Bài phát biểu có chủ đề “Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia gắn kết bền chặt, cùng nhau phấn đấu vì một châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương năng động, bao trùm, hòa bình, hợp tác và phát triển”.
TTXVN trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ:
Thưa ngài Fadli Zon, Chủ nhiệm Ủy ban Hợp tác Liên nghị viện Indonesia,
Thưa ngài TS. Dino Patti Djalal, Nhà sáng lập - Chủ tịch Cộng đồng Chính sách đối ngoại Indonesia,
Thưa toàn thể Quý vị và các bạn!
Tôi vui mừng tới thăm và trao đổi với Cộng đồng Chính sách đối ngoại Indonesia - Trung tâm nghiên cứu chính sách hàng đầu của Indonesia và khu vực. Tôi mong rằng cuộc trao đổi hôm nay là cởi mở, thẳng thắn giữa những người bạn.
Thăm Indonesia - xứ sở vạn đảo tươi đẹp, chúng tôi cảm nhận được sức phát triển mãnh liệt của một quốc gia có nền kinh tế năng động, truyền thống lịch sử quật cường và ý chí phấn đấu không mệt mỏi của mỗi người dân.
Indonesia tự hào về thiên đường du lịch Bali, công viên quốc gia mang tên loài rồng Komodo độc đáo, cũng như nhiều đền đài, di sản nổi tiếng thế giới (như đền Phật giáo Borobudur, đền Hindu giáo Prambanan, di chỉ người tiền sử Tari Saman và rừng nhiệt đới Sumatra). Đất nước Indonesia còn nổi tiếng với 38 điệu múa truyền thống đặc sắc đại diện cho 38 tỉnh trong cả nước.
Các bạn cũng đang sở hữu một kho tàng nhiều giá trị văn hóa với bề dày lịch sử, tinh hoa nghệ thuật của nhân loại. Indonesia còn là đất nước của những tư tưởng mạnh mẽ vượt tầm khu vực, trong đó tư tưởng về độc lập, tự chủ, tự cường, không liên kết… đã là triết lý đối ngoại của Indonesia và được nhiều quốc gia chia sẻ.
Indonesia và Việt Nam có sự gần gũi văn hóa sâu sắc: từ thế kỷ thứ VII, đã có sự giao lưu, kết nối về thương mại, văn hóa, ngôn ngữ và cả nhân chủng học giữa các vương quốc cổ tại Việt Nam và Indonesia. Người Chăm, Giarai, Êđê, Raglai và Churu ở Việt Nam có thể giao tiếp gần gũi với ngôn ngữ quốc gia của Indonesia. Hai nước cùng có nền nông nghiệp lúa nước phát triển lâu đời. Đến Việt Nam, các bạn Indonesia có thể thấy những nét kiến trúc quen thuộc ở tháp Chàm Ninh Thuận, Nha Trang, và người Việt Nam cũng thấy gần gũi với điêu khắc tinh xảo tại những ngôi đền ở Giava hay Bali của Indonesia. Du khách có thể thích thú với sự tương đồng của những chiếc xe bê-chạ của Indonesia và xích lô tại Việt Nam.
Indonesia là người bạn tình nghĩa, là người láng giềng tốt luôn đồng hành cùng Việt Nam. Indonesia là nước đầu tiên ở Đông Nam Á sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ năm 1955. Chủ tịch Hồ Chí Minh và 2 nhà lãnh đạo đáng kính của các bạn, Sukarno và Hatta cùng chia sẻ tầm nhìn về thế giới hòa bình, phát triển. Tổng thống Sukarno là nguyên thủ quốc gia ASEAN đầu tiên thăm Việt Nam năm 1975. Khi Việt Nam bị bao vây, cấm vận những năm 1980, Indonesia là quốc gia đi đầu trong ASEAN tìm kiếm các giải pháp hòa bình và hợp tác…
Sự tương đồng văn hóa, tư tưởng lập quốc, sự cận kề địa lý và những liên hệ lịch sử gần gũi cũng như những điểm đồng khát vọng về hòa bình là chất keo tự nhiên gắn kết hai dân tộc chúng ta, mang những giá trị vượt thời gian. Sự gắn bó thật nghĩa, thắm tình đó còn được các thế hệ lãnh đạo và người dân hai nước không ngừng vun đắp, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng tôi đã nêu với Tổng thống Sukarno năm 1959: “Thật là bầu bạn, thật là anh em”.
Thưa Quý vị và các bạn!
Tôi muốn chia sẻ với Quý vị một số suy nghĩ về bối cảnh của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương rộng lớn và giàu tiềm năng từ xa xưa đã là một trong những cái nôi rực rỡ của nền văn minh nhân loại. Ngày nay, khu vực này đang vươn lên mạnh mẽ, trở thành một trung tâm quyền lực kinh tế-chính trị-công nghệ mới của thế giới. Những chuyển biến sâu sắc trong hơn hai thập kỷ qua khẳng định, trong thế kỷ XXI, an ninh và phát triển thịnh vượng của châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương ngày càng có ảnh hưởng mang tính quyết định đối với an ninh và phát triển thịnh vượng của các quốc gia và của toàn cầu.
Đây là khu vực tập trung gần một nửa trong số 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm 3/5 dân số thế giới, đóng góp khoảng 60% GDP toàn cầu, 46% tổng thương mại quốc tế và 50% tổng lượng vận chuyển hàng hải.
Chúng ta cảm thấy may mắn rằng châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương là một trong số ít các khu vực không phải chứng kiến xung đột quy mô lớn kể từ Chiến tranh Lạnh đến nay. Song, chúng ta cũng cần lạc quan một cách thận trọng vì tại khu vực đang nổi lên nhiều biến động, nguy cơ về an ninh, tranh chấp, xung đột cục bộ khi có những hành động theo đuổi lợi ích vị kỷ, hẹp hòi, bất chấp luật pháp quốc tế, làm gia tăng xu hướng chạy đua vũ trang quanh các điểm nóng.
Hòa bình, hợp tác phát triển vẫn là xu thế lớn, song cạnh tranh, phân tách chiến lược, cọ xát lợi ích giữa các nước lớn lại gia tăng,.. đang tác động sang nhiều lĩnh vực như đầu tư, thương mại, công nghệ, chuỗi cung ứng... Đồng thời, các bất ổn về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, tài nguyên thiên nhiên, khoảng cách phát triển, bất bình đẳng xã hội… ngày càng sâu sắc. Dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh mạng, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia đặt ra nhiều thách thức đa chiều, phức tạp.
Để gìn giữ bầu trời hòa bình trong xanh, môi trường yên bình, thịnh vượng cho mai sau, tôi cho rằng mọi quốc gia cần chung tay xây dựng một cấu trúc hợp tác khu vực bao trùm, bền vững, kết nối về chính trị, an ninh, kinh tế, thương mại, văn hóa, xã hội và giao lưu nhân dân, đề cao ứng xử dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Điều này là phù hợp với tinh thần của Hội nghị Bandung năm 1955 với 10 nguyên tắc cùng chung sống hòa bình, với các giá trị nền tảng về tôn trọng độc lập, chủ quyền, giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng vũ lực, nêu cao công lý, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, thúc đẩy hợp tác khu vực.
Việt Nam và Indonesia đã cùng nhau thắp sáng ngọn đuốc đấu tranh vì độc lập, tự do, bình đẳng ở Bandung. Ngày nay, ngọn đuốc ấy và tinh thần Bandung cao quý đó vẫn soi sáng cho tất cả chúng ta trên hành trình phát triển.
Về ASEAN, ASEAN nằm ở trung tâm khu vực, dân số trên 600 triệu người, có quy mô kinh tế lớn thứ 5 thế giới với GDP hơn 3.300 tỷ USD, ASEAN có vị trí quan trọng trong các tiến trình hợp tác khu vực.
Trải qua gần 6 thập niên hình thành và phát triển, ASEAN chưa bao giờ có vị thế tốt như hiện nay nhưng cũng chưa bao giờ phải đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay. ASEAN là trung tâm của hàng loạt sáng kiến và kết nối khu vực nhưng cũng chịu những lực đẩy/kéo trực tiếp từ cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Khoảng cách phát triển giữa các thành viên ASEAN còn lớn, mức độ hợp tác, liên kết chưa thật sự chặt chẽ. ASEAN phải mạnh để tự lực, tự cường.
ASEAN cần định vị lại mình, khởi tạo ý tưởng, khơi dậy tự cường, khơi thông nguồn lực cho phát triển Cộng đồng, tôi đề nghị lấy 3 “Thống nhất” làm gốc bền, rễ chắc cho các hành động linh hoạt sáng tạo của ASEAN.
Một là thống nhất trong giữ vững nguyên tắc thể hiện ở việc giữ vững cân bằng chiến lược trong quan hệ giữa ASEAN và các đối tác. Theo đó, một “ASEAN tầm vóc” phải kiên trì bảo đảm nguyên tắc độc lập, tự chủ, không chấp nhận để ASEAN trở thành công cụ cho bất cứ sự đối đầu và chia rẽ nào.
Hai là thống nhất trong duy trì đồng thuận, thể hiện ở việc ASEAN duy trì đồng thuận trong các vấn đề an ninh, phát triển quan trọng của khu vực, cùng nhau bảo vệ lập trường, quan điểm chung của ASEAN theo “phương cách ASEAN” và theo Hiến chương ASEAN...
Trước những diễn biến phức tạp, gây nguy cơ căng thẳng gần đây ở Biển Đông, chúng ta cần đoàn kết kiên trì thúc đẩy đối thoại, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC, đàm phán Bộ Quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc (UNCLOS) 1982.
ASEAN cần thống nhất kiên định mục tiêu hỗ trợ Myanmar thực hiện đầy đủ “Đồng thuận 5 điểm”. Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ Chủ tịch Indonesia và Đặc phái viên phát huy vai trò tích cực, dẫn dắt ASEAN thực hiện mục tiêu trên.
Ba là thống nhất trong xây dựng cộng đồng còn thể hiện ở việc lấy người dân là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của tiến trình xây dựng cộng đồng. Chúng ta cần thúc đẩy kết nối về thể chế, hạ tầng và con người để khơi dậy tiềm năng phát triển, hỗ trợ nhau tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Về hợp tác Việt Nam và Indonesia trong ASEAN, Việt Nam đánh giá rất cao những đóng góp quan trọng của Indonesia trong ASEAN, nổi bật gần đây là xây dựng Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương (AOIP). Tục ngữ có câu “Muốn đi nhanh thì đi một mình /Muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”. Chúng ta càng hợp tác chặt chẽ thì càng có đóng góp cho ASEAN tiến xa.
Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của chúng tôi đã nêu khi thăm Indonesia 8/2017: “Cùng với ASEAN, Việt Nam và Indonesia sẽ tiếp tục phát triển; cùng với Indonesia và Việt Nam, ASEAN sẽ ngày càng lớn mạnh, góp phần xứng đáng vào hòa bình, độc lập, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới”.
Thay mặt Quốc hội và Nhân dân Việt Nam, tôi xin chúc mừng Indonesia đang đảm nhiệm rất thành công năm Chủ tịch ASEAN 2023 với nhiều sáng kiến, dấu ấn hiệu quả trong xây dựng Cộng đồng và củng cố đoàn kết, thống nhất trong ASEAN.
Thưa Quý vị và các bạn!
Trong một thế giới đầy biến động, có một điều bất biến với Việt Nam là tinh thần hòa bình, hòa hiếu, hữu nghị trong đường lối chính sách đối ngoại.
Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả. Việt Nam nêu cao chủ nghĩa đa phương, Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, ủng hộ giải quyết hoà bình tranh chấp, củng cố các nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử chung trong khu vực vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Đó là những nguyên tắc nền tảng, cốt lõi tạo nên thành công của Việt Nam trên chặng đường 37 năm Đổi mới và Hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện.
Từ một đất nước chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế - xã hội, từ 1986, Việt Nam đã vươn dậy mạnh mẽ, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao và liên tục trong suốt hơn 30 năm, một thị trường đầy tiềm năng với 100 triệu dân, một điểm đến hấp dẫn, an toàn của du khách quốc tế. Từ một nước bị bao vây, cấm vận ngặt nghèo, Việt Nam nay đã có quan hệ ngoại giao với 192 quốc gia và tham gia hơn 70 diễn đàn, tổ chức khu vực và thế giới.
Từ một nước tiếp nhận viện trợ nhân đạo, Việt Nam nay trở thành đối tác tin cậy và trách nhiệm ở khu vực và toàn cầu, hoàn thành tốt nhiều trọng trách quốc tế, đang nỗ lực thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) đến năm 2030 của Liên hợp quốc và cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào 2050.
Việt Nam đã xác định 2 mục tiêu phát triển 100 năm của đất nước: phấn đấu đến 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam), Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm lập nước), Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Để thực hiện được mục tiêu trên, chúng tôi xác định nội lực là quyết định, là cơ bản, kết hợp hài hòa với ngoại lực là quan trọng, đột phá cho phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng.
Việt Nam xác định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (khu vực FDI) là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế. Chúng tôi luôn lắng nghe, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài an tâm đầu tư, phát triển lâu dài. Đây là thông điệp nhất quán mà chúng tôi gửi đến cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp Indonesia.
Việt Nam xác định ngoại giao nghị viện đóng vai trò hết sức quan trọng, phát huy sức mạnh mềm để góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam với các nước, các đối tác.
Trong khuôn khổ các tổ chức đa phương liên nghị viện như Hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA), APPF, IPU, Liên minh Nghị viện Pháp ngữ, Việt Nam luôn tham gia tích cực, đề xuất nhiều sáng kiến về bình đẳng giới, thu hẹp khoảng cách phát triển, chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh năng lượng và nguồn nước...
Đặc biệt, trong ASEAN, Quốc hội Việt Nam luôn coi trọng, đồng hành và có nhiều dấu ấn, đóng góp nổi bật vào các cơ chế hợp tác, điển hình là AIPA.
Chúng tôi hiểu rằng, các Nghị viện có vai trò hết sức quan trọng với chức năng lập pháp, giám sát tối cao và tạo thuận lợi phân bổ nguồn lực, tăng cường kết nối với người dân, qua đó phối hợp, hỗ trợ Chính phủ các nước xây dựng cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích của người dân.
Tháng 9/2023, Việt Nam sẽ đăng cai Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu của IPU với chủ đề “Vai trò của giới trẻ với các mục tiêu phát triển bền vững, gắn với đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”. Chúng tôi mong muốn Nghị viện các nước thành viên AIPA và các đối tác tích cực đồng tình, ủng hộ và tham gia sự kiện hết sức quan trọng này.
Thưa Quý vị và các bạn!
Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia đang được phát triển toàn diện cả về bề rộng và chiều sâu, đóng góp tích cực vào một cấu trúc khu vực năng động, bao trùm và bền vững.
Việt Nam và Indonesia đã sát cánh bên nhau trong lịch sử và ngày nay đang tay trong tay cùng thực hiện khát vọng 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, sẽ trở thành những quốc gia phát triển. Hai nước có rất nhiều điều kiện và tiềm năng thuận lợi để phối hợp lập trường, hợp tác trong các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Chính sự gắn kết lợi ích và tương đồng về tư duy chiến lược là động lực đưa quan hệ Việt Nam - Indonesia vững bước tiến lên, như việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện năm 2003 trong chuyến thăm của nữ Tổng thống đầu tiên của Indonesia và Đối tác Chiến lược năm 2013 đã từng bước mở ra không gian hợp tác toàn diện hơn, sâu rộng hơn. Các chuyến thăm cấp cao được duy trì thường xuyên, hiệu quả; nhiều cơ chế hợp tác song phương đã được thiết lập. Tin cậy về chính trị, quốc phòng, an ninh được nâng lên. Hợp tác về thương mại, đầu tư, giáo dục đào tạo, giao lưu nhân dân… ngày càng hiệu quả.
Đặc biệt, sau 25 năm đàm phán, hai nước đã ký Hiệp định phân định ranh giới thềm lục địa tại vùng biển chồng lấn và sau 12 năm đàm phán, đã ký Hiệp định phân định vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ). Đây là những sự kiện mang ý nghĩa lịch sử, giúp củng cố vững chắc sự tin cậy chiến lược giữa hai nước, đồng thời, tạo xung lực mới cho quan hệ Đối tác chiến lược, cũng như đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định ở khu vực.
Có thể nói, quan hệ hai nước chúng ta đang ở thời kỳ hội tụ “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” để cùng nhau vượt lên giành thêm nhiều thành tựu mới. Và đó cũng là cơ sở để tiếp nối những bước nâng cấp quan hệ vào các năm 2003 và 2013, tại thời điểm phù hợp trong tương lai gần, chúng ta hướng tới nâng lên Đối tác Chiến lược toàn diện vì hoà bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Để tiến tới quan hệ đối tác quan trọng này, tôi đề nghị những hướng lớn sau đây:
Về hợp tác chính trị, quốc phòng - an ninh và đa phương, thúc đẩy quan hệ hợp tác trên tất cả các kênh (bao gồm kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội và giao lưu nhân dân); đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ ASEAN, kể cả đưa ra các sáng kiến/chiến lược/cơ chế mới do ASEAN dẫn dắt; thiết lập mới hoặc nâng cấp các cơ chế hợp tác an ninh - quốc phòng; lập cơ chế tuần tra chung trên biển, kể cả song phương và với một số nước ASEAN; tăng cường tham vấn, trao đổi, phối hợp lập trường khi đề xuất các sáng kiến, ý tưởng, giải pháp nhằm duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, giải quyết hòa bình tranh chấp, phát triển bền vững, bảo đảm an ninh biển, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước; chia sẻ kinh nghiệm, cùng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Về tăng cường gắn kết kinh tế, gia tăng hợp tác trong lĩnh vực mới, có tiềm năng như kinh tế xanh, chuyển đổi số và các lĩnh vực kỹ thuật số; hợp tác chặt chẽ để nâng cao hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ; hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng; tạo bước chuyển mới về hợp tác hàng hải, hợp tác biển và nghề cá.
Trong xu thế phát triển kinh tế và tình hình bất ổn như hiện nay, thay cho việc áp đặt các rào cản thương mại, hai nước cần tiếp tục tạo thuận lợi cho nhau, phối hợp chặt chẽ để duy trì các chuỗi cung ứng hiện có, hợp tác để hình thành và cùng nhau phát triển các chuỗi cung ứng mới để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao trong lĩnh vực công nghiệp, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp và thủy sản, công nghiệp Halal và du lịch…
Về giao lưu nhân dân, đẩy mạnh hợp tác giáo dục, đào tạo, du lịch và trao đổi văn hóa; tăng cường hợp tác địa phương và giao lưu nhân dân.
Về hợp tác về khí hậu, môi trường và năng lượng, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mới giàu tiềm năng như ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng; thúc đẩy hợp tác về khoa học, công nghệ, bao gồm các công nghệ mới nổi, công nghệ xanh, chuyển đổi số nhanh và bền vững. Đặc biệt, hai nước và các cơ quan của Nghị viện hai nước cần phối hợp để xây dựng thể chế thúc đẩy hình thành hệ sinh thái cho hai công cuộc chuyển đổi rất quan trọng, có tính toàn cầu hiện nay là chuyển đổi số bền vững, an toàn và chuyển đổi năng lượng công bằng, bền vững.
Ngoài ra, cơ quan lập pháp hai nước cần tăng cường hơn nữa hợp tác trong đối ngoại Nghị viện, trao đổi các kinh nghiệm về lập pháp và giám sát, tiến tới ký kết các chương trình, thỏa thuận hợp tác cụ thể, tạo khuôn khổ cho những bước tiến mới của hợp tác trong tương lai.
Thưa Quý vị và các bạn!
Đúng như ý kiến của ngài Chủ nhiệm Ủy ban Hợp tác Liên nghị viện Indonesia và ngài Chủ tịch Cộng đồng Chính sách đối ngoại Indonesia, Việt Nam và Indonesia là những đối tác gắn kết tự nhiên, tiềm năng hợp tác của hai nước là rất lớn, được thúc đẩy mạnh mẽ bởi nội lực dồi dào của mỗi quốc gia cũng như dòng chuyển động nhanh của Cách mạng khoa học công nghệ 4.0 trong một không gian Cộng đồng ASEAN vững mạnh và đoàn kết.
Chúng ta chưa thể hình dung thế giới vào năm 2045, thời khắc hai nước cùng kỷ niệm 100 năm lập quốc. Nhưng có một điều chúng ta có thể chắc chắn rằng, cả Indonesia và Việt Nam có đầy đủ ý chí, khát vọng và quyết tâm hợp tác để cùng nhau hiện thực hóa khát vọng trở thành những quốc gia phát triển giàu mạnh.
Thay cho lời kết, tôi muốn mượn hình ảnh loài chim thiên đường Wilson của Indonesia - được mệnh danh là loài chim thiên đường đẹp nhất thế giới và chim Lạc của Việt Nam là loài chim trong truyền thuyết của người Việt cổ được tìm thấy trên trống đồng Đông Sơn. Hai loài chim này vươn cánh bay cao như biểu tượng cho ước muốn chinh phục bầu trời, đại diện cho khát vọng, khí thế và niềm tin mãnh liệt của chúng ta, đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia lên một tầm cao mới, đóng góp xây dựng một châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương năng động, bao trùm, hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.