Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn báo cáo:
"Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí lão thành cách mạng!
Kính thưa Quốc hội!
Kính thưa đồng bào và cử tri cả nước!
Theo chương trình Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã gửi đến Quốc hội 40 báo cáo, tờ trình, tài liệu trên nhiều lĩnh vực, trong đó có Báo cáo đầy đủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2023. Được sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, tôi xin báo cáo Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước một số nội dung chủ yếu như sau:
I. ĐÁNH GIÁ BỔ SUNG KẾT QUẢ NĂM 2022 VÀ TÌNH HÌNH KTXH NHỮNG THÁNG ĐẦU NĂM 2023
1. Về đánh giá bổ sung kết quả năm 2022
Tại Kỳ họp thứ 4, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và ước cả năm 2022. Trong những tháng cuối năm 2022, Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ.Tập trung kiểm soát dịch COVID-19; tích cực giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy công tác quy hoạch, liên kết vùng, xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; bảo đảm quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Tình hình kinh tế - xã hội những tháng cuối năm tiếp tục phục hồi, đóng góp vào kết quả chung của cả năm 2022. Những nhận định, đánh giá Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 cơ bản phù hợp. Đặc biệt, trong bối cảnh rất khó khăn, chúng ta vẫn thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế[1]; đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kế hoạch[2], trong đó nhiều chỉ tiêu tốt hơn số đã báo cáo Quốc hội, như: GDP năm 2022 tăng 8,02% (đã báo cáo là 8%); GDP bình quân đầu người đạt 4.109 USD (đã báo cáo là 4.075 USD); CPI bình quân tăng 3,15%(đã báo cáo là khoảng 4%); thu NSNN đạt 1.815,5 nghìn tỷ đồng, cao hơn số đã báo cáo là 201,4 nghìn tỷ đồng (tăng 12,5%), đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, thực hiện chính sách an sinh xã hội, cải cách tiền lương và các nhiệm vụ cấp thiết khác. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 371,3 tỷ USD (đã báo cáo là 368 tỷ USD); xuất siêu đạt trên 12,4 tỷ USD (đã báo cáo là khoảng 1 tỷ USD). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 3.219,8 nghìn tỷ đồng (cao hơn số đã báo cáo18,3 nghìn tỷ đồng); vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% (đã báo cáo 6,4-11,5%). Các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia tiếp tục giảm và trong giới hạn an toàn (tỷ lệ nợ công là 38% GDP; nợ Chính phủ là 34,7% GDP; nợ nước ngoài là 36,8% GDP).
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống người dân tiếp tục được cải thiện; đến hết năm 2022 đã hỗ trợ gần 104,5 nghìn tỷ đồng cho trên 1,41 triệu lượt người sử dụng lao động và trên 68,43 triệu lượt người lao động gặp khó khăn[3]; đồng thời xuất cấp 25 nghìn tấn gạo, hỗ trợ cho 492 nghìn hộ với hơn 1,6 triệu nhân khẩu. Quốc phòng, an ninh được củng cố; chủ quyền quốc gia được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế được tăng cường, phát huy hiệu quả; uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng lên. Giá trị thương hiệu quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới giai đoạn 2019-2022 (tăng 74%), năm 2022 đạt 431 tỷ USD, xếp thứ 32 trong nhóm 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế uy tín là Moody’s, S&P và Fitch đều duy trì, nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam (Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng “ổn định”; S&P nâng từ mức BB lên BB+, triển vọng “ổn định”; Fitch duy trì ở mức BB với triển vọng “tích cực”). Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định Việt Nam là một điểm sáng trong “bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động nhanh, rất phức tạp và khó lường, những kết quả đạt được của năm 2022 là rất đáng trân trọng như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định tại Hội nghị Chính phủ với địa phương (ngày 3/1/2023): Nhờ có quyết tâm cao và sự nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ: Vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả”.
Tuy nhiên, nước ta vẫn còn những hạn chế, khó khăn; trong đó có 2 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch[4]; giải ngân vốn đầu tư công và triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt yêu cầu; công tác lập quy hoạch còn chậm; nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong huy động, tiếp cận vốn, chi phí sản xuất kinh doanh tăng, thị trường sản phẩm xuất khẩu bị thu hẹp; những bất cập tích tụ kéo dài của các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp chưa được xử lý thực sự hiệu quả. Bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh mạng, trật tự an toàn xã hội, chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân còn những bất cập. Việc tháo gỡ vướng mắc trong quy định pháp luật, cơ chế, chính sách, ách tắc trong thực thi công vụ cần nỗ lực hơn nữa; kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi chưa nghiêm. Phản ứng chính sách, công tác phối hợp trong một số trường hợp còn chậm, thiếu quyết liệt, bị động, lúng túng, hiệu quả chưa cao...
2. Về tình hình, kết quả triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2023
2.1. Bối cảnh
Từ đầu năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia, khu vực trên phạm vi toàn cầu, nhất là: hậu quả của dịch COVID-19 kéo dài; xung đột ở Ukraina, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; lạm phát ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài dẫn đến suy giảm tăng trưởng, sụt giảm nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước, đối tác lớn[5]; rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế gia tăng[6]; những thách thức về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an ninh năng lượng, lương thực, đói nghèo ngày càng lớn và tác động, ảnh hưởng ngày càng nặng nề đến người dân.
Ở trong nước, chúng ta có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Nước ta là nền kinh tế đang phát triển, đang trong quá trình chuyển đổi, có độ mở lớn, quy mô còn khiêm tốn, sức chống chịu, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, năng suất lao động chưa cao nên chịu tác động mạnh từ bên ngoài trên nhiều lĩnh vực, nhất là về xuất khẩu, thương mại, đầu tư, tài chính, tiền tệ, tỷ giá, lãi suất; các chuỗi cung ứng bị đứt gãy; thu hút FDI bị ảnh hưởng do đầu tư toàn cầu sụt giảm; cạnh tranh trên thị trường quốc tế gia tăng… Trong khi đó, những hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế kéo dài nhiều năm đã bộc lộ rõ hơn trong điều kiện khó khăn như các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, các ngân hàng yếu kém...
----------------------------------------------------------------
[1] Trong đó: (i) Thu đủ chi, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2022 ước đạt 1.815,5 nghìn tỷ đồng, tăng 28,6% so với dự toán; (ii) Xuất đủ nhập, xuất siêu 12,4 tỷ USD; (iii) Làm đủ ăn, xuất khẩu trên 7,1 triệu tấn gạo (trị giá 3,45 tỷ USD), gần 55 tỷ USD hàng nông sản; (iv) An ninh năng lượng được bảo đảm; (v) Thị trường lao động phục hồi tốt; cơ bản bảo đảm cung cầu lao động.
[2] Có 07 chỉ tiêu vượt là: (1) Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (đạt 8,02% so với kế hoạch là khoảng 6-6,5%); (2) GDP bình quân đầu người (đạt 4.109 USD so với kế hoạch là 3.900 USD); (3) Số bác sĩ trên 10.000 dân (đạt 11,1 bác sĩ so với kế hoạch là 9,4 bác sĩ); (4) Số giường bệnh trên 10.000 dân (đạt 31 giường so với kế hoạch là 29,5 giường); (5) Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (đạt 92,03% so với kế hoạch là 92%); (6) Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 73,06% so với kế hoạch là 73%); (7) Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn (đạt 96,28% so với kế hoạch là 89%).
Có 06 chỉ tiêu đạt là: (1) Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân (đạt 3,15%); (2) Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội (đạt 27,5%); (3) Tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ (đạt 27%); (4) Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị (đạt 2,79%); (5) Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo (đạt 1,17%); (6) Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường (đạt 91%).
[3] Thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và bảo đảm an sinh xã hội từ năm 2020 đến hết năm 2022 theo Nghị quyết 42/NQ-CP (ngày 09/4/2020), Nghị quyết 116/NQ-CP (ngày 24/9/2021), Nghị quyết 68/NQ-CP (ngày 01/7/2021), Quyết định 08/2022/QĐ-TTg (ngày 28/3/2022).
[4] Gồm: (i) Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt 24,76% (kế hoạch là 25,5-25,8%) và (ii)Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt 4,8% (kế hoạch là khoảng 5,5%).
[5] GDP quý I của một số nước: Mỹ tăng 1,6% so với cùng kỳ; EU tăng 1,3%, mức tăng thấp nhất kể từ quý 2 năm 2021; Hàn Quốc tăng 0,8%, mức tăng thấp nhất kể từ quý 1 năm 2021; Nhật Bản tăng 1,6%; Singapore tăng 0,1%, tốc độ tăng thấp nhất kể từ quý 1 năm 2021; Thái Lan tăng 2,7%.
[6] Thời gian gần đây, ngân hàng Credit Suisse có nguy cơ phá sản và buộc phải sáp nhập vào ngân hàng UBS (Thụy Sĩ); có liên tiếp 3 ngân hàng ở Mỹ đã phá sản là: First Republic Bank, Silicon Valley Bank và Signature Bank; tình hình thị trường bất động sản khó khăn, doanh số bán nhà sụt giảm mạnh ở Mỹ, Canada, Trung Quốc…
2.2. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành
Thực hiện Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, nhất là Kết luận số 46-KL/TW ngày 23/12/2022 của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế vĩ mô và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới và các Nghị quyết của Quốc hội[1], ngay từ đầu năm Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đã triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, trong đó tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Tổ chức các Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng trên cả nước gắn với xúc tiến đầu tư vùng, địa phương. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp, buổi làm việc, chuyến công tác, tham vấn ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế[2]; rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật và đưa ra các cơ chế, chính sách, giải pháp thuộc thẩm quyền nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tổ chức 05 Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm quốc gia; gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền sử dụng đất[3], báo cáo cấp có thẩm quyền về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và đang xây dựng phương án về thuế tối thiểu toàn cầu[4]; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn nợ[5]; quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản[6]; giao nhiệm vụ cho từng thành viên Chính phủ trực tiếp làm việc với các địa phương để nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững; tích cực xây dựng, hoàn thiện và phê duyệt các quy hoạch, ban hành Quy hoạch điện VIII [7]; tháo gỡ khó khăn trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế[8]; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh [9]; thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) [10]; mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu [11], du lịch, giải quyết các vấn đề về lao động, việc làm và đời sống người dân [12]. Tập trung chỉ đạo xử lý các dự án tồn đọng kéo dài (trong đó có 8/12 dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, 06 ngân hàng thương mại yếu kém…); phát huy vai trò của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước [13]. Đồng thời, chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, củng cố quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế.
2.3. Kết quả đạt được những tháng đầu năm 2023
a) Về kinh tế
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm[14]. Trong điều kiện rất khó khăn,GDP quý I vẫn duy trì đà tăng trưởng nhưng không cao, chỉ đạt 3,32% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng giảm, bình quân 4 tháng tăng 3,84% [15]. Thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại tệ cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm, trong đó lãi suất cho vay bình quân giảm 0,7% so với cuối năm 2022 [16]; thanh khoản của hệ thống ngân hàng được bảo đảm; thanh toán không dùng tiền mặt đạt kết quả tích cực [17]. Thu ngân sách nhà nước 4 tháng ước đạt 632,5 nghìn tỷ đồng, bằng 39% dự toán năm. Xuất siêu 7,56 tỷ USD (cùng kỳ xuất siêu 2,25 tỷ USD). Giải ngân vốn đầu tư công tăng 15 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ. Đã công bố Quy hoạch tổng thể quốc gia và phê duyệt nhiều quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh, thành phố [18]. Khu vực nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, khẳng định vai trò trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế trong khó khăn; sản lượng lúa 4 tháng đạt 12,6 triệu tấn; xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực [19]. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) phục hồi trong tháng 4, tăng 3,6% so với tháng 3 và tăng 0,5% so với cùng kỳ. Thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng tăng 12,8%; thu hút 3,7 triệu lượt khách quốc tế.Các tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá và dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 và thời gian tới [20].
Tập trung triển khai nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia (khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc-Nam với tổng chiều dài 723,7 km [21]; tháng 6/2023 sẽ phấn đấu khởi công đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, vành đai 4 Hà Nội; thúc đẩy tiến độ Cảng hàng không quốc tế Long Thành...); hoàn thành, đưa vào sử dụng 310 km đường bộ cao tốc (các tuyến: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây, Nha Trang - Cam Lâm, Phan Thiết - Vĩnh Hảo) và một số tuyến đường bộ ven biển (Quảng Ninh, Phú Yên, Bình Thuận, Bình Định) [22]. Nhiều vấn đề, dự án tồn đọng, kéo dài được tích cực xử lý, đạt kết quả bước đầu; khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, Thái Bình 2 sau nhiều năm bị gián đoạn; đang tích cực triển khai các Kết luận của Bộ Chính trị về cơ cấu lại Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các ngân hàng thương mại yếu kém; 3 nhà máy đạm đang cơ cấu lại nợ vay, bước đầu đã có lãi (Hà Bắc, Ninh Bình và DAP số 2 Lào Cai)...
b) Về văn hóa, xã hội và môi trường
Tiếp tục thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội [23]. Tổ chức Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 vui tươi, đầm ấm, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, bảo đảm mọi người, mọi nhà đều có Tết [24]. Thị trường lao động được chú trọng phát triển [25]; tăng cường kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm và lần đầu tiên triển khai thí điểm sàn giao dịch làm việc trực tuyến toàn quốc; kịp thời hỗ trợ người dân, người lao động bị mất việc, giảm giờ làm [26]. Quan tâm phát triển nhà ở xã hội, ban hành Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp và đang tích cực triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng.
Tập trung kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác; có giải pháp từng bước xử lý dứt điểm những vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; nâng phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở lên mức 100%. Triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018; bảo đảm tiến độ chương trình, nội dung năm học 2022-2023; tiếp tục triển khai mô hình giáo dục đại học số; chuẩn bị tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023. Chỉ đạo thực hiện kế hoạch tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế giáo viên, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên. Tích cực triển khai Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo không ngừng được lan tỏa [27]. Thị trường khoa học công nghệ có bước phát triển; việc xác lập sở hữu trí tuệ được tăng cường [28]. Chỉ đạo đánh giá thí điểm và hoàn thiện Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII).
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng. Nhiều lễ hội truyền thống và hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra sôi động; tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị, chương trình, hoạt động nghệ thuật đặc sắc, ý nghĩa nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng; 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam, 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước… Các chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, chăm sóc người cao tuổi, bảo vệ trẻ em, gia đình, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được quan tâm [29]. Thể thao thành tích cao tiếp tục được đẩy mạnh; đặc biệt, đoàn Việt Nam đạt kết quả nhất toàn đoàn tại SEA Games 32 [30]. Xếp hạng về Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 12 bậc, từ vị trí thứ 77 năm 2022 lên thứ 65 năm 2023 trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới của Liên hợp quốc.
-----------------------------------------------------------------
[1] Các Nghị quyết của Quốc hội: số 68/2022/QH15 ngày 10/11/2022 về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; số 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023; số 70/2022/QH15 về phân bổ NSTW năm 2023…
[2] Trong 4 tháng đầu năm 2023, đã tổ chức 398 cuộc họp; 110 Hội nghị và buổi lễ; 78 cuộc tiếp khách quốc tế và đi công tác nước ngoài do Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng chủ trì.
[3] Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 của Chính phủ gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023.
[4] Đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng; thành lập tổ công tác, tổ chức hội thảo, tham vấn chuyên gia và xây dựng phương án trình các cấp có thẩm quyền về thuế tối thiểu toàn cầu.
[5] Ngày 23/4/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
[6] Chính phủ đã ban hành: Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, ngưng hiệu lực một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
[7] Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
[8] Trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15 ngày 09/01/2023 về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024; ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP ngày 03/3/2023, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày về quản lý trang thiết bị y tế; ban hành Thông tư số 06/2023/TT-BYT ngày 12/3/2023 của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.
[9] Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phân cấp 699 thủ tục hành chính trên 100 lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành. Các bộ, cơ quan ngang bộ đã thực thi phương án phân cấp 81 thủ tục hành chính tại 15 văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, đơn giản hóa đối với 59 nhóm TTHC trọng tâm ưu tiên trên 12 lĩnh vực.
[10] Đã cấp hơn 80 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử, kích hoạt trên 8,5 triệu tài khoản VNeID; hoàn thành tích hợp 21/25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu.
[11] Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng: Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương tổ chức nhiều cuộc họp kết nối các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp với các Đại sứ quán, Thương vụ của ta ở nước ngoài.
[12] Tổ chức các hội nghị của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy thị trường lao động, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…
[13] Báo cáo Bộ Chính trị ban hành các Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về tổng kết tình hình thực hiện Thông báo số 40-TB/TW ngày 14/9/2017; trên cơ sở đóThủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 06/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp đổi mới hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy nguồn lực đầu tư của 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc, thực sự trở thành “lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước”.
[14] Trong đó: (i) Về NSNN: Thu đủ chi, thu NSNN 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 632,5 nghìn tỷ đồng, bằng 39% dự toán, trong khi đã thực hiện chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất từ giữa tháng 4; (ii) Về xuất nhập khẩu: Xuất đủ nhập, 4 tháng đầu năm xuất siêu 7,56 tỷ USD; (iii)Về an ninh lương thực: Làm đủ ăn, xuất khẩu gần 3 triệu tấn gạo, trị giá 1,56 tỷ USD, tăng 43,6% về lượng và tăng 54,5% về trị giá so với cùng kỳ; (iv) An ninh năng lượng được bảo đảm; (v)Cơ bản bảo đảm cân đối cung cầulao động.
[15] CPI tháng 4 giảm 0,34% so với tháng 3, bình quân 4 tháng tăng 3,84% (so với tháng 1 tăng 4,89%, bình quân 2 tháng tăng 4,6%, bình quân 3 tháng tăng 4,18% so với cùng kỳ).
[16] Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 02 lần giảm các mức lãi suất điều hành từ 0,5-1%/năm vào giữa tháng 3 và đầutháng 4/2023.
[17] Trong quý I/2023 số giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 53,51% về số lượng so với cùng kỳ. Tổng số tài khoản Mobile-Money được đăng ký và sử dụng là hơn 3,71 triệu tài khoản; gần 8,88 nghìn điểm kinh doanh được thiết lập; 15,3 nghìn đơn vị chấp nhận thanh toán; tổng số lượng giao dịch qua tài khoản Mobile-Money là hơn 24,37 triệu giao dịch với tổng giá trị giao dịch hơn 1.577 tỷ đồng.
[18] Đến nay, đã có 62/111 quy hoạch cấp quốc gia, quy hạch vùng, quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong (trong đó có 18/111 quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt; 08/111 quy hoạch đang làm thủ tục phê duyệt; 36/111 quy hoạch đã thẩm định xong và đang trong quá trình hoàn thiện); 12 quy hoạch đang được thẩm định; 29 quy hoạch đang trong quá trình xây dựng dự thảo và lấy ý kiến; 07 quy hoạch đang lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch và 01 quy hoạch chưa thực hiện do không đủ điều kiện.
[19] Tính đến hết tháng 4/2023, cả nước có 6.009 xã (73,2%) đạt chuẩn nông thôn mới; 257 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố và 5 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới.
[20] IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam khoảng 5,8%; WB dự báo tăng 6,3%; OECD dự báo tăng 6,5%.
[21] Tổ chức khởi công vào ngày 01/01/2023 ở các địa phương trải dài cả 3 miền của đất nước.
[22] Đồng thời, đưa vào khai thác hạ tầng khu kinh tế Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), hồ thủy lợi Đồng Mít (Bình Định), Ea H‘Leo (Đắk Lắk), Khánh thành đưa vào sử dụng nhà ga hành khác T2 cảng hàng không quốc tế Phú Bài...
[23] Tặng quà cho 1,5 triệu đối tượng là người có công với cách mạng, tổng kinh phí 460,6 tỷ đồng. Trợ cấp thường xuyên hằng tháng cho trên 1,1 triệu đối tượng người có công và trên 3,3 triệu đối tượng bảo trợ xã hội.
[24] Kinh phí trợ giúp Tết của 63 địa phương là khoảng 9,5 nghìn tỷ đồng; xuất cấp 18,3 nghìn tấn gạo cứu trợ, cứu đói trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm cho gần 205 nghìn hộ với 1,2 triệu nhân khẩu.
[25] Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số: 06/NQ-CP ngày 10/01/2023 về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh KTXH. Trong 3 tháng đầu năm, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 37.923 lao động, đạt 34,48% kế hoạch năm.
[26] Tổng liên đoàn lao động Việt Nam triển khai hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động với mức hỗ trợ từ 1-3 triệu đồng đối với đoàn viên công đoàn, từ 0,7-2,1 triệu đồng đối với người lao động không là đoàn viên công đoàn.
[27] Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2023, thu hút hàng nghìn dự án, ý tưởng khởi nghiệp.
[28] Trong 2 tháng đầu năm đã cấp thêm 2.713 văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ.
[29] Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định: Số 1654/QĐ-TTg ngày 30/12/2022, số 14/QĐ-TTg, số 15/QĐ-TTg, số 16/QĐ-TTg, số 18/QĐ-TTg ngày 13/01/2023 và số 21/QĐ-TTg ngày 18/01/2023 hỗ trợ gạo cho gần 200 nghìn hộ với 1,2 triệu nhân khẩu người dân dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt cho 17 tỉnh với 18 nghìn tấn gạo.
[30] Đoạt 355 Huy chương, gồm: 136 Huy chương Vàng, 105 Huy chương Bạc và 114 Huy chương Đồng.
c) Về xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí
Chính phủ tổ chức 4 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật trong 4 tháng đầu năm 2023, lũy kế lên 16 phiên tính từ đầu nhiệm kỳ; chỉ đạo chuẩn bị 20 dự án luật, pháp lệnh phục vụ Kỳ họp bất thường thứ 2, Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV; tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội [1]. Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) một cách toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả [2]. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính [3]; sắp xếp, kiện toàn bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian [4]. Chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của đất nước, của Nhân dân [5]. Công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được đẩy mạnh, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân. Chuyển đổi số quốc gia được đẩy mạnh ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực, nhất là Đề án 06 và xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia [6].
d) Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại
Quốc phòng an ninh được củng cố; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình, không để bị động, bất ngờ; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là về ma túy, buôn lậu, buôn bán người qua biên giới, trên biển, vượt nhiều chỉ tiêu Quốc hội giao [7], tạo chuyển biến tích cực về trật tự an toàn xã hội, góp phần từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh. Tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy; xử lý nghiêm hành vi sử dụng rượu, bia, chất kích thích khi điều khiển các phương tiện giao thông; tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí [8]. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai chủ động, tích cực, hiệu quả, toàn diện. Thực hiện hiệu quả các chương trình đối ngoại cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước [9], góp phần tích cực đưa quan hệ hợp tác song phương vào chiều sâu, thực chất và phát huy vai trò tại các diễn đàn đa phương. Ngoại giao kinh tế được tập trung chỉ đạo và đạt nhiều kết quả, góp phần thu hút nguồn lực phục vụ phát triển; hoà tất đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Israel. Kịp thời triển khai lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, góp phần nâng cao uy tín và hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.
2.4. Về tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức
Tăng trưởng GDP quý I năm 2023 (đạt 3,32%) thấp hơn cùng kỳ (5,03%); trong đó nhiều địa phương sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp, thậm chí có địa phương tăng trưởng âm so với cùng kỳ [10]. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của ta bị thu hẹp [11]; nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng. Thu ngân sách nhà nước có xu hướng giảm [12]; mặc dù số tuyệt đối tăng nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng mới đạt 15,65% kế hoạch năm, thấp hơn so với cùng kỳ (18,48%). Vốn FDI đăng ký mới giảm 17,9%, vốn thực hiện giảm 1,2%. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng [13].
Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tuy có nhiều cố gắng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Do tích tụ bất cập nhiều năm, các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiếp tục gặp khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Việc triển khai một số chính sách của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội còn chậm.
Chất lượng lao động có lúc, có nơi chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều người lao động chưa có bằng cấp, chứng chỉ [14], còn hiện tượng mất cân đối cung cầu cục bộ; xuất hiện tình trạng người lao động mất việc làm tại một số địa phương, khu công nghiệp; tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên còn cao [15]; số người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng [16].
Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo. Vẫn còn xảy ra những vụ việc bạo lực học đường, xâm hại trẻ em gây bức xúc trong dư luận xã hội. Dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp;an ninh, trật tự an toàn xã hội trên một số địa bàn tiềm ẩn nguy cơ; tệ nạn xã hội, tội phạm công nghệ cao, tội phạm mạng diễn biến tinh vi, phức tạp…
2.5. Về nguyên nhân
Những kết quả đạt được là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sâu sát, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự ủng hộ, đồng hành và giám sát của Quốc hội; sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành đúng hướng, quyết liệt, thống nhất, bài bản, khoa học, sát thực tiễn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, vào cuộc, chia sẻ, tin tưởng, tích cực tham gia của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
Những hạn chế, bất cập nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó chủ yếu là do tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều diễn biến chưa có tiền lệ, vượt dự báo, gây khó khăn, tạo áp lực lớn lên công tác chỉ đạo điều hành. Nền kinh tế có độ mở lớn, trong khi năng lực nội tại còn thấp, sức chống chịu và tính cạnh tranh chưa cao nên chịu tác động, ảnh hưởng lớn bởi các yếu tố bên ngoài. Những tồn tại, yếu kém nội tại nền kinh tế kéo dài từ lâu đến nay mới dần bộc lộ rõ trong điều kiện khó khăn, nhất là các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng yếu kém. Công tác phân tích, dự báo và phản ứng chính sách trong một số trường hợp còn chưa kịp thời, hiệu quả. Một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, kịp thời, nhạy bén, bên cạnh đó còn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai...
2.6. Về bài học kinh nghiệm
(1) Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phải luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, sự vào cuộc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết nhất trí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân theo đúng tinh thần "Tiền hô hậu ủng", "Nhất hô bá ứng", "Trên dưới đồng lòng", "Dọc ngang thông suốt". Phát huy tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. Kiên định, nhất quán, bình tĩnh, giữ vững nguyên tắc trước những vấn đề khó khăn, thách thức mới.
(2) Bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Phải bao quát, toàn diện, nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện bất cập, những vấn đề mới phát sinh, có phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, phù hợp, hiệu quả. Tổ chức thực hiện quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, thống nhất, xuyên suốt, hiệu quả. Đối với những vấn đề lớn, khó, phức tạp, hệ trọng, cấp bách, nhạy cảm, chưa có tiền lệ, còn nhiều ý kiến khác nhau, thì cần phải đưa ra thảo luận một cách dân chủ, thẳng thắn; cân nhắc cẩn trọng, kỹ lưỡng để có những quyết định kịp thời, đúng đắn, chính xác và phù hợp với tình hình. Giải quyết công việc theo đúng thẩm quyền; báo cáo kịp thời, đầy đủ với cấp có thẩm quyền những vấn đề vượt thẩm quyền; không đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm.
(3) Phát huy tinh thần tự lực, tự cường; càng khó khăn, thách thức, càng phải nỗ lực phấn đấu vươn lên. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; kết hợp hài hòa, chặt chẽ, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và bên ngoài, giữa trung ương và địa phương, giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
(4) Phải giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao năng lực thực thi gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Phát huy tính chủ đạo và định hướng của Trung ương, tính chủ động, linh hoạt của địa phương, người dân, doanh nghiệp.
(5) Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là động lực và mục tiêu của sự phát triển. Đẩy mạnh truyền thông, tạo đồng thuận xã hội. Phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng phát triển, vươn lên từ sức mạnh nội lực là cơ bản, quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá.
-------------------------------------------------------------------------
[1] Đã ban hành 31 văn bản quy phạm pháp luật (19 nghị định và 12 quyết định quy phạm của Thủ tướng Chính phủ), 77 nghị quyết của Chính phủ, 498 quyết định cá biệt và 27 công điện, 11 chỉ thị, 398 công văn.
[2] Đến nay đã có trên 12 triệu lượt ý kiến.
[3] Các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2,2 nghìn quy định kinh doanh tại 175 văn bản quy phạm pháp luật; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa gần 1,1 nghìn quy định của 10 bộ, cơ quan; các bộ, ngành đã công khai, cập nhật hơn 17,8 nghìn quy định kinh doanh. Cung cấp hơn 4,4 nghìn dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Cổng Thông tin một cửa quốc gia, một cửa ASEAN đã thực hiện 250/261 dịch vụ công trực tuyến của 13 bộ, ngành với hơn 55 nghìn doanh nghiệp tham gia.
[4] Đã ban hành 25/26 Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; giảm được 17 tổng cục và tổ chức tương, giảm 08 cục thuộc tổng cục và thuộc Bộ, giảm 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc Bộ, giảm 711 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh và cấp huyện, giảm 2.159 tổ chức phòng và tương đương tại 63 tỉnh, thành phố.
[5] Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương.
[6] Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chia sẻ, làm sạch dữ liệu với 13 bộ, ngành, 63 địa phương, 03 doanh nghiệp viễn thông và EVN bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”. Xử lý quyết liệt tình trạng SIM rác: Tiếp nhận 95,6 triệu yêu cầu xác thực thông tin thuê bao, trong đó làm sạch, đồng bộ 78,1 triệu thông tin (81,6%).
[7] Trong 4 tháng đầu năm 2023, lực lượng Công an đã điều tra, làm rõ 12.308 vụ, đạt tỷ lệ 82,79% (cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra 7,79%); triệt phá 82 băng, nhóm tội phạm. Phát hiện, xử lý 1.960 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế; 292 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ; 9.766 vụ phạm tội về ma túy; 210 vụ phạm tội về môi trường, an toàn thực phẩm.
[8] Trong 4 tháng đầu năm, số vụ tai nạn giao thông giảm 17%; số người chết giảm 16,7%; số người bị thương giảm 5,7% so với cùng kỳ.
[9] Đã triển khai 17 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt gồm 07 đoàn ra, 05 đoàn vào, 04 cuộc hội đàm trực tuyến, điện đàm và 01 Hội nghị đa phương trực tuyến.
[10] Trong quý I năm 2023, GRDP các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi giảm lần lượt 11,85%, 10,88%, 4,75%, 2,47%, 1,07% so với cùng kỳ.
[11] Quý I năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giảm 10%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 8,4% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 10,5%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa giảm 15,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 14,7% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 16%.
[12] Lũy kế 4 tháng thu ngân sách nhà nước đạt 632,5 nghìn tỷ đồng, bằng 39% dự toán, bằng 93,1% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu nội địa tháng 1 đạt 16,1%; tháng 2 đạt 7,1%; tháng 3 đạt 8,6%; tháng 4 đạt 7,6% dự toán.
[13] Trong 4 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động là 78,9 nghìn, giảm 2,0%; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể là 77,0 nghìn, tăng 25,1% so với cùng kỳ.
[14] Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện có khoảng 38,1 triệu lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên.
[15] Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong quý I/2023 là 7,61%.
[16] Số người nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần trong 4 tháng đầu năm tăng 19,02% so với cùng kỳ.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỜI GIAN TỚI
Tình hình thế giới thời gian tới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng nặng nề trên nhiều lĩnh vực, như đã nêu trên. Ở trong nước, chúng ta có những cơ hội, thuận lợi nhờ nền tảng chính trị, xã hội và kinh tế vĩ mô ổn định; một số chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh được triển khai thực hiện; nhiều dự án, công trình lớn được đưa vào khai thác, sử dụng, góp phần gia tăng năng lực sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức còn rất lớn, nền kinh tế tiếp tục chịu “tác động kép” từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm. Chúng ta vừa phải thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao; vừa phải tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài và kịp thời ứng phó với những vấn đề cấp bách, mới phát sinh. Bối cảnh đó đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phải nỗ lực vượt khó, khắc phục hạn chế, bất cập, phát huy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, tư tưởng chỉ đạo trong Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; trong đó chú trọng những nội dung trọng tâm sau:
1. Tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Nắm chắc tình hình, tăng cường phân tích, dự báo, kịp thời đưa ra chính sách phù hợp, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ về chiến lược, chuyển trạng thái đột ngột. Tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Tập trung cho các động lực tăng trưởng (về tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu); tận dụng tốt các cơ hội và tạo không gian phát triển mới.
Thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Điều hành tỷ giá, lãi suất linh hoạt, phù hợp; tập trung chỉ đạo hệ thống ngân hàng tiết giảm chi phí, phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay; bảo đảm thanh khoản hệ thống các tổ chức tín dụng; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai hiệu quả gói tín dụng nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng. Tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên. Nghiên cứu, đề xuất Quốc hội về phương án đối với thuế tối thiểu toàn cầu và việc miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí một cách phù hợp, hiệu quả.
Tập trung phát triển mạnh và phát huy vai trò của thị trường trong nước; thực hiện hiệu quả các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa; đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng xuất khẩu; tận dụng cơ hội của các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định FTA mới (trong đó Hiệp định FTA với Israel dự kiến ký kết trong tháng 6/2023). Đẩy nhanh hoàn thuế giá trị gia tăng để góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu. Tăng cường quản lý thị trường, giá cả, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại; thực hiện lộ trình giá thị trường đối với các dịch vụ giáo dục, y tế… gắn với hỗ trợ phù hợp đối tượng chính sách, người nghèo.
2. Đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án Luật, Nghị quyết trình Quốc hội; rà soát, tháo gỡ các bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật. Tập trung tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao đạo đức công vụ; tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; thực hiện lộ trình cải cách tiền lương[1]. Khẩn trương hoàn thiện cơ chế về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; xử lý nghiêm cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh khi thực thi công vụ. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, thực hiện hiệu quả Đề án 06, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp[2]. Đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, truy tố để đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện tốt công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở. Sớm giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố.
3. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2023 đạt tối thiểu 95%; đồng thời chú trọng thu hút các nguồn vốn đầu tư và khuyến khích các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, tài nguyên, bãi đổ thải… Thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng. Chủ động rà soát điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, còn thiếu vốn. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Quốc hội việc tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư để đẩy nhanh triển khai dự án. Đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn, phòng, chống biến đổi khí hậu. Tích cực tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường bất động sản, nhà ở xã hội[3]; rà soát, tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án bất động sản, hỗ trợ khôi phục dòng tiền cho doanh nghiệp.
4. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tăng cường nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tập trung làm tốt và đẩy nhanh công tác lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch [4]; triển khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII. Tiếp tục sắp xếp, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả, phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước tham gia vào các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia. Đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI, tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại giữa các ngành và nội ngành. Khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp sinh thái, xanh, tuần hoàn; từng bước chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; có giải pháp kịp thời hạn chế tối đa tác động của hạn hán, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu (nhất là ảnh hưởng của hiện tượng El Nino). Tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn để sớm đưa vào vận hành các công trình, dự án công nghiệp trọng điểm, góp phần gia tăng năng lực sản xuất mới, thúc đẩy tăng trưởng. Chú trọng phát triển các dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao và có giá trị gia tăng cao. Cơ cấu lại thị trường du lịch; khai thác hiệu quả hơn các thị trường khách quốc tế; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, thúc đẩy phục hồi, phát triển du lịch bền vững; phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch gắn với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương.
5. Tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác; nâng cao năng lực của hệ thống y tế, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh; quyết liệt tháo gỡ khó khăn, giải quyết dứt điểm vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.
6. Tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tiếp tục nghiên cứu và triển khai mô hình giáo dục đại học số; tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023 nghiêm túc, an toàn, hiệu quả. Chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao, sớm khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên.
7. Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường. Tiếp tục triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam; khẩn trương xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa; chú trọng truyền dạy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số. Triển khai hiệu quả Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam 2023-2025. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, an sinh xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Xây dựng phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng phù hợp. Triển khai hiệu quả các chính sách giải quyết việc làm; theo dõi sát tình hình người lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm để có phương án hỗ trợ phù hợp. Đẩy mạnh triển khai hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, người cao tuổi, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, phòng, chống tệ nạn xã hội. Có giải pháp hiệu quả phòng, chống tình trạng bạo lực học đường, xâm hại và tai nạn thương tích đối với trẻ em, đặc biệt là phòng, chống đuối nước. Quyết liệt triển khai các chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng, hướng tới mục tiêu hoàn thành các cam kết của Việt Nam tại COP26.
8. Củng cố, tăng cường tiềm lực và đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa quốc phòng, an ninh, nâng cao năng lực tác chiến; giữ vững độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động hiệu quả các nguồn lực, xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, vững mạnh. Bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường phòng, chống các loại tội phạm; bảo đảm an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ. Thực hiện tốt chủ trương kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội trên từng địa bàn, từng lĩnh vực và cả nước.
9. Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước. Tiếp tục đưa quan hệ song phương đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả; phát huy vai trò của Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và cơ chế đa phương. Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, nhất là trong các lĩnh vực mới phục vụ phát triển kinh tế số, phát triển xanh, bền vững. Tiếp tục triển khai hiệu quả, kịp thời công tác bảo hộ công dân, ngoại giao văn hóa và thông tin đối ngoại.
10. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông; chú trọng truyền thông chính sách, tuyên truyền, cổ vũ những mô hình hay, cách làm sáng tạo, gương người tốt, việc tốt. Ngăn chặn kịp thời thông tin xấu, độc, sai sự thật, xuyên tạc, nhất là trên không gian mạng; kịp thời đấu tranh phản bác các quan điểm, tư tưởng sai trái, không để các thế lực thù địch lợi dụng chia rẽ, làm suy yếu Đảng, hệ thống chính trị. Làm tốt công tác dân vận, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân, nhất là trong công tác giám sát, phản biện, góp phần tạo đồng thuận xã hội.
Thưa Quốc hội!
Nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội trong thời gian tới là rất nặng nề; đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa, tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần đổi mới sáng tạo, tự lực, tự cường, củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Kế thừa, phát huy những kết quả đạt được và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ tiếp tục phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế -xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023 đã đề ra, góp phần thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025 theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
Chính phủ trân trọng đề nghị và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự lãnh đạo, chỉ đạo, ủng hộ, chia sẻ, giám sát của Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự đồng hành vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể nhân dân và sự tham gia tích cực, đóng góp, ủng hộ nhiệt tình, hiệu quả của đồng bào, cử tri cả nước.
Xin trân trọng cảm ơn!
---------------------------------------------------------------
[1] Sớm trình cấp có thẩm quyền về lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7, khóa XII.
[2] Trong đó, tuyệt đối không ban hành chính sách, quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian không cần thiết cho doanh nghiệp, người dân. Thành lập, tổ chức hoạt động hiệu quả Tổ công tác đặc biệt do các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Tổ trưởng để tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh.
[3] Trong đó, tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để đạt được mục tiêu xây dựng ít nhất 1triệu căn hộ nhà ở xã hội theo Đề án đã được phê duyệt tại Quyết định số 388/QĐ-TTg ngày 03/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
[4] Sớm hoàn thiện, ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia gắn với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch cấp tỉnh, bảo đảm đồng bộ, thống nhất.