Cả nước còn 4.269 ca COVID-19 nặng đang điều trị
Ngày 15/3, Việt Nam có 175.480 ca nhiễm mới SARS-CoV-2. Tại Hà Nội, số ca tiếp tục giảm, cả nước còn 4.269 ca COVID-19 nặng đang điều trị.
Trong số các ca nhiễm mới ngày 15/3, có 12 ca nhập cảnh và 175.468 ca ghi nhận trong nước (tăng 14.221 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 128.256 ca trong cộng đồng). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Hà Nội (giảm 3.125 ca), Bắc Ninh (giảm 2.464 ca), Bến Tre (giảm 1.019 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Hà Giang (tăng 4.025 ca), Gia Lai (tăng 2.872 ca), Phú Thọ (tăng 2.065 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 166.671 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 6.552.918 ca nhiễm, đứng thứ 20/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 130/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 66.309 ca nhiễm). Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 6.545.284 ca, trong đó có 3.380.325 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là: Hà Nội (864.925), TP Hồ Chí Minh (573.177), Bình Dương (344.034), Bắc Ninh (236.620), Nghệ An (237.313).
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 111.164 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 3.383.142 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.269 ca. Từ 17 giờ 30 ngày 13/3 đến 17 giờ 30 ngày 14/3 ghi nhận 68 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 81 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 41.545 ca, chiếm tỷ lệ 0,6% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Trong ngày 14/3, cả nước có 147.309 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 200.516.229 liều, trong đó: Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 183.467.186 liều gồm: Mũi 1 là 70.914.086 liều; mũi 2 là 67.825.981 liều; mũi 3 là 1.493.227 liều; mũi bổ sung là 14.542.915 liều; mũi nhắc lại là 28.690.977liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.049.043 liều gồm: Mũi 1 là 8.750.408 liều; mũi 2 là 8.298.635 liều.
Bộ trưởng Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm nếu thiếu vaccine để xảy ra hậu quả nghiêm trọng
Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối với Bộ trưởng Bộ Y tế.
Xét kiến nghị của Bộ Y tế về việc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt "Kế hoạch sử dụng vaccine phòng COVID-19 năm 2022", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế: Tập trung chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thần tốc hơn nữa công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên và dứt khoát không để chậm chễ việc mua, tổ chức tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 64/CĐ-TTg ngày 19/1/2022 và các văn bản có liên quan.
Theo dõi sát tình hình, khuyến nghị, kinh nghiệm quốc tế việc tiêm mũi 4 như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại nhiều phiên họp, sự kiện để sớm chủ động xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền. Nếu thiếu vaccine để xảy ra hậu quả Bộ trưởng Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Hậu COVID-19, khi nào cần đi khám?
Nhiều trường hợp người dân sau mắc COVID-19 vẫn có những triệu chứng dai dẳng, kéo dài, thậm chí nặng hơn khi mắc bệnh; cần được thăm khám để hỗ trợ, điều trị kịp thời.
Ths.BS Nguyễn Thu Hường, Trưởng đơn nguyên chống dịch, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: “Qua các trường hợp đến Bệnh viện thăm khám, các triệu chứng hậu COVID-19 mà bệnh nhân gặp nhiều nhất là: Mệt mỏi, khó thở, hụt hơi, thể lực giảm nhiều, bệnh nhân mất tập trung, rối loạn giấc ngủ và có những bệnh nhân gặp các rối loạn về tiêu hóa…”
Qua tiếp nhận các trường hợp hậu COVID-19, ở các bệnh nhân từng nhiễm chủng Delta, dù khi mắc triệu chứng nặng, nhưng hậu COVID-19 không thấy các triệu chứng rõ ràng; nhưng với các trường hợp nhiễm biến thể Omicron, tuy triệu chứng lâm sàng khi mắc không nặng, nhưng hậu COVID-19 thì có vẻ nặng nề hơn, một số bệnh nhân thậm chí còn phải chạy ECMO.
Vì vậy, theo BS. Nguyễn Thu Hường, với các bệnh nhân sau khi mắc COVID-19, khi có các dấu hiệu của hậu COVID-19 nên được thăm khám và điều trị kịp thời. Nhất là các bệnh nhân sau khi ra viện, căn cứ vào tình trạng bệnh nhân như: Bệnh nhân phải dùng thuốc thuốc chống đông, bệnh nhân có bệnh lý nền… thì nên quay trở lại bệnh viện tái khám càng sớm càng tốt trong vòng 1 tuần đầu ra ra viện để có xét nghiệm, tiên lượng cho bệnh nhân, có can thiệt hỗ trợ cho bệnh nhân khi cần thiết.
Theo đó, qua thăm khám, các bác sĩ sẽ tiên lượng, giải thích và tư vấn cho bệnh nhân; nếu cần thiết, bệnh nhân sẽ được nhập viện điều trị. Với những bệnh nhân không cần nhập viện, bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh tự theo dõi sức khỏe. Cụ thể, với bệnh nhân khó thở, cần hỗ trợ hô hấp sẽ được hướng dẫn cụ thể về các biện pháp tập thở, tập thể dục, chế độ ăn uống sinh hoạt phù hợp. Đặc biệt, bác sĩ cũng tư vấn liệu pháp tâm lý cho người bệnh, đây là yếu tô cực kỳ quan trọng với bệnh nhân sau mắc COVID-19.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, người bệnh sau nhiễm COVID-19, dù khi mắc có hay không có triệu chứng, sau đó vẫn nên đến đi khám, tư vấn, kiểm tra để loại trừ các tổn thương. Bởi có những trường hợp, các di chứng để lại không có biểu hiện triệu chứng trên lâm sàng nhưng tình trạng bệnh sẽ tiến triển dần và nặng lên. Việc kiểm tra sẽ giúp phát hiện sớm các biến chứng để có phương án can thiệp kịp thời.