Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước với nhân sự được Trung ương Đảng giới thiệu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Xin ông cho biết suy nghĩ của mình về vấn đề này?
Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này của Trung ương Đảng. Có thể nói, đây là sự kiện được nhân dân và cử tri cả nước bàn bạc, chờ đợi từ lâu. Bản thân tôi rất hào hứng. Chúng ta có một thời kì Bác Hồ vừa là Chủ tịch Đảng, vừa là Chủ tịch nước, đứng đầu Chính phủ. Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ rất ủng hộ thực hiện chủ trương này.
Một số ý kiến còn băn khoăn, một người vừa đứng đầu Đảng, vừa đứng đầu Nhà nước thì có phù hợp với Hiến pháp không, xin ông giải tỏa những băn khoăn đó?
Điều này không hề trái với Hiến pháp vì Hiến pháp không cấm Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước mà chỉ quy định những ai đủ tiêu chuẩn theo quy định của Hiến pháp thì được đưa ra giới thiệu Quốc hội xem xét bầu Chủ tịch nước. Như vậy, ý kiến điều này trái Hiến pháp là không đúng.
Đảng giới thiệu là thuộc quy định của Đảng. Đảng có quyền giới thiệu bất kì người nào mà Đảng thấy rằng có đủ phẩm chất và năng lực đứng đầu Nhà nước với tư cách nguyên thủ quốc gia. Chúng tôi hoàn toàn tôn trọng sự giới thiệu của Đảng vì Đảng lãnh đạo về công tác chính trị tư tưởng, tổ chức, cán bộ. Điều này đã được ghi nhận tại điều 4 Hiến pháp.
Đồng chí Tổng bí thư là Chủ tịch nước sẽ đặt ra nhiều vấn đề mới trong công tác tổ chức bộ máy, nhất là khi chúng ta đang nỗ lực tinh giản bộ máy các cấp. Ông kì vọng gì ở đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước?
Đồng chí Tổng Bí thư đứng đầu Đảng, giờ làm nguyên thủ quốc gia thì việc triển khai chủ trương, đường lối của Đảng sẽ nhanh gọn, chính xác hơn, có thể kiểm soát ngay chủ trương khi được đưa vào thực thi. Tổng Bí thư là Chủ tịch nước sẽ đứng đầu đối nội và đối ngoại của cả nước thì quá tốt, không có gì để phàn nàn.
Chủ tịch nước đại diện cho công tác đối nội và đối ngoại của Nhà nước, là người có quyền trình các dự án luật và pháp lệnh ra Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội, đồng thời là người kí ban hành Hiến pháp và các đạo luật, chịu trách nhiệm về vấn đề chỉ đạo, phê chuẩn các điều ước quốc tế theo thẩm quyền của nguyên thủ quốc gia. Trách nhiệm của Chủ tịch nước rất lớn, phải là người có đầy đủ phẩm chất và năng lực, làm việc vì Đảng vì dân.
Thứ nữa, người đứng đầu của Đảng đồng thời đứng đầu Nhà nước thì quá trình kiểm tra, giám sát, xử lý kỉ luật đảng viên làm cán bộ công chức nhà nước sẽ nhanh hơn, đảm bảo đúng đường lối của Đảng, thuận lợi hơn nhiều so với việc mỗi đồng chí đứng đầu một lĩnh vực khác nhau.
Tuy nhiên, vừa đứng đầu cơ quan Đảng, vừa đứng đầu Nhà nước thì đồng chí phải phân phối thời lượng làm việc, cần có bộ máy tham mưu tốt hơn cho đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.
Vai trò của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trong việc nâng cao uy tín của Đảng là gì, thưa ông?
Đồng chí Tổng Bí thư hiện tại là người đứng đầu cơ quan phòng chống tham nhũng, giờ làm Chủ tịch nước thì đương nhiên sẽ được Bộ Chính trị cử làm Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp TƯ. Muốn chống tham nhũng được thì công tác tư pháp phải cực mạnh, phải là “bà đỡ” cho nền kinh tế xã hội để giải quyết vi phạm pháp luật, đảm bảo công lý.
Ngoài ra, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước sẽ là người đưa vào triển khai và kiểm soát quá trình thực hiện đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đây là điều kiện quan trọng để kiểm soát Chính phủ và cả cơ quan tư pháp, vì Chủ tịch nước là chế định đặc biệt, vừa đứng ở vị trí lập pháp, vừa đứng ở vị trí hành pháp và tư pháp nên tâm điểm của quyền lực này sẽ giúp Chủ tịch nước kiểm soát rất tốt tất cả các vấn đề đối nội, đối ngoại.
Ông vừa nhắc tới "tâm điểm của quyền lực", vậy kiểm soát quyền lực này như thế nào để tránh xảy ra độc đoán, chuyên quyền?
Thứ nhất, độc đoán, chuyên quyền thuộc về phẩm chất chứ không phải nằm trong nội tại thể chế. Cần phải lựa chọn người cán bộ tốt, không độc đoán, chuyên quyền. Nếu họ là cán bộ không tốt thì cho dù cơ chế, thể chế tốt đến đâu thì họ vẫn độc đoán, chuyên quyền.
Thời gian qua, Tổng Bí thư đã đưa ra những thông điệp rất quyết liệt về thực hiện dân chủ và phòng chống tham nhũng. Về mặt cá nhân đồng chí Tổng Bí thư, chúng tôi tin tưởng đồng chí là người đủ phẩm chất, năng lực để làm công tác lãnh đạo, là người thực hiện dân chủ, chống độc đoán trong Đảng và Nhà nước.
Thứ hai, thể chế của chúng ta là công khai, dân chủ, minh bạch. Quốc hội là cơ quan cao nhất giám sát hoạt động của Chủ tịch nước. Ở đây đồng chí Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước thì vô hình trung, Quốc hội còn giám sát cả hoạt động của Tổng Bí thư nữa nên không lo ngại độc đoán, chuyên quyền.
Tôi vẫn nhấn mạnh điều đầu tiên, quan trọng nhất là người cán bộ.
Là đại biểu của nhân dân, trước khi bỏ lá phiếu bầu Chủ tịch nước, ông đã lắng nghe những ý kiến, nguyện vọng như thế nào của cử tri?
Cử tri gửi gắm thực hiện đúng ý nguyện của cử tri là bỏ lá phiếu bầu Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đồng thời giao trách nhiệm cho chúng tôi tiếp tục giám sát đồng chí Chủ tịch nước thực hiện quyền hạn và trách nhiệm của mình theo quy định của Hiến pháp.
Xin cám ơn ông!