Tọa đàm 'Trưng cầu ý dân về Hiến pháp; bảo vệ Hiến pháp; bảo đảm, bảo vệ quyền con người'

Chiều 12/5, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" tổ chức Tọa đàm về chủ đề "Trưng cầu ý dân về Hiến pháp; bảo vệ Hiến pháp; bảo đảm, bảo vệ quyền con người".

Chú thích ảnh
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc. Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN

Đây là những nội dung đã được hiến định trong Hiến pháp năm 2013, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trì tọa đàm.

Đồng chí nêu rõ, đây là tọa đàm đầu tiên trong kế hoạch tổ chức các cuộc tọa đàm chuyên sâu trong khuôn khổ Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, tiếp nối ba hội thảo quốc gia được tổ chức tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua. Qua đó tiếp tục thảo luận, làm rõ những vấn đề mới, có tính đột phá hoặc còn có ý kiến khác nhau trong Đề án, giúp Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án có thêm cơ sở khoa học và thực tiễn, thống nhất phương án khi đưa các nội dung này vào dự thảo Nghị quyết để báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị và trình Ban Chấp hành Trung ương.

Về trưng cầu ý dân về Hiến pháp, khoản 4, Điều 120, Hiến pháp năm 2013 quy định: Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định. Hiện cơ quan chức năng đang tham mưu cho Trung ương xây dựng Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vấn đề này được đặt ra nhằm đề cao chủ quyền nhân dân, khẳng định bản chất dân chủ của Nhà nước. Bên cạnh đó, một số cơ quan, tổ chức tham gia xây dựng Đề án và đại biểu dự các Hội thảo quốc gia vừa qua đã đề nghị nghiên cứu, thực hiện quyền phúc quyết Hiến pháp của nhân dân như tinh thần của Hiến pháp năm 1946: Nhân dân có quyền phúc quyết Hiến pháp (Điều 21). Đây là quyền chính trị quan trọng và thiêng liêng của nhân dân trong Nhà nước dân chủ, sự thể hiện rõ nét bản chất dân chủ của Nhà nước. Các ý kiến đặt ra hai phương án về chủ quyền của nhân dân đối với việc xây dựng Hiến pháp: Thực hiện việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp như quy định của Hiến pháp năm 2013; Bổ sung quyền phúc quyết Hiến pháp của nhân dân vào Hiến pháp.

Tại tọa đàm, các ý kiến đã thảo luận để làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn; sự cần thiết và đề xuất phương án, thời gian thực hiện; điều kiện bảo đảm, tính khả thi, những tác động của phương án lựa chọn đối với thể chế chính trị, Nhà nước, xã hội và nhân dân...

Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật là một đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đặt ra yêu cầu xây dựng và hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp. Khoản 2, Điều 119 Hiến pháp năm 2013 quy định "Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước và toàn thể nhân dân có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp. Cơ chế bảo vệ Hiến pháp do luật định". Cho đến nay, quy định này đã được thể chế hóa, cụ thể hóa trong các luật về tổ chức, bộ máy, chức năng nhiệm vụ của các thiết chế nhà nước, các tổ chức chính trị- xã hội, luật dân sự, hình sự, hành chính... và cũng đã được thực hiện khá nghiêm túc. Tuy nhiên, qua tổng kết thực tiễn cũng cho thấy vẫn còn bất cập trong quy định về cơ chế hữu hiệu để bảo vệ sự tôn nghiêm của Hiến pháp. Từ đó, một số cơ quan, tổ chức tham gia xây dựng Đề án, một số chuyên gia, nhà khoa học đặt vấn đề cần xây dựng thiết chế bảo hiến chuyên trách.

Tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới và theo đề xuất của một số cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, có 4 phương án xây dựng thiết chế bảo vệ Hiến pháp: Thành lập Hội đồng Hiến pháp; Thành lập Tòa án Hiến pháp; Giao Tòa án Nhân dân tối cao thực hiện chức năng bảo vệ Hiến pháp; Thành lập Ủy ban Bảo vệ Hiến pháp của Quốc hội. Các đại biểu dự Tọa đàm đã nêu quan điểm về các phương án trên các phương diện cấu trúc, thành phần, nhiệm vụ, thẩm quyền, ưu điểm, hạn chế, điều kiện thành lập của từng phương án...

Về bảo đảm, bảo vệ quyền con người, đây vừa là một đặc trưng, vừa là giá trị của Nhà nước pháp quyền. Trong Nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc pháp quyền, quyền con người luôn gắn với quyền công dân và được tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ. Điều 3, Hiến pháp năm 2013 quy định: Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Đây là vấn đề chính trị- pháp lý quan trọng mang tính toàn cầu, có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện.

Một số cơ quan, tổ chức tham gia xây dựng Đề án và ý kiến trao đổi, thảo luận của một số đại biểu tại các Hội thảo quốc gia đã thể hiện quan điểm cho rằng cần xây dựng cơ quan chuyên trách về quyền con người để đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và yêu cầu hội nhập quốc tế. Tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, có ba hình thức tổ chức cơ quan nhân quyền: Ủy ban nhân quyền quốc gia trực thuộc Quốc hội hoặc Chính phủ; Cơ quan Thanh tra của Quốc hội; Cơ quan chuyên trách về một vấn đề nhân quyền cụ thể do Chính phủ thành lập hoặc ủy quyền cho một cơ sở nghiên cứu về quyền con người. Các ý kiến tại tọa đàm đã phân tích cấu trúc, mô hình, cơ quan trực thuộc của các phương án... để Ban Chỉ đạo lựa chọn đưa vào Đề án cho phù hợp...

Quỳnh Hoa (TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội chủ trì Phiên họp về hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp
Chủ tịch Quốc hội chủ trì Phiên họp về hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp

Chiều 3/11, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì Phiên họp thứ ba Ban Chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện 4 chuyên đề được phân công thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN