Sớm hoàn thiện quy trình quản lý khép kín người nhập cảnh vào Việt Nam
Nhu cầu đưa đón chuyên gia người nước ngoài, người Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài về nước hiện rất lớn, do đó, Bộ Y tế cần sớm hoàn thiện quy trình quản lý khép kín đối với người nhập cảnh vào Việt Nam, từ khâu tiếp nhận đăng ký nhập cảnh đến khi cách ly tập trung, theo dõi y tế tại nhà...
Đây là yêu cầu của Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 tại cuộc họp chiều 8/6, tại trụ sở Chính phủ.
Thường trực Ban Chỉ đạo nghe báo cáo việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo trong việc chấn chỉnh các khâu đưa đón chuyên gia, người Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài về nước thành quy trình khép kín. Về các giải pháp công nghệ liên quan đến vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành tích hợp các giải pháp, phối hợp với các đơn vị để hoàn chỉnh quy trình; hiện đang chạy thử trước khi trao đổi, báo cáo lại với Bộ Y tế. Do nhu cầu đưa đón chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài về nước hiện rất lớn, các thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thiện hệ thống công nghệ người nhập cảnh vào Việt Nam để Bộ Y tế nghiệm thu trong tuần tới.
Các ý kiến nhấn mạnh, phải nêu rõ trách nhiệm thực hiện quy định phòng chống dịch, bảo đảm an toàn cho cộng đồng của mỗi người nhập cảnh; đồng thời, quy định cụ thể trách nhiệm của các tổ chức như Đại sứ quán trong việc tiếp nhận người nhập cảnh vào Việt Nam; các bộ, ngành thành viên “Tổ 5 người” trong việc quyết định các chuyến bay nhập cảnh, giải cứu công dân; chính quyền cơ sở, cơ quan y tế trong việc theo dõi người nhập cảnh thực hiện theo dõi y tế tại địa phương sau khi hoàn thành cách ly tập trung….
Đến nay, Bộ Y tế đang khẩn trương hoàn thiện quy trình đưa đón chuyên gia, người Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài về nước, tạo thành quy trình quản lý khép kín, từ khi tiếp nhận đăng ký nhập cảnh, cách ly tập trung, theo dõi y tế tại nhà… Dự kiến, những người nhập cảnh vào Việt Nam được phân loại thành các nhóm khác nhau. Người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 được kiểm tra bằng các xét nghiệm khác nhau để khẳng định chứng minh hiệu quả việc tiêm vaccine (bởi các loại vaccine hiện hành có hiệu quả từ 70 - 90%), sau đó việc thực hiện cách ly rút ngắn xuống còn 7 ngày.
Thường trực Ban Chỉ đạo nhận định, nếu kiểm soát tốt, cơ bản trong tháng 6, tình hình dịch bệnh được khống chế, nhưng sẽ vẫn ghi nhận các ca mắc lẻ tẻ trong cộng đồng. Trong khi đó, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 ở trong nước và nhiều nước trên thế giới chưa thể có miễn dịch cộng đồng sớm. Do đó, các lực lượng không chủ quan, lơ là, luôn sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh.
Trong ngày 8/6, Việt Nam ghi nhận thêm 175 ca mắc mới
Tính đến 18 giờ ngày 8/6, Việt Nam có tổng cộng 7.573 ca ghi nhận trong nước và 1.585 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 6.003 ca.
Có 16 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.
Số lượng xét nghiệm từ 29/4/2021 đến nay đã thực hiện 1.784.306 mẫu cho 3.763.592 lượt người.
Số ca âm tính với SARS-CoV-2 hiện là 388 ca. Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận số ca tử vong liên quan đến COVID-19 là 55 ca. Số ca điều trị khỏi là 3.549 ca.
Lấy mẫu xét nghiệm diện rộng toàn bộ thành phố Bắc Ninh
Nhằm phát hiện sớm các ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, tỉnh Bắc Ninh đã tập trung xét nghiệm diện rộng toàn bộ TP Bắc Ninh theo nguyên tắc lấy mẫu gộp. Trong đó, những khu, thôn có ca mắc trong 7 ngày, sẽ lấy mẫu toàn dân gộp theo hộ gia đình và lấy mẫu xét nghiệm 3 lần; đối với những khu, thôn chưa có ca mắc COVID-19, sẽ lấy mẫu gộp theo đại diện hộ gia đình, mỗi hộ 1 người; những khu/thôn đã có ca mắc trong vòng 8 - 14 ngày và qua 14 ngày không có ca mắc mới, sẽ lấy mẫu 1 lần theo nguyên tắc lấy mẫu toàn dân gộp theo hộ gia đình.
Dự kiến đến ngày 14/6, thành phố Bắc Ninh sẽ hoàn thành việc lấy mẫu xét nghiệm cho tất cả các nhóm đối tượng.
Ngân hàng giảm lãi sâu hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nhiều ngân hàng đã triển khai các gói tín dụng giảm lãi sâu. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giảm chi phí để có điều kiện giảm lãi suất, hỗ trợ khách hàng vay trước những ảnh hưởng dịch COVID-19.
Để chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp và người dân, đặc biệt tại Bắc Giang và Bắc Ninh đang có ca nhiễm COVID-19 tăng kỷ lục, lây lan nhanh từ các khu công nghiệp, Vietcombank đã giảm đồng loạt lãi suất tiền vay và phí đối với khách hàng tại Bắc Giang và Bắc Ninh trong thời gian 3 tháng từ nay đến hết ngày 31/8. Cụ thể: Giảm lãi suất cho vay tới 1,0%/năm đối với VND và tới 0,5%/năm đối với ngoại tệ cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của doanh nghiệp và người dân tại Bắc Giang và Bắc Ninh (đối tượng giảm lãi suất không gồm các khoản dư nợ đang được áp dụng chính sách ưu đãi lãi suất của Vietcombank); giảm phí lên đến 50% đối với khách hàng doanh nghiệp và miễn các loại phí cơ bản (gói tài khoản, phí rút tiền…) đối với khách hàng cá nhân.
Từ tháng 6/2021, ABBank triển khai đồng thời 2 chương trình ưu đãi "Vay ưu đãi - Lãi an tâm" với lãi suất từ 7,2%/năm và "Vay kinh doanh – Phát tài nhanh" với lãi suất từ 7%/năm dành cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn. Gói cho vay để kinh doanh có hạn mức giải ngân lên đến 8.000 tỷ đồng. Mức lãi suất ưu đãi của gói vay này từ 7 - 7,5%/năm.
Đề cập về tình hình lãi suất từ nay tới cuối năm, đại diện Bộ phận Phân tích & Tư vấn đầu tư SSI dự báo: Mặt bằng lãi suất sẽ giữ ổn định ở mức thấp trong ngắn hạn do dịch bệnh làm giảm cầu tín dụng, nhưng có thể nhích tăng từ đầu quý III/2021. “Chúng tôi kỳ vọng lãi suất sẽ vẫn được giữ ở mức thấp trong 6 tháng đầu năm 2021, để hỗ trợ các doanh nghiệp có thể phục hồi nhanh hơn trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát trở lại. Nhưng mặt bằng lãi suất dự báo sẽ có sự nhích lên từ nay tới cuối năm”, chuyên gia Công ty Chứng khoán Tân Việt cho biết.
Việt Nam ghi nhận bệnh nhân COVID-19 thứ 55 tử vong có bệnh lý nền nặng
Việt Nam vừa ghi nhận thêm 1 bệnh nhân COVID-19 tử vong, có bệnh lý nền nặng, tuổi cao, đây cũng là ca tử vong thứ 55 có liên quan đến COVID-19.
Tiểu ban Điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 vừa thông báo về ca tử vong số 55 là BN 4632, nữ, 88 tuổi, địa chỉ huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim, lão suy (suy nhược chức năng ở người cao tuổi). Bệnh nhân được xét nghiệm sàng lọc SARS-COV-2 cho kết quả dương tính vào ngày 16/5 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang.
Ngày 7/6, bệnh nhân hôn mê sâu, thở máy FiO2 100%, phù toàn thân, bầm xuất huyết dưới da nhiều nơi, huyết áp 6/4 với vận mạch Noradrenalin và Adrenalin liều cao, vô niệu, toan máu nặng, tổn thương suy gan, suy thận cấp.
Tình trạng bệnh quá nặng, mặc dù đã được tích cực hồi sức với thở máy, kháng sinh, kháng nấm, truyền máu và lọc máu hấp phụ, nhưng không đáp ứng điều trị. Bệnh nhân tử vong cùng ngày 7/6. Chẩn đoán tử vong: Viêm phổi nặng do SARS-COV-2, ARDS, sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan trên suy tim, tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, suy nhược chức năng ở người cao tuổi.