quận, huyện và bệnh viện đa khoa có khoa nhi chủ động chuẩn bị cơ số giường nội trú ở khu vực điều trị COVID-19 tối thiểu 30% - 50% tổng số giường dành để điều trị cho trẻ em mắc COVID-19 tại bệnh viện.

Chú thích ảnh
Trong những ngày gần đây số trẻ đến khám bệnh do nghi ngờ mắc COVID-19 tại các bệnh viện nhi liên tục tăng. Ảnh: Đan Phương

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng lưu ý các bệnh viện quận, huyện và bệnh viện đa khoa chỉ chuyển tuyến bệnh nhi trong các trường hợp trẻ có dấu hiệu chuyển nặng và hội chẩn với bệnh viện nhi trước khi chuyển viện. Giám đốc bệnh viện nhi chịu trách nhiệm quyết định cho những bệnh nhi mắc COVID-19 điều trị nội trú hoặc phòng cách ly ở các khoa lâm sàng khác tùy theo tình trạng bệnh lý của trẻ và phải đảm bảo công tác phòng chống lây nhiễm; đảm bảo công tác chỉ đạo tuyến, hỗ trợ chuyên môn tiếp tục tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc và điều trị trẻ mắc COVID-19 theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 ở trẻ em của Bộ Y tế cho các bệnh viện theo cụm điều trị đã được phân công.

Sẵn sàng ứng phó với dịch COVID-19 lây lan mạnh

Trước tình hình số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng mạnh, các địa phương đang phải gồng mình ứng phó với dịch, nỗ lực đáp ứng quản lý điều trị f0, hướng tới giảm tử vong, tránh quá tải y tế. Theo đó, các địa phương đã áp dụng các hình thức quản lý F0 tại địa bàn, huy động các lực lượng hỗ trợ, cùng với triển khai ứng dụng công nghệ trong quản lý F0 để giảm tải…

Riêng tại Hà Nội, các địa bàn đã quản lý F0 thông qua tổ COVID cộng đồng tại các tổ dân phố bằng việc lập nhóm Zalo để hỗ trợ tư vấn điều trị, xác nhận thủ tục cách ly và khỏi bệnh; người dân có thể tự test nhanh tại nhà và gửi hình ảnh hoặc video kết quả đến nhóm quản lý F0 để được xác nhận; hay F0 khai báo thông tin trực tuyến qua các hệ thống như: chamsocsuckhoe. hanoi.gov.vn hay trang chamsocsuckhoe.yte.360.com được quản lý điều trị. Về điều trị người bệnh COVID-19, Hà Nội cũng triển khai tổng đài điện thoại 1022, huy động lực lượng mạng lưới Thầy thuốc đồng hành cùng tham gia để hỗ trợ chăm sóc, tư vấn cho F0 điều trị tại nhà…

Còn tại TP Hồ Chí Minh đã bố trí, sắp xếp lại đối với các cơ sở thu dung, điều trị ở tại các quận huyện, khu chế xuất, khu công nghiệp, các bệnh viện, khi cần có thể kích hoạt và các đơn vị hoạt động trong vòng 24 giờ. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục thực hiện chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ cao; chiến dịch “đi từng ngõ, gõ từng nhà” cập nhật người thuộc nhóm nguy cơ, thực hiện xét nghiệm tầm soát để kịp thời phát hiện F0, từ đó chủ động điều trị; đồng thời, phát hiện những trường hợp chưa tiêm vaccine để vận động người dân tiếp tục tiêm. Để hạn chế nguy cơ lây lan từ trẻ mắc COVID-19 sang những người thuộc nhóm nguy cơ, Sở Y tế thành phố có hướng dẫn chăm sóc F0 tại nhà. Với những gia đình không đủ điều kiện cách ly trẻ, gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ sẽ cho trẻ nhập viện điều trị. 

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không hoang mang; nắm chắc và bám sát tình hình thực tiễn để có giải pháp phù hợp phòng, chống dịch tốt, phục hồi nhanh và phát triển bền vững; đồng thời tiếp tục thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, các biện pháp hiện nay tập trung vào việc tiếp tục ngăn chặn lây lan, kiểm soát hiệu quả rủi ro, hạn chế số ca chuyển nặng, giảm ca tử vong, không để quá tải hệ thống y tế… Cụ thể, kiểm soát các trường hợp nguy cơ cao, chuyển nặng, tử vong; tiếp tục thực hiện nghiêm và linh hoạt, hiệu quả công thức: “5K + vaccine + thuốc điều trị + công nghệ + đề cao ý thức người dân và các biện pháp linh hoạt khác”.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Tổng hợp COVID-19 ngày 12/3: Thêm 168.719 ca mắc mới; F0 là trẻ em tại TP Hồ Chí Minh tăng mạnh
Tổng hợp COVID-19 ngày 12/3: Thêm 168.719 ca mắc mới; F0 là trẻ em tại TP Hồ Chí Minh tăng mạnh

Ngày 12/3, mặc dù số ca tử vong do COVID-19 của Việt Nam giảm nhẹ nhưng số ca mắc mới vẫn trên 168.000 ca trong ngày. Đáng chú ý, số trẻ em mắc mới COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh tăng mạnh. Theo đó, TP Hồ Chí Minh đã có công văn khẩn gửi đến các cơ sở y tế trên địa bàn về việc sẵn sàng thu dung điều trị trẻ em mắc COVID-19 tại các bệnh viện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN