Tiến sỹ Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao và ông Florian Constantin Feyerabend, Trưởng Đại diện KAS Việt Nam đồng chủ trì Tọa đàm.
Diễn giả chính của Tọa đàm là Giáo sư David Shambaugh, cùng hai chuyên gia bình luận là Tiến sỹ Lê Đình Tĩnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao và Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoo Tiang Boon, Điều phối viên Chương trình Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), Singapore.
Tọa đàm China Talk 19 đã thu hút sự tham dự của gần 150 đại biểu dự trực tiếp và trực tuyến, đến từ các cơ quan, viện nghiên cứu uy tín trong và ngoài nước, cùng đại diện phái đoàn ngoại giao và tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, Tiến sỹ Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao hoan nghênh sự tham dự của Giáo sư David Shambaugh với tư cách là diễn giả chính của Tọa đàm. Ông nhấn mạnh nghiên cứu Trung Quốc là một trọng tâm quan trọng của Học viện Ngoại giao. Việt Nam tuy có một số lợi thế trong nghiên cứu Trung Quốc, nhưng những năm qua luôn tìm cách kết nối với các nhà Trung Quốc học trên thế giới để nghiên cứu Trung Quốc được toàn diện và sâu hơn.
Ông Florian Constantin Feyerabend, Trưởng đại diện Quỹ KAS Việt Nam đánh giá cao vai trò của Học viện Ngoại giao trong phối hợp với Quỹ KAS tổ chức Tọa đàm, khẳng định uy tín và sức hút của các chuỗi Tọa đàm China Talk, đồng thời nhấn mạnh tính thời sự của buổi Tọa đàm hôm nay khi, chỉ hai ngày tới đây, Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN sẽ chính thức khai mạc tại Washington dưới sự chủ trì của Tổng thống Mỹ Joe Biden và sự tham gia của các nhà lãnh đạo 10 nước ASEAN.
Giáo sư David Shambaugh nghiên cứu về châu Á, Khoa học chính trị và các vấn đề quốc tế, và là Giám đốc sáng lập của Chương trình Chính sách Trung Quốc tại Trường Các vấn đề quốc tế Elliott, Đại học George Washington, Hoa Kỳ. Ông là học giả có tầm ảnh hưởng quốc tế trong nghiên cứu Trung Quốc đương đại và quan hệ quốc tế châu Á, được coi là một trong những học giả về Trung Quốc có tầm ảnh hưởng nhất tại Hoa Kỳ. Ông cũng là tác giả của nhiều ấn phẩm được đánh giá cao trong giới học thuật, nổi bật là cuốn sách “Nơi siêu cường gặp gỡ: Mỹ và Trung Quốc ở Đông Nam Á” (2020).
Tại Tọa đàm, Giáo sư David Shambaugh đã khái quát tầm quan trọng về địa chính trị của khu vực Đông Nam Á trong chính sách của Mỹ và Trung Quốc. Ông đã chia sẻ những góc nhìn, quan điểm về cạnh tranh giữa hai cường quốc và cách tiếp cận của các quốc gia Đông Nam Á. Điểm mới trong cạnh tranh giữa các cường quốc tại khu vực hiện nay là sự tồn tại trong cạnh tranh, thay vì cạnh tranh đối kháng toàn diện giữa các nước. Theo Giáo sư Shambaugh, cạnh tranh giữa các nước lớn sẽ tiếp tục kéo dài trong khu vực, tuy nhiên mức độ sẽ phần nào bớt gay gắt, hướng tới việc cùng tồn tại lâu dài.
Trong phiên thảo luận, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoo Tiang Boon và Tiến sỹ Lê Đình Tĩnh đã đưa ra một số nhận định về chủ đề cạnh tranh nước lớn mà Giáo sư Shambaugh đã trình bày. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoo Tiang Boon đánh giá cuốn sách “Nơi siêu cường gặp gỡ: Mỹ và Trung Quốc ở Đông Nam Á” (2020) mang lại cái nhìn toàn diện về cạnh tranh giữa hai cường quốc, đồng thời chỉ rằng Mỹ cần thể hiện những tín hiệu cam kết rõ ràng hơn tại khu vực, sau khi uy tín đã bị tương đối suy giảm dưới thời Trump. Tiến sỹ Lê Đình Tĩnh nhận định trên thực tế, các nước Đông Nam Á đều có cách ứng xử riêng, phức tạp, đòi hỏi sự phân tích sâu ở nhiều cấp độ. Tuy nhiên, tính trung tâm và tầm quan trọng của ASEAN vẫn là một thực tế không thể chối bỏ. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đã nêu câu hỏi và thảo luận sôi nổi, thực chất.
Chuỗi Tọa đàm China Talk là một dự án hợp tác dài hạn và thành công giữa Học viện Ngoại giao Việt Nam và Quỹ KAS, thường được tổ chức hai lần/năm. China Talk giúp mở ra mạng lưới kết nối các học giả, các nhà ngoại giao, chuyên gia nghiên cứu quan tâm đến chủ đề Trung Quốc tại Việt Nam và quốc tế.