Cử tri cho rằng, căn bệnh suy thoái không phải bây giờ mới phát hiện, mà từ lâu Đảng ta đã xác định đây là căn bệnh đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ, cần ngăn chặn sớm, ngăn chặn từ xa. Qua các vụ án nghiêm trọng vừa qua, cho thấy có lỗ hổng trong công tác cán bộ, như trường hợp Trịnh Xuân Thanh, một số tướng lĩnh trong ngành công an… nếu không có cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu, khó tránh được suy thoái, tham nhũng quyền lực. Sự lũng đoạn của các nhóm lợi ích khi thao túng quyền lực là cực kỳ nguy hiểm; trở thành tỷ phú không phải từ sản xuất vật chất, mà nhờ đầu tư bất động sản, cấu kết quyền lực, gây thất thoát tài nguyên đất đai.
Cử tri Nguyễn Huy Yên (quận Ba Đình) cho biết: Sau nhiều vụ án, vụ việc nghiêm trọng bị đưa ra xử lý, nhân dân thấy rõ quyết tâm, hành động quyết liệt của Đảng, Nhà nước ta trong việc làm trong sạch bộ máy, không có vùng cấm góc khuất, qua đó quy tụ ý chí toàn Đảng, toàn dân đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đảng đã lấy lại niềm tin trong nhân dân. Cử tri mong muốn Đảng, Nhà nước ta quyết liệt hơn nữa, nghiêm khắc hơn nữa, chống tham nhũng như chống thù trong giặc ngoài, tránh tình trạng Trung ương nóng, nhưng các tỉnh, thành chưa nóng; tiếp tục cảnh tỉnh răn đe tham nhũng, thu hồi tài sản do tham nhũng mà có, loại bỏ những cán bộ hư hỏng như những "con sâu làm rầu nồi canh". Cử tri nhấn mạnh, chống tham nhũng không làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, mà tạo niềm tin - động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Tăng cường cơ chế ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng Cử tri Nguyễn Khắc Thịnh (quận Ba Đình) cho biết, qua theo dõi Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII, cử tri đồng tình cao với chủ trương Bí thư cấp ủy không phải là người địa phương. Việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ cần quy định chặt chẽ, không để những kẻ cơ hội lợi dụng. Về kê khai tài sản, cử tri cho rằng cán bộ phải có trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản, bảo đảm công khai, minh bạch. Cử tri Nguyễn Đức Mạnh (quận Hoàn Kiếm) cho rằng, việc công khai tài sản tại nơi làm việc chưa có hiệu quả, cần công khai tại nơi cư trú, chi bộ dân cư... Nhân dân mong muốn cùng Đảng, Nhà nước tham gia phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên cần có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn hành vi trù dập, trả thù người tố cáo tham nhũng, kiên quyết thu hồi tài sản bất minh, làm sao để cán bộ không thể, không dám và không còn muốn tham nhũng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Chính phủ chủ trương xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, nhiều bộ, ngành Trung ương đã đưa ra lộ trình, kế hoạch cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Trung ương đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhưng địa phương hầu như im ắng… cho thấy tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Tất cả phải cùng vào cuộc, phải làm thế nào để chuyển “lửa” về địa phương. Cử tri mong muốn tiếp tục triển khai mạnh mẽ công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, để Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh, đất nước ta ngày càng phát triển.
Cử tri Phạm Văn Quảng (quận Hoàn Kiếm) nhấn mạnh, phải xây dựng cho được chi bộ trong sạch vững mạnh, có như vậy mới đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực một cách thực chất, hiệu quả. Thực trạng chất lượng chi bộ hiện nay là điều đáng quan tâm. Số vụ việc do chi bộ phát hiện còn quá ít, chủ yếu từ nguồn tin ban đầu của nhân dân, báo chí, công tác thanh tra kiểm tra ráo riết mới phát hiện được. Lẽ ra chi bộ phải là nơi đầu tiên phát hiện. Cử tri kiến nghị Ban Chấp hành Trung ương nghiên cứu lập đề án nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nâng cao tính hấp dẫn, tính đảng trong sinh hoạt chi bộ, xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh thực sự.
Cử tri Nguyễn Công Hòa (quận Hoàn Kiếm) lần đầu tiên tiếp xúc cử tri, nêu quan điểm: Việc sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng phải chặt chẽ, ngăn chặn tham nhũng từ trong ý tưởng, nâng mức chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn, đồng thời quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng...
Bên cạnh đó, một số cử tri cho rằng, vấn nạn lãng phí tràn lan cũng gây hại cho xã hội không kém tham nhũng, thậm chí còn nguy hại hơn, cần quan tâm đúng mức và có biện pháp ngăn chặn kịp thời, hiệu quả. Tình trạng lãng phí đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực, quản lý công sản, nhà đất... cần có cơ chế chính sách hợp lý hơn.
Nhiều vấn đề dân sinh bức xúc Tại các cuộc tiếp xúc, cử tri nêu nhiều vấn đề dân sinh bức xúc cần được giải quyết thấu đáo như nạn phá rừng, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, quy hoạch, quản lý đô thị, trật tự xây dựng, giáo dục - đào tạo…
Cử tri Nguyễn Thị Bích Hợi (quận Hoàn Kiếm) bày tỏ đồng tình với dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, nhấn mạnh mục tiêu của giáo dục là phát triển toàn diện con người Việt Nam, đồng thời cần nâng cao chất lượng đào tạo cho các cơ sở giáo dục, lấy lại niềm tin để phụ huynh yên tâm cho con theo học trong nước, không tốn kém tiền của đi học ở nước ngoài.
Cử tri đề nghị Nhà nước cần có chính sách ưu tiên đào tạo cán bộ vùng cao, vùng sâu vùng xa, khuyến khích học sinh nghèo học giỏi, tạo điều kiện cho các em học tập ở trong và ngoài nước, rồi thu hút các em trở về làm việc, phát huy năng lực phục vụ đất nước, ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám.
Cử tri Nguyễn Công Hòa (quận Hoàn Kiếm) đề nghị, cần có quy hoạch, kế hoạch phát triển các trường đại học, cao đẳng, không để tràn lan, thương mại hóa, đảm bảo sinh viên ra trường có việc làm ổn định, tránh tình trạng thay đổi chương trình học tập, sách giáo khoa, tạo áp lực cho cả giáo viên và học sinh; cần coi trọng giáo dục lịch sử, đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh.
Nói lên tiếng nói của những người trẻ, cử tri Nguyễn Ngọc Thắng, Bí thư Quận đoàn Ba Đình góp ý về dự án Luật An ninh mạng sắp trình Quốc hội. Cử tri nêu vấn đề, hiện nay trên mạng xã hội có nhiều thông tin nói xấu Đảng, Nhà nước, lôi kéo kích động thanh niên, thông tin xấu nhiều trong khi thông tin tốt, tích cực còn ít. Cử tri đề nghị, cần coi mạng xã hội là kênh thông tin quan trọng để tuyên truyền, định hướng cho thanh niên.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Cử tri đề nghị, Đảng, Nhà nước cần có chính sách trọng dụng nhân tài, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên có ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, cống hiến tài năng sức trẻ xây dựng quê hương đất nước.
Nhiều cử tri cho rằng an toàn thực phẩm là vấn đề nghiêm trọng hiện nay. Nhiều trường hợp vi phạm nhưng vẫn tiếp tục sản xuất kinh doanh. Cần sửa đổi Luật An toàn thực phẩm theo hướng tăng nặng mức phạt, thậm chí đưa ra xét xử những vụ án điểm, công khai, nghiêm khắc để tăng tính răn đe, đồng thời tăng cường tuyên truyền sản phẩm sạch, tích cực hưởng ứng cuộc vận động vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Làm quyết liệt từ cơ sở Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến đóng góp của cử tri, rất cô đọng, đúng đắn và sâu sắc. Tổng Bí thư đã trao đổi về từng vấn đề cử tri nêu và trân trọng tiếp thu các ý kiến đóng góp tâm huyết, xác đáng của cử tri, nêu rõ đây là cơ sở để các đại biểu Quốc hội tổng hợp, báo báo trước Quốc hội và triển khai trong thực tế công tác của mình.
Các ý kiến đóng góp của cử tri về một số luật cụ thể sẽ trình tại Kỳ họp Quốc hội sắp tới như: Luật Giáo dục sửa đổi, Luật An ninh mạng, Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, Luật An toàn thực phẩm… sẽ được tổng hợp, để các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định có thêm căn cứ khi thảo luận, xem xét các luật này.
Trước sự quan tâm của đông đảo cử tri về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Đây là công việc hết sức quan trọng nhưng cũng vô cùng khó khăn phức tạp, lần nào tiếp xúc cử tri cũng rất được quan tâm. Vừa qua, công tác phòng chống tham nhũng đã đạt một số kết quả bước đầu quan trọng. Nếu không có sự ủng hộ của cử tri và toàn thể nhân dân, cuộc đấu tranh này không thể thành công. Vừa qua, các cơ quan chức năng, các cấp, các ngành làm được như vậy là nhờ sự đồng thuận rất lớn của xã hội, của nhân dân. Những kết quả đạt được đã làm nức lòng dân, tạo thêm niềm tin, củng cố thêm quyết tâm để tiếp tục cuộc đấu tranh này".
Tổng Bí thư chỉ rõ: “Không chỉ chống mà cơ bản, lâu dài chính là xây. Chống là quan trọng cấp bách, phải làm và làm quyết liệt, nhưng không phải cứ nhăm nhăm đi chống, xảy ra rồi thì phải chống, cái chính là phải xây để ngăn ngừa, răn đe, đừng xảy ra là tốt nhất. Nếu ai đã trót ít nhiều nhúng chàm thì tự gột rửa đi, thế là tốt nhất. Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, không phải chỉ cốt xử tử, chung thân hay xử thật nặng mới là kết quả tốt, cái chính là người ấy phải nhận ra sai lầm, khuyết điểm của mình. Đặc biệt là phải thu hồi được nhiều tài sản, không để thất thoát của Nhà nước. Bần cùn, bất đắc dĩ lắm mới sử dụng biện pháp không ai mong muốn. Cho nên vừa kiên quyết, quyết liệt, nhưng phải rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình, mở đường cho người ta tiến, chứ không phải vùi dập người ta. Tinh thần của Đảng, Nhà nước là như thế và được nhân dân đồng tình rất lớn”.
Tổng Bí thư đồng tình với ý kiến của nhiều cử tri cho rằng, hiện nay phong trào đang phát triển thành xu thế, “lò” nóng lên rồi, nhưng còn nhiều việc phải làm, làm mạnh hơn nữa, kiên trì, quyết tâm làm đến cùng, và phải có cách làm, phương pháp làm đúng đắn, phải quan tâm chống tiêu cực ở cấp dưới, vai trò chi bộ cơ sở rất quan trọng. Phần đông cơ quan chức năng phát hiện, hoặc có đơn thư tố cáo thì mới tiến hành kiểm tra, xác minh, từ đó phát hiện sai phạm. Cho nên, quản lý từ chi bộ, đảng bộ cơ sở rất quan trọng, phải làm quyết liệt từ cơ sở lên.
Tổng Bí thư nhất trí, cần phát huy vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, nhân dân, của tập thể chi bộ, để không dám, không thể và không cần tham nhũng. Xảy ra rồi mới chữa cháy thì không hay, nhưng đã xảy ra thì không thể không làm. Thu hồi được tiền và ngăn chặn đừng đi vào vết xe đổ mới chính là mục đích cơ bản.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Tổng Bí thư chia sẻ, có tâm lý lo lắng, làm ra thì mất uy tín cán bộ, đảng viên, công an, quân đội, nhưng bưng bít, che giấu mới mất làm uy tín, càng làm cho cán bộ hư hỏng, phải đấu tranh chống cho bằng được thì mới lấy lại được uy tín. Xử lý những cán bộ, đảng viên suy thoái, tiêu cực là loại bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh”. Tuy vậy, cách làm phải chắc chắn, cẩn thận từng bước chặt chẽ. Cuộc chiến chống tham nhũng bây giờ đã trở thành phong trào, thành xu thế trong toàn xã hội, không ai có thể đứng ngoài xu thế và không thể không công khai, bởi tính công khai là thanh bảo kiếm chữa lành những vết thương… Trong cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, làm được thì Đảng trong sạch vững mạnh, tính chiến đấu trong Đảng mạnh lên.
Tổng Bí thư chỉ rõ: Chống tham nhũng phải kết hợp với thực hiện các nghị quyết khác của Trung ương, gắn chặt với Nghị quyết Trung ương 6 về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết Trung ương 7 về cải cách chính sách tiền lương, chính sách bảo hiểm xã hội, ngăn chặn tham nhũng một cách đồng bộ; rồi nghị quyết về công tác cán bộ, chống tham nhũng trong công tác cán bộ… cho nên phải làm đồng bộ nhiều việc, chứ không chỉ xử án, bắt bớ. Tinh thần là phát huy kết quả vừa qua, sắp tới tiếp tục làm, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa, làm lâu dài, tất cả cùng vào cuộc, từ trên xuống dưới cùng làm, thì cuộc chiến này mới thành công, từng bước chắc chắn.
Không chỉ tham nhũng mà lãng phí cũng rất ghê gớm. Thời gian qua, nhiều việc đã tiết kiệm rất lớn, như trong dịp Tết có quy định việc thăm hỏi, tặng quà, lãnh đạo Trung ương về địa phương, tổ chức lễ hội thế nào cho thiết thực… Lãng phí thời gian cũng ghê gớm lắm, gây nhiều thiệt hại cho đất nước, không chỉ là lãng phí tiền của.