Theo lịch trình, cuối giờ chiều nay 22/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Ủy ban Thường vụ trình bày tờ trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Trong ngày mai, 23/10, Quốc hội bầu Chủ tịch nước, ngay sau đó, Chủ tịch nước tuyên thệ.
* Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Bình:
Việc Quốc hội bầu Chủ tịch nước với nhân sự được Trung ương Đảng giới thiệu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, là một việc làm được cử tri và nhân dân cả nước rất quan tâm. Trong đợt tiếp xúc cử tri vừa qua, nhiều cử tri bày tỏ mong muốn các đại biểu Quốc hội sẽ ủng hộ chủ trương của Trung ương Đảng về nhân sự Chủ tịch nước, bởi cử tri hiện rất quan tâm và ủng hộ cuộc chiến chống tham nhũng của Tổng Bí thư.
Tôi cũng cho rằng, việc Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước là việc cần thiết, định hướng được vai trò lãnh đạo của Đảng. Thứ hai, trong mở rộng quan hệ với các nước, sự chỉ đạo sẽ thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho quốc gia trong quá trình mở rộng quan hệ ngoại giao.
Thêm nữa, với việc Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước thì rất thuận lợi trong việc tạo ra sự thống nhất, nhất quán giữa vai trò và nhiệm vụ của hai chức danh trong quá trình thực hiện đường lối chủ trương của Đảng.
* Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội Đồng Tháp:
Phương án của Trung ương Đảng giới thiệu Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với đất nước chúng ta. Người dân cũng rất hài lòng, đồng tình ủng hộ việc Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước.
Tôi kỳ vọng và tin tưởng Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước xứng đáng với chức danh này và kỳ vọng của cử tri, Tổng Bí thư sẽ làm tốt công tác Đảng, Nhà nước và Quốc hội giao cho.
* Đại biểu Nguyễn Văn Chiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội:
Về công tác nhân sự, việc xem xét bầu Tổng Bí thư là vấn đề mà Hội nghị Trung ương 8 đã xem xét rất kỹ lưỡng, 100% các đại biểu đã tín nhiệm cao giới thiệu Tổng Bí thư để Quốc hội bầu cho chức danh Chủ tịch nước.
Thực hiện Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện phòng chống tham nhũng thì việc này đáp ứng yêu cầu đông đảo nhân dân cả nước. Cử tri đang trông chờ vào một sự chỉ đạo quyết liệt, từ đó phát huy hiệu quả trong việc phòng chống tham nhũng.
Về lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu cũng được cử tri rất quan tâm. Các báo cáo của những nhân sự được lấy phiếu đã được gửi đến đại biểu Quốc hội. Tôi thấy phần lớn báo cáo đánh giá rất cụ thể về những việc làm mình đã làm, chưa làm được và không làm được. Tuy nhiên, có một số báo cáo của các Bộ trưởng chỉ nêu thành tích hoạt động của mình chứ không nêu các hạn chế và giải pháp khắc phục các hạn chế đó trong thời gian tới.
Tuy nhiên, việc lấy phiếu tín nhiệm còn căn cứ vào hoạt động thực tế của các nhân sự trong thời gian qua, nhất là việc thực hiện lời hứa của các đại biểu.