Ngày 22/9, Việt Nam ghi nhận 11.527 ca dương tính, Hà Nam có thêm 20 ca nhiễm mới
Ngày 22/9, Việt Nam ghi nhận 11.527 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, trong ngày có 236 ca tử vong, có 11.919 bệnh nhân khỏi bệnh.
Tính từ 17 giờ ngày 21/9 đến 17 giờ ngày 22/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 11.527 ca nhiễm mới, trong đó có 2 ca nhập cảnh và 11.525 ca ghi nhận trong nước (giảm 162 ca so với ngày trước đó) tại 35 tỉnh, thành phố (có 5.870 ca trong cộng đồng).
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh gồm: TP Hồ Chí Minh (5.435 ca), Bình Dương (4.179 ca), Đồng Nai (930 ca), Long An (191 ca), An Giang (186 ca), Kiên Giang (137 ca), Tiền Giang (89 ca), Cần Thơ (48 ca), Tây Ninh (48 ca), Bình Định (43 ca), Bình Phước (26 ca), Khánh Hòa (21 ca), Đắk Nông (20 ca), Hà Nam (20 ca), Quảng Bình (19 ca), Đồng Tháp (18 ca), Ninh Thuận (15 ca), Phú Yên (14 ca), Đà Nẵng (10 ca), Bình Thuận (9 ca), Thừa Thiên Huế (9 ca), Quảng Trị (9 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (8 ca), Bạc Liêu (8 ca), Hà Nội (7 ca), Quảng Ngãi (6 ca), Trà Vinh (4 ca), Lâm Đồng (3 ca), Bến Tre (3 ca), Kon Tum (2 ca), Hậu Giang (2 ca), Thanh Hóa (2 ca), Cà Mau (2 ca), Sơn La (1 ca), Nghệ An (1 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP Hồ Chí Minh (giảm 1.086 ca), Long An ( giảm 63 ca), Tiền Giang (giảm 16 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (570 ca), Đồng Nai (340 ca), An Giang (65 ca).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 10.465 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 718.963 ca nhiễm, đứng thứ 46/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.306 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 714.497 ca, trong đó có 482.083 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 17 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Giang, Thái Bình, Lạng Sơn.
Có 4 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Tĩnh, Kon Tum.
Cao Bằng là tỉnh duy nhất kể từ đầu đại dịch đến nay chưa ghi nhận ca mắc COVID-19.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP Hồ Chí Minh (353.655), Bình Dương (187.493), Đồng Nai (42.362), Long An (31.041), Tiền Giang (13.464).
Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 11.919 ca.
Tổng số ca được điều trị khỏi là 487.262 ca.
Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.991 ca.
Số bệnh nhân COVID-19 nặng đã được kiểm soát, số ca tử vong có xu hướng giảm
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, hiện số bệnh nhân COVID-19 nặng đã được kiểm soát, số ca tử vong có xu hướng đi xuống.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh vừa đến thăm, làm việc tại Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 của Bệnh viện Bạch Mai tại TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện dã chiến số 16 (do Bệnh viện Hùng Vương phụ trách) và Trạm Y tế lưu động tại phường 11, quận Phú Nhuận.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện dã chiến số 16 cho biết: Hiện hai bệnh viện đang điều trị cho gần 1.200 bệnh nhân COVID-19; trong đó tại Trung tâm Hồi sức tích cực của Bệnh viện Bạch Mai có 360 bệnh nhân nặng; tại Bệnh viện dã chiến số 16 có hơn 800 bệnh nhân, chủ yếu là sản phụ mắc COVID-19, với khoảng 20 – 30 sản phụ nhập viện/ngày.
Thời gian qua, bên cạnh lực lượng chủ chốt của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hùng Vương, tham gia điều trị, chăm sóc bệnh nhân và các hoạt động hậu cần cho Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện dã chiến số 16 còn có đội ngũ thầy thuốc chi viện từ các bệnh viện và các địa phương cùng đội ngũ tình nguyện viên và thành viên các tôn giáo. Bệnh viện Bạch Mai còn tích cực triển khai các hoạt động đào tạo kỹ năng hồi sức cấp cứu cho các bệnh viện tuyến quận, huyện của TP Hồ Chí Minh.
PGS.TS Đỗ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 trong tuần qua đã có những tín hiệu khả quan với số lượng bệnh nhân tử vong giảm.
Ghi nhận tinh thần quyết tâm trụ vững, đẩy lùi dịch bệnh của các thầy thuốc tuyến đầu, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhận định: “Tới thời điểm này, chúng ta đã bắt đầu thấy được "ánh sáng nơi cuối đường hầm" khi số ca mắc giảm, số bệnh nhân nặng được kiểm soát và số ca tử vong có xu hướng đi xuống. Để đạt được những kết quả đó, ngoài sự nỗ lực của hệ thống chính trị thành phố, của ngành y tế nói chung thì sự nỗ lực của các thầy thuốc trong các trung tâm hồi sức tích cực, các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị ở tầng 2 là hết sức quan trọng”.
Chợ lưu động đầu tiên áp dụng “Thẻ xanh COVID-19” ở Thành phố Hồ Chí Minh
Sáng 22/9, chợ lưu động bình ổn giá áp dụng “Thẻ xanh COVID-19” đầu tiên được triển khai trên địa bàn Quận 5 (TP Hồ Chí Minh) nhằm cung cấp các mặt hàng thực phẩm thiết yếu cho người dân trong thời điểm giãn cách xã hội.
Đây là mô hình mang chợ ra phố được triển khai trong bối cảnh TP Hồ Chí Minh vẫn đang siết chặt giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức, chợ lưu động được Quận 5 triển khai trên đường Trần Bình Trọng, không gian thoáng và không có phương tiện qua lại do 2 đầu đường đã được lập chốt rào chắn. Người dân khi vào chợ phải chấp hành quy định 5K, giãn cách và trình “Thẻ xanh COVID-19” đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, khai báo y tế…
Các gian hàng được bố trí giãn cách theo từng ô đã kẻ vạch sẵn. Người bán là cán bộ, nhân viên của UBND Quận 5 nên các mặt hàng đều có giá bình dân, đảm bảo cho người dân có thể mua được. Thời gian chợ hoạt động đến hết ngày 22/9, sau đó chuyển qua phường khác, ưu tiên những phường đã hoàn thành tiêm vaccine mũi 2.
Bà Đào Thị Ánh Tuyết, Phó Trưởng phòng kinh tế Quận 5, cho biết: “Chợ lưu động được triển khai theo hình thức không lợi nhuận, lấy công sức của cán bộ, nhân viên của quận để phục vụ người dân. Hiện nay, trên địa bàn Phường 3, Quận 5 đã hoàn thành tiêm vaccine mũi 2 cho người dân từ ngày 14/9, do đó quận chọn phường này để thí điểm chợ lưu động. Trước một ngày đi chợ, người dân cũng đã được test COVID-19 âm tính SARS-CoV-2 để đảm bảo an toàn khi vào chợ”.
Hà Nội phát hiện ca dương tính trong cộng đồng qua sàng lọc ho sốt ở Hà Đông
Trưa 22/9, Hà Nội ghi nhận 5 ca dương tính mới, trong đó có 1 ca ở Hà Đông là ca cộng đồng phát hiện qua sàng lọc ho sốt.
Trong số 5 ca nhiễm mới của Hà Nội có 4 ca trong khu cách ly và 1 ca cộng đồng. Cụ thể: Ca phát hiện qua sàng lọc ho, sốt cộng đồng là Đ.V.H, nam, sinh năm 1992; Kiến Hưng, Hà Đông. Bệnh nhân đã được xét nghiệm ngày 12/9 âm tính. Ngày 20/9, bệnh nhân có triệu chứng ho, đau rát họng, sốt nhẹ được lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính.
Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) là 3.950 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.599 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.351 ca.
Kiên Giang: Ổ dịch COVID-19 ở Phú Quốc tăng lên 57 ca
Cập nhật tới ngày 22/9, số ca mắc COVID-19 ở thành phố Phú Quốc (Kiên Giang) đã tăng thêm 40 người. Như vậy, từ khi phát hiện trường hợp F0 trong cộng đồng vào chiều 20/9, Phú Quốc đã ghi nhận 57 người nhiễm SARS-CoV-2.
Các ca F0 mới đều phát sinh từ 60 ca F1 liên quan tới 17 F0 đã phát hiện trước đó ngụ ở phường An Thới, phường Dương Đông và xã Dương Tơ.
Sau khi phát hiện trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên là bà H. (ngụ phường An Thới) chính quyền thành phố Phú Quốc đã vào cuộc huy động tổng lực truy vết F1, F2. Đồng thời tiến hành lấy mẫu gộp xét nghiệm 505 mẫu với 1.200 người ở phường An Thới.
Trong đêm 21 và ngày 22/9, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Phú Quốc đã phát đi hai thông báo hỏa tốc tìm người (từ ngày 7/9 tới 21/9) đã đến các địa điểm ở phường An Thới gồm: cầu cảng An Thới, nhà thùng Hớn Hưng, cảng Vịnh Đầm, trại hòm Sáu Điệp và gia đình bà H.
Đáng chú ý, cơ quan phòng, chống dịch COVID-19 Phú Quốc còn thông báo khẩn tìm người (từ ngày 16/9 tới 21/9) có tiếp xúc gần với bà T.T.T.T ở số 35, đường Nguyễn Trãi, khu phố 2, phường Dương Đông. Bà T. là chủ quán cơm chay khá nổi tiếng tại địa chỉ này, mỗi ngày phục vụ hàng trăm khách.
Liên quan tới khu vực cảng Vịnh Đầm (xã Dương Tơ), đại diện Công ty Toàn Hải Vân - chủ đầu tư cảng cho hay, tàu thuyền trước khi vào cảng, tất cả thuyền viên đều phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực.
Quá trình neo đậu để lên xuống hàng hóa, thuyền viên không được lên bờ, không tiếp xúc với nhân viên bốc xếp. Cảng Vịnh Đầm cũng không quản lý đội bốc xếp, mà do chủ hàng ở địa phương thuê. Để an toàn phòng dịch, trong ngày 21/9 và sáng 22/9, toàn bộ nhân viên tại cảng đã được xét nghiệm SARS-CoV-2, tất cả đều âm tính lần 1.
Trước đó ngày 6/9, thành phố Phú Quốc đã thay đổi việc giãn cách xã hội từ Chỉ thị 16/CT-TTg xuống Chỉ thị 15/CT-TTg và từ 0 giờ ngày 21/9 thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 19/CT-TTg. Sau khi có ổ dịch mới, phường An Thới đã tạm thời áp dụng trở lại Chỉ thị 16/CT-TTg.
Quân khu 9 tăng cường 1.000 nhân lực hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch
Sáng 22/9, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 tổ chức Lễ xuất quân tăng cường 1.000 cán bộ, chiến sĩ, y bác sĩ hỗ trợ TP Hồ Chí Minh lấy mẫu xét nghiệm phòng, chống dịch COVID-19.
Cán bộ, chiến sĩ, y bác sĩ của Quân khu 9 tham gia chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh lần này thuộc các đơn vị: Cục Hậu cần, Trường Quân sự Quân khu, Sư đoàn Bộ binh 330, Lữ đoàn Phòng không 226 và Lữ đoàn Thông tin 29; sẽ chia thành 250 tổ, làm nhiệm vụ hỗ trợ 7 quận của Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại buổi lễ, Trung tướng Nguyễn Xuân Dắt, Tư lệnh Quân khu 9 cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, các đơn vị trong toàn quân sẵn sàng lực lượng và phương tiện để giúp nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ngăn chặn, đẩy lùi dịch COVID-19. Đợt xuất quân lần này là việc làm có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện tình tương thân, tương ái của dân tộc. Đây vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa cử cao đẹp của cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang Quân khu 9 hướng về nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Trung tướng Nguyễn Xuân Dắt đề nghị, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ phải xác định rõ trách nhiệm, tích cực tham gia thực hiện tốt các nhiệm vụ theo yêu cầu của đơn vị bạn, cùng chung sức, đồng lòng chia sẽ những khó khăn, gian khổ, tận tâm, tận lực, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, các cán bộ, chiến sĩ, y bác sĩ phải chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội, các quy định phòng, chống dịch của địa phương để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho bản thân và tránh lây nhiễm cho cộng đồng; tăng cường mối quan hệ đoàn kết gắn bó quân dân, giữ nghiêm kỷ luật dân vận và tương trợ giúp đỡ để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trước đó, ngày 19/9, Quân khu 9 cử 10 bác sĩ và 20 điều dưỡng của Bệnh viện Quân y 121 tham gia phục vụ tại Bệnh viện dã chiến thành phố Hà Tiên theo lời kêu gọi hỗ trợ của UBND tỉnh Kiên Giang.