Tổng hợp COVID-19 từ 31/5-6/6: Ra mắt Quỹ vaccine phòng COVID-19; cách ly tại nhà với trẻ em dưới 5 tuổi

Tuần từ 31/5-6/6, dư luận quan tâm đến các thông tin "nóng" như: Việc thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19; lễ phát động nhắn tin 'Toàn dân ủng hộ phòng chống dịch bệnh COVID-19'; Việt Nam đàm phán mua 20 triệu liều vaccine Sputnik phòng COVID-19 trong năm 2021; nam công nhân ở Bắc Giang tử vong không liên quan đến tiêm vaccine COVID-19...

Quỹ vaccine phòng COVID-19 là quỹ của sự nhân ái, tinh thần đoàn kết

Tối 5/6, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự lễ ra mắt Quỹ vaccine phòng COVID-19.

Chú thích ảnh
 Đại diện các tầng lớp nhân dân ủng hộ vào Quỹ vaccine phòng COVID-19.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trong năm 2021, Việt Nam cần 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người dân, với tổng kinh phí ước tính hơn 25 nghìn tỷ đồng. Chính phủ quyết định thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 với mục tiêu tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp cả ở trong nước và ngoài nước để cùng với nguồn lực ngân sách Nhà nước thực hiện hiệu quả “chiến lược vaccine” gồm mua, nhập khẩu vaccine, chuyển giao công nghệ nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước để tiêm chủng cho người dân. Tính đến chiều 5/6, Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã tiếp nhận 1.036 tỷ đồng và cam kết ủng hộ 6.600 tỷ đồng.

Phát biểu tại lễ ra mắt, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng, đồng tình, trách nhiệm của toàn thể nhân dân với phương châm “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, Việt Nam đã được ghi nhận là điểm sáng trên thế giới về thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp chống dịch theo phương châm mới “5K+vaccine” và ứng dụng công nghệ rộng rãi để thực hiện được “mục tiêu kép” vừa chống dịch và phát triển kinh tế. Trong đó, tiêm vaccine là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính chiến lược và quyết đinh để thoát khỏi đại dịch.

Lễ phát động nhắn tin 'Toàn dân ủng hộ phòng chống dịch bệnh COVID-19'

Chiều 3/6, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Lễ phát động nhắn tin “Toàn dân ủng hộ phòng chống dịch bệnh COVID-19” và triển khai Chương trình “Vaccine cho công nhân”.

Phát biểu tại lễ phát động, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đây là việc làm hết sức thiết thực và có ý nghĩa hưởng ứng chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Toàn bộ số tiền tiếp nhận được qua tin nhắn sẽ được chuyển về Quỹ vaccine phòng COVID-19 và hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19, trong đó ưu tiên mua vaccine cho công nhân và người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Việt Nam đàm phán mua 20 triệu liều vaccine Sputnik phòng COVID-19 trong năm 2021

Thông tin từ Bộ Y tế, Nga đã đồng ý cung ứng cho Việt Nam 20 triệu liều vaccine. Dự kiến tháng 7 này, Công ty Vabiotech sẽ tiến hành đóng ống, gia công vaccine phòng COVID-19 của Nga tại Việt Nam.

Với nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp để có vaccine COVID-19, chiều 2/6, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có cuộc cuộc làm việc với Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga về vấn đề cung ứng, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine.

Thông tin sau buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện nay nhu cầu vaccine trên toàn cầu rất lớn, Việt Nam đang nỗ lực tiếp cận các nguồn vắc xin phòng COVID-19 để có thể tăng độ bao phủ tiêm chủng cho người dân Việt Nam sớm nhất và nhanh nhất. Tuy nhiên, do Việt Nam là nước triển khai các biện pháp chống dịch hiệu quả, kiểm soát dịch tốt nên việc cung ứng vaccine của các nước cho Việt Nam vẫn theo lộ trình, kế hoạch mà các nhà sản xuất, phân phối đã đưa ra.

Ngày 6/6, Việt Nam ghi nhận thêm 206 ca mắc mới

Trong ngày 6/6, Việt Nam ghi nhận thêm 206 ca mắc mới, trong đó có 201 ca ghi nhận trong cộng đồng.

Đến 18 giờ ngày 6/6, Việt Nam có tổng cộng 7.131 ca ghi nhận trong nước và 1.551 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 5.561 ca.

Có 15 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La, Ninh Bình) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.

Nam công nhân ở Bắc Giang tử vong không liên quan đến tiêm vaccine COVID-19

Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, tối 4/6, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang tiếp nhận bệnh nhân Q.V.Đ (SN 1993, quê tỉnh Điện Biên; hiện cư trú tại huyện Yên Dũng, Bắc Giang). Bệnh nhân làm việc tại công ty Luxshare, được tiêm phòng vaccine phòng COVID-19 từ ngày 2/6, sau tiêm sức khỏe ổn định.

Trước đó, theo thông tin gia đình cho biết, bệnh nhân đang ngồi nói chuyện thì bị đau đầu. Bệnh nhân Q.V.Đ được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, da tím, đầu chi lạnh, niêm mạc hồng nhạt, đồng tử hai bên giãn 4 mm, không có phản xạ ánh sáng. Tim nhịp chậm, mờ, tần số 50 lần/phút. Huyết áp 180/90 mmHg, phổi thông khí giảm hai bên. Bệnh nhân được chẩn đoán lúc vào viện là hôn mê, theo dõi xuất huyết não.

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bắc Giang cho biết, các chuyên gia y tế khẳng định, bệnh nhân tử vong không liên quan tới việc tiêm vaccine phòng COVID-19.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Trưởng tổ điều trị Bộ phận thường trực của Bộ Y tế tại Bắc Giang cho biết: "Đây là 1 trường hợp trùng hợp ngẫu nhiên, sau 2 ngày tiêm vaccine xảy ra xuất huyết não trên người có dị dạng mạch máu não. Sau khi xét nghiệm cận lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh thì cho thấy có tai biến mạch não, xét nghiệm đông máu và tiểu cầu cho kết quả bình thường. Do vậy, đây là trường hợp tử vong do xuất huyết não, không liên quan đến vaccine".

Sáng kiến lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam được đánh giá cao

Quỹ vaccine phòng COVID-19 được phát động vào ngày 31/5 và chính thức ra mắt vào tối 5/6, nhằm huy động tổng hợp nguồn lực đóng góp xã hội để chia sẻ với ngân sách nhà nước, phục vụ cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine và nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.

Vaccine phòng COVID-19 được sử dụng cho người dân trên nguyên tắc đảm bảo sự tự nguyện đóng góp, hoạt động công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật. Tính đến 16 giờ ngày 4/6, Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã tiếp nhận được khoảng 264,8 tỷ đồng, hơn 8.700 USD và hơn 2.700 EUR.

Với sáng kiến Quỹ vaccine phòng COVID-19, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đánh giá cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của nhân dân trong cuộc chiến chống "giặc COVID-19".

Bắc Giang: Thực hiện cách ly y tế tại nhà đối với trẻ em dưới 5 tuổi

Ngày 5/6, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã ký ban hành công văn khẩn gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Giang về việc điều chỉnh cách ly y tế cho trẻ em dưới 15 tuổi tại trên toàn tỉnh.

Bộ Y tế chỉ đạo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện cách ly y tế cho trẻ em dưới 15 tuổi theo các nội dung quy định tại Công văn số 897/BYT-MT ngày 7/2/2021 về việc hướng dẫn cách ly y tế cho trẻ em dưới 15 tuổi.

Cụ thể, thời gian cách ly y tế cho trẻ em dưới 15 tuổi là 21 ngày. Đối với trẻ dưới 5 tuổi, thực hiện cách ly y tế tại nhà riêng khi đảm bảo đủ các yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.

Trường hợp trẻ từ 5 tuổi đến 15 tuổi, thực hiện cách ly y tế tập trung trong 7 ngày. Sau khi có kết quả xét nghiệm ba lần âm tính với SARS-COV-2 (lần một khi bắt đầu thực hiện cách ly, lần hai vào ngày thứ 3 và lần ba vào ngày thứ 7), cho phép thực hiện cách ly y tế tại nhà riêng khi đảm bảo đủ các yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.

Bình Dương khẩn trương 'cắt đứt' chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng

Ngày 6/6, tại Bình Dương tiếp tục ghi nhận thêm 2 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 liên quan đến ổ dịch tại Công ty Sản xuất và Thương mại Phúc Đạt có địa chỉ tại đường 16, khu phố Nhị đồng 2 ở thành phố Dĩ An.

Hiện cơ quan chức năng thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã phong tỏa thêm nhiều khu trên địa bàn thành phố, trong đó cách ly trụ sở Chi cục Thuế thành phố Dĩ An và đã truy vết 70 trường hợp thuộc diện F2. Hiện công tác truy vết, khoanh vùng cách ly đang được tỉnh Bình Dương tập trung thực hiện kể cả ngày Chủ nhật với tinh thần khẩn trương "cắt đứt" chuỗi lây nhiễm lây liên quan đến công ty trên.

TP Hồ Chí Minh: Chuỗi siêu lây nhiễm tại quận Gò Vấp đã chững lại

Tại cuộc họp trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 và lãnh đạo TP Hồ Chí Minh chiều 2/6, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, mức độ lây nhiễm của chuỗi siêu lây nhiễm ở quận Gò Vấp đã chững lại và chưa có dấu hiệu gia tăng.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, từ ngày 18/5 đến nay, TP Hồ Chí Minh xuất hiện 3 ổ dịch, trong đó ổ dịch ở Quận 3 và ổ dịch tại một chung cư ở thành phố Thủ Đức đã được kiểm soát, không xuất hiện thêm trường hợp mắc mới, F1 và F2 đều âm tính.

Đánh giá về chuỗi siêu lây nhiễm này, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, nếu tính từ trường hợp đầu tiên là vợ mục sư có triệu chứng vào ngày 13/5 thì chuỗi lây nhiễm này đã trải qua chu kỳ lây nhiễm 4.

Cũng theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, mức độ lây nhiễm của chuỗi lây nhiễm này đã chững lại và chưa có dấu hiệu gia tăng. "Ngày 31/5, Thành phố phát hiện 51 trường hợp, trong ngày 1/6 chỉ phát hiện thêm 43 trường hợp và sáng ngày 2/6 là 23 trường hợp", Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phân tích qua số liệu.

Chú thích ảnh
XC/Báo Tin tức
Ngày hội Livestream đặc sản OCOP Hà Nội: Tôn vinh sản phẩm OCOP 'mùa dịch'
Ngày hội Livestream đặc sản OCOP Hà Nội: Tôn vinh sản phẩm OCOP 'mùa dịch'

Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội phối hợp với một số đơn vị tổ chức chương trình "Ngày hội Livestream đặc sản OCOP Hà Nội - cơ hội mua sắm online an toàn trong mùa dịch" và vận động ủng hộ Quỹ Vaccine phòng COVID-19 của Chính phủ vào ngày 6/6.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN