Thực tế thời gian qua, An Giang đạt nhiều thành tích quan trọng, bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều đổi mới, hạ tầng giao thông, đường xá cầu cống được cải thiện, đời sống nhân dân được nâng cao hơn, công bằng xã hội cơ bản được bảo đảm, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế có nhiều tiến bộ, tỷ lệ hộ nghèo còn ít. Thành phố được quy hoạch bài bản, khách du lịch đến An Giang ngày càng nhiều, năm vừa qua là hơn 7 triệu người và hy vọng sắp tới còn nhiều hơn. Quốc phòng an ninh, đối ngoại được giữ vững, An Giang duy trì và phát triển tốt quan hệ với các địa phương của Campuchia. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo ngày càng được đổi mới, cải tiến, có nền nếp, An Giang đã quan tâm làm tốt việc triển khai, cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Quan trọng là hướng đi tương đối rõ, triển vọng phát triển là tốt, cán bộ quyết tâm cao”. Theo đó, An Giang tập trung phát triển nông nghiệp chất lượng cao, giá trị cao, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp trình độ cao, chất lượng cao, tăng cường liên kết 4 nhà: Nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, Nhà nước. Giờ đây, sản phẩm làm ra không chỉ để ăn mà để bán mới có giá trị cao, tập trung vào các sản phẩm chính là lúa chất lượng cao và cá tra. Thế phát triển đi lên, triển vọng thấy rõ, đội ngũ cán bộ quyết tâm, vấn đề là làm thế nào để có hiệu quả, huy động được sức dân, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện tốt các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra.
Chia sẻ với những băn khoăn, trăn trở của An Giang, Tổng Bí thư chỉ rõ đây là những băn khoăn trăn trở trên con đường phát triển đi lên, giải quyết được khó khăn này khó khăn khác lại nảy sinh, càng phát triển cao, càng có vấn đề mới nảy sinh, cần nghiêm túc xem xét với phương pháp biện chứng để khắc phục, giải quyết. Với nhiều thế mạnh, tiềm năng chưa được khai thác phát huy hết, Tổng Bí thư mong muốn An Giang phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Yêu cầu cao, nhiệm vụ lớn, cơ chế chính sách có chỗ chưa đáp ứng được, lại thêm vấn đề huy động vốn... đây không chỉ là vấn đề đối với riêng An Giang mà còn của nhiều địa phương khác. Hiện thu của An Giang mới chỉ đạt 50% chi, thu nhập bình quân đầu người còn thấp mới được khoảng 34 triệu đồng/người/năm, cả nước đã gần 60 triệu đồng/người/năm rồi. Nên An Giang phải tiếp tục cố gắng phấn đấu, tìm cách để không thua kém các địa phương bạn.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: Mong muốn có nhiều, nhưng cái chung nhất và trước hết là phải có quyết tâm cao hơn nữa, phải có đủ trình độ năng lực, bản lĩnh đáp ứng yêu cầu ngày càng cao, phải hành động quyết liệt hơn. An Giang cần tiếp tục có nhiều tìm tòi, nhiều sáng kiến, sáng tạo hơn nữa, tùy mỗi cương vị công tác của mỗi đồng chí mà có những sáng kiến, sáng tạo để thực hiện có hiệu quả cao hơn các nghị quyết của Đảng, đồng thời phải có biện pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận đã có. An Giang đã nói là làm, đã đi là đến, đã bàn là thông, đã quyết là phải một lòng, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, đáp ứng mong muốn, nguyện vọng của nhân dân.
Muốn vậy, trước hết phải có cán bộ, đảng viên, công chức tốt, phải quan tâm làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Tổng Bí thư lưu ý, An Giang cần chú trọng làm tốt công tác quy hoạch cán bộ cho lâu dài; đồng thời phải có quy hoạch sản xuất, quy hoạch sản phẩm, xây dựng cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. An Giang cần làm tốt công tác tư tưởng trong dân, làm sao huy động tất cả các tầng lớp nhân dân, thường xuyên chăm lo cho quốc phòng an ninh và đối ngoại.
Tổng Bí thư ghi nhận và hoan nghênh 5 kiến nghị, đề xuất của An Giang, không chỉ cho riêng tỉnh này mà cho cả vùng, như vấn đề kết nối giao thông, chống sạt lở, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, chủ trương chính sách tạo quỹ đất thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp, hỗ trợ các địa phương biên giới... Tổng Bí thư chúc Đảng bộ, chính quyền, nhân dân An Giang tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, tiếp tục vươn lên sánh vai cùng các tỉnh bạn trong khu vực và cả nước.
Theo báo cáo của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân, quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ An Giang, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương, chủ động xây dựng, ban hành nhiều chương trình, kế hoạch hành động về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển nguồn nhân lực, hạ tầng du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, xây dựng Đảng, vận động quần chúng, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trên cơ sở đó, các cấp ủy đảng, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể để quán triệt đến từng chi, đảng bộ cơ sở, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên, nhân dân.
Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng, với truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo và đặc biệt là khát vọng vươn lên mạnh mẽ, một luồng sinh khí mới đang lan tỏa trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, nhờ đó kinh tế - xã hội của tỉnh có bước phát triển khá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các lĩnh vực thế mạnh như nông nghiệp, thương mại, du lịch có nhiều chuyển biến tích cực; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư, nâng cấp. Đời sống người dân không ngừng cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,24%...
Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo một số địa phương triển khai mô hình hợp nhất, nhất thể hóa một số tổ chức, chức danh ở cấp xã, cấp huyện, bước đầu mang lại kết quả tích cực, được cán bộ và nhân dân đồng tình, làm cơ sở để tập trung chỉ đạo nhân rộng ở nhiều địa phương khác. Cụ thể đã thực hiện mô hình Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng khóm, ấp ở 887/888 khóm, ấp; Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND tại 10/11 đơn vị cấp huyện và 74/156 đơn vị cấp xã; Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND ở thành phố Long Xuyên, 50/156 xã, phường, thị trấn (trong đó, huyện Châu Phú đã thực hiện 100%)...
Nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn” về tích tụ đất đai, Tỉnh đã ban hành Đề án tạo quỹ đất thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao với nhiều giải pháp thiết thực, thúc đẩy mạnh mẽ mối liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân, từng bước giải quyết bài toán giữa sản xuất – chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tạo được sự đồng thuận trong doanh nghiệp và người dân. Đến nay, tỉnh thu hút ngày càng nhiều hơn doanh nghiệp đầu tư cho phát triển nông nghiệp. Chỉ qua 2 năm đầu nhiệm kỳ (2016-2017), An Giang đã thu hút khoảng 45 dự án đầu tư vào nông nghiệp với tổng nguồn vốn đăng ký trên 7.248 tỷ đồng (so với năm 2015, số dự án tăng 30 dự án, tổng nguồn vốn tăng gần 6.000 tỷ đồng)…
Kinh nghiệm từ thực tiễn Mỹ Phú
Chiều 14/4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, làm việc tại xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Giữa vùng nuôi cá tra của Công ty TNHH Phát triển Lộc Kim Chi ở ấp Mỹ Phước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với cán bộ chủ chốt của xã Mỹ Phú, nghe báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh, những kiến nghị, đề xuất của đại diện các doanh nghiệp nuôi cá tra và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con nông dân. Từ thực tiễn Mỹ Phú, nhiều vấn đề đang đặt ra, việc giải quyết thấu đáo những vấn đề này sẽ là những kinh nghiệm quý trong chuyển đổi sản xuất hàng hóa quy mô lớn, cũng như trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
Phát biểu tại đây, Tổng Bí thư hoan nghênh Mỹ Phú chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, năng động sáng tạo, phát triển mạnh hai sản phẩm chủ lực là cây lúa và cá tra, là đơn vị đi đầu của huyện trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (Khóa XII) về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả. Tổng Bí thư mong muốn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Mỹ Phú tiếp tục phát huy truyền thống đoàn, cần cù, năng động sáng tạo, tăng cường liên kết 3 nhà: Nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà nước, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, phục vụ nhu cầu trong nước và mở rộng xuất khẩu. Tổng Bí thư mong muốn, cùng với phát triển kinh tế, Mỹ Phú cần thường xuyên quan tâm chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, xây dựng quê hương Mỹ Phú giàu đẹp, văn minh, giàu tình nghĩa.
Mỹ Phú có vị trí địa lý thuận lợi, gần thành phố Châu Đốc, có đường quốc lộ đi qua và có tuyến dân cư tiếp giáp sông Hậu, rất thuận tiện cho phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và làng nghề. Thế mạnh của xã là sản xuất nông nghiệp, chủ lực là cây lúa và con cá. Nhờ làm tốt công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm và giảm nghèo, đến nay tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn giảm xuống 3,6% dân số (186 hộ), tỷ lệ hộ cận nghèo còn 7,5% (388 hộ)...
Thực hiện chuỗi liên kết sản xuất rau, màu, xã đã vận động nhân dân chuyển đổi 55 ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả và đang thực hiện dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững VnSAT với quy mô 2.500 ha. Mỹ Phú đang tập trung triển khai thực hiện Dự án chăn nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao với quy mô 357 ha thuộc địa bàn ấp Mỹ Phước. Đây là cơ hội, là điều kiện để xã thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Việc tạo quỹ đất để kêu gọi đầu tư của các công ty, doanh nghiệp là một chủ trương lớn của huyện, nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.
Đối với doanh nghiệp, đây là một lợi thế cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, quy mô đầu tư vùng nguyên liệu, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Về phía người dân, đây là cơ hội cho thuê đất dài hạn để có nguồn vốn phát triển thương mại dịch vụ, được đào tạo nghề, có việc làm, thu nhập ổn định, được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ... Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, người dân cho rằng giá thuê đất còn thấp, thời gian trả trước tiền thuê đất là 5 năm thì số tiền người dân nhận được khó có thể đầu tư, chuyển đổi ngành nghề, cần nâng lên 10-15 năm.
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy và sự chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, Mỹ Phú là 1 trong tổng số 13 xã, thị trấn thực hiện mô hình Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã. Kết quả bước đầu thực hiện mô hình cho thấy công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ được thực hiện tập trung thống nhất nên giải quyết công việc nhanh chóng, thuận lợi, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ đồng bộ, toàn diện, phân công công việc cho cán bộ hợp lý, hiệu quả; giảm được số lượng, thời gian hội họp ở xã. Tuy vậy, đồng chí Bí thư đồng thời là Chủ tịch xã nên phải dự nhiều hội nghị do cấp trên triệu tập, ảnh hưởng đến thời gian đi cơ sở. Bí thư Đảng uỷ đồng thời là Chủ tịch UBND xã phải có trình độ, bản lĩnh và năng lực toàn diện, phải giải quyết công việc chính xác và linh hoạt, phải quy tụ được cán bộ và quần chúng nhân dân, thể hiện được vai trò là trung tâm đoàn kết. Do đó, khi lựa chọn bố trí cán bộ giữ chức vụ này phải là người có đủ đức, đủ tài, tránh xảy ra tình trạng độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ.
* Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Tài ở phường Bình Khánh, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.
* Trước đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm cầu Cao Lãnh – cây cầu dây văng bắc qua sông Tiền sắp được hoàn thành, đi vào sử dụng, góp phần hình thành một trục dọc thứ 2 bên cạnh Quốc lộ 1 từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh Tây Nam bộ. Tới đây, cây cầu đi vào sử dụng, thay thế phà hiện hữu sẽ rút ngắn đáng kể thời gian lưu thông từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các địa phương trong vùng và ngược lại, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng và giảm ùn tắc trên quốc lộ 1, kết nối giao thông thông suốt, tạo động lực mạnh mẽ để phát triểnkinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh trong khu vực.