Toàn quốc kháng chiến và bài học lịch sử

“Toàn quốc kháng chiến - Ý chí bảo vệ độc lập, tự do và bài học lịch sử” là chủ đề cuộc Hội thảo khoa học cấp Quốc gia tổ chức sáng 25/11 tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2016).Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi lẵng hoa chúc mừng.

Biểu tượng của ý chí kiên cường

Phát biểu khai mạc, Trung tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo hội thảo nêu rõ, cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã đem lại nền độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam - thành quả mà nhân dân ta đã phải đổ biết bao xương máu mới giành lại được. Tuy vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, giới cầm quyền hiếu chiến Pháp được sự đồng lõa, tiếp tay của các đế quốc đồng minh đã rắp tâm xâm lược nước ta một lần nữa; đơn phương xóa bỏ mọi cam kết, không thi hành Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước ngày 14/9/1946, tăng cường các hoạt động quân sự, nhằm phá hoại nền hòa bình của nhân dân ta. 

Trung tướng Lê Chiêm, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biu tại hội thảo. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Với tinh thần yêu chuộng hòa bình, mong muốn giữ vững nền độc lập, tự do của dân tộc, Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nhân nhượng, kiềm chế, đàm phán với chính quyền Pháp, nhằm tránh cuộc chiến tranh xảy ra nhưng không thành công. “Chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa”. Trước tình hình đó, để bảo vệ nền độc lập vừa giành được, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Người chỉ rõ: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. 

Hưởng ứng lời hiệu triệu của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Hà Nội đã mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc bằng những loạt đại bác từ pháo đài Láng bắn vào các mục tiêu trong thành phố, chính thức bước vào cuộc chiến đấu, với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Trên khắp các địa phương từ Bắc vào Nam, quân và dân cả nước đã anh dũng, đồng loạt đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. 

Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến, quân và dân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền của 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Thành công của Toàn quốc kháng chiến và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là yếu tố quan trọng, tạo tiền đề cho thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hoàn thành vẻ vang sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc kéo dài liên tục suốt 30 năm của quân và dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng. 

Trung tướng Lê Chiêm nhấn mạnh, 70 năm đã trôi qua, nhưng sự kiện mở đầu Toàn quốc kháng chiến vẫn mãi là biểu tượng sáng ngời của ý chí kiên cường, lòng quả cảm “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của nhân dân ta, của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. 

Áng hùng văn thời đại Hồ Chí Minh 

Các tham luận được trình bày và gửi đến hội thảo đã tiếp tục khẳng định, đồng thời làm sáng tỏ thêm về sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình lãnh đạo nhân dân ta chuẩn bị kháng chiến và chủ động mở đầu cuộc kháng chiến Toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược. 

Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam có một nền văn hóa dân tộc mà hạt nhân là chủ nghĩa yêu nước. Chính nhờ sức mạnh nền văn hóa ấy mà dưới ách đô hộ hơn một nghìn năm của phong kiến phương Bắc, dân tộc ta không hề bị đồng hóa và cuối cùng vùng lên giành lại nền độc lập. Trong một nghìn năm độc lập tự chủ, dân tộc ta đã đánh thắng mọi kẻ địch xâm lược lớn mạnh hơn nhiều lần từ Tống, Nguyên đến Minh, Thanh. Lịch sử chống ngoại xâm oanh liệt của dân tộc ta để lại những ánh thiên cổ hùng văn như: “Nam quốc sơn hà nam đế cư” của Lý Thường Kiệt, “Hịch tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo, “Bình Ngô Đại cáo” của Nguyễn Trãi… Trong thời đại Hồ Chí Minh, bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là một áng hùng văn kiệt xuất. Tiếp đó, Lời kêu gọi Toàn quốc kháng là một áng hùng văn mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp kéo dài 9 năm và kết thúc bằng thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ. 

Đại tá, PGS, TS Vũ Như Khôi, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng khẳng định: Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến cách đây đã 70 năm, nhưng lời kêu gọi thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc của Bác Hồ vẫn khắc sâu trong tâm khảm mỗi người Việt Nam; quán triệt trong ý thức bảo vệ Tổ quốc của thế hệ hôm nay và mai sau. Lời thề thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc cùng với ý chí, hành động đánh giặc cứu nước của dân tộc ta đã để lại bài học quý giá; đồng thời là lời cảnh báo cho các thế lực xâm lược. Khi Tổ quốc Việt Nam bị xâm lăng, cả dân tộc ta sẽ đứng lên chiến đấu đến cùng để bảo vệ Tổ quốc. 

Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh 

Hội thảo đã khẳng định chiến công của quân và dân ta trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, thể hiện ý chí giữ vững độc lập, tự do; sức mạnh của chiến tranh nhân dân, tinh thần đoàn kết dân tộc; bản lĩnh, trí tuệ, tầm tư duy chiến lược của Đảng và sự phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam. 

Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu ủy và Ủy ban hành chính kháng chiến Khu XI đã lãnh đạo quân và dân Hà Nội anh dũng cùng cả nước đứng lên mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược, với tinh thần chủ động, sáng tạo, toàn diện. Với quyết tâm “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã giành giật với địch từng ngôi nhà, góc phố, phát huy vô ván sáng kiến để diệt dịch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Trung ương Đảng giao phó, đóng góp quan trọng vào sự thắng lợi của cuộc kháng chiến toàn quốc. 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội chia sẻ, tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc, từ bài học lịch sử của 60 ngày đêm kháng chiến kháng chiến bảo vệ Thủ đô, Đảng bộ thành phố Hà Nội hôm nay sẽ nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, đổi mới và sáng tạo; tập trung lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ Thành phố. Đảng bộ thành phố sẽ xây dựng Thủ đô Hà Nội xứng đáng với truyền thống văn hiến, Thủ đô Anh hùng - Thành phố vì hòa bình. Đồng thời, Đảng bộ thành phố Hà Nội sẽ viết tiếp những trang sử vàng của Thủ đô và đất nước. 

Ngoài ra, hội thảo đã tiếp tục phân tích, khái quát và đúc kết những bài học, kinh nghiệm thiết thực, phục vụ hoạch định chủ trương, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, Nhà nước; chiến lược xây dựng lực lượng và thế trận chiến tranh nhân dân đối với sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. 

Hội thảo nhằm ôn lại lịch sử của dân tộc, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; khẳng định ý nghĩa, giá trị nguyên vẹn của những bài học và kinh nghiệm lịch sử của sự kiện Toàn quốc kháng chiến đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới.

Nguyễn Cường (TTXVN)
Phát huy tinh thần toàn quốc kháng chiến
Phát huy tinh thần toàn quốc kháng chiến

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2016), ngày 25/11, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng sẽ chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Toàn quốc kháng chiến - Ý chí bảo vệ độc lập, tự do và bài học lịch sử”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN