Theo phóng viên TTXVN tại LB Nga, tọa đàm do Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh, Giáo sư Vladimir Kolotov chủ trì, với sự tham gia của đại diện Ủy ban Quan hệ đối ngoại Saint-Petersburg, Trưởng khoa Lịch sử các quốc gia Viễn Đông Nguyễn Thị Minh Hạnh, các thầy cô giáo cùng các bạn sinh viên Khoa phương Đông học, đại diện sinh viên Việt Nam đang học tập và nghiên cứu tại Saint-Petersburg.
Giáo sư Vladimir Kolotov đã ôn lại diễn biến cuộc Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, khi Việt Nam phải đối đầu với một đội quân mạnh hơn nhiều gấp nhiều lần. Hồi ức trong cuốn “Nhật ký” của tác giả Gennady Obaturov, Cố vấn trưởng về quân sự cho Bộ Quốc phòng Việt Nam, cho thấy, trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, ghi chép lại những dấu mốc lịch sử quan trọng.
Những chi tiết như việc Tướng Obaturov đã đề xuất tăng cường cho mặt trận biên giới phía Bắc một đơn vị pháo phản lực BM-21, rút sư đoàn bộ binh 346 ra khỏi vòng vây,… thực sự đã giúp thế hệ trẻ hiểu biết nhiều hơn và càng biết trân trọng hơn sự hỗ trợ tận tâm của các chuyên gia Liên Xô.
Khoảng thời gian này của 40 năm về trước, có lẽ trong tiềm thức của các thế hệ cha ông đi trước sẽ không bao giờ quên dấu mốc lịch sử của dân tộc - cuộc chiến ngắn nhưng khốc liệt nổ ra ngày 17/2/1979 khi toàn tuyến biên giới phía Bắc của Việt Nam bị đối phương tấn công, đánh dấu cuộc Chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc chính nghĩa của quân và dân Việt Nam với sự hỗ trợ chí tình của Liên Xô. Cuộc chiến đấu đã kết thúc, nhưng dư âm của nó vẫn còn trong tâm trí những con người sống trong bối cảnh lịch sử đó, trong nghiên cứu khoa học quân sự.
Các bạn sinh viên Nga cũng rất hào hứng bàn luận về vấn đề lịch sử này. Đại diện các sinh viên Khoa Phương Đông học, trường Đại học Tổng hợp Saint-Petersburg, Veronika Chechetko đã có bài tham luận về những vấn đề tìm hiểu được qua sách báo, qua những tài liệu được học về lịch sử. Để có thể tự tin trình bày ý kiến và quan điểm của mình, bạn sinh viên Nga hẳn đã dành rất nhiều tình cảm cho văn hóa và lịch sử đất nước Việt Nam.
Doussia Kalganova, sinh viên năm 3 Khoa Phương Đông học từng tới Việt Nam học tiếng Việt, đã chia sẻ rằng bạn rất yêu thiên nhiên, đất nước, rất quý con người thân thiện nơi đây. Bạn đánh giá những vấn đề thảo luận trong buổi tọa đàm này rất quan trọng, đặc biệt trong khuôn khổ năm chéo của quan hệ Việt-Nga. Những chương trình như thế này là cơ hội để thế hệ sinh viên Nga ngày nay tìm hiểu thêm về Việt Nam, cũng là cơ hội để thế hệ trẻ hai nước tích cực giao lưu, học hỏi lẫn nhau.
Buổi tọa đàm kết thúc để lại nhiều cảm xúc cho những sinh viên Việt Nam lần đầu tham dự. Anh Lê Văn Khánh – Bí thư Đoàn Cơ sở thành phố Saint-Petersburg chia sẻ rằng buổi gặp gỡ đã đưa ra những đánh giá chân thực và ý nghĩa lịch sử của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, mà nếu như không được trực tiếp tham dự, các bạn trẻ sẽ không có cơ hội được mở mang và học hỏi.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình từng nói: “Chúng ta tôn trọng lịch sử, sòng phẳng với lịch sử không có nghĩa là chúng ta kích động hận thù. Chúng ta biết sự thật, để hiểu đâu là lẽ phải và để rút ra bài học cho các mối quan hệ quốc tế trong bối cảnh phức tạp ngày nay”. Thế hệ trẻ tại Saint-Petersburg hiểu rằng ôn lại lịch sử là để hiểu và nắm rõ từng chặng đường mà dân tộc đi qua, lấy đó làm nền tảng để thế hệ trẻ hôm nay xây dựng được những mối quan hệ quốc tế tốt đẹp trong tương lai.
Ngoài ra, tại buổi tọa đàm, các vấn đề liên quan đến quan hệ Nga -Việt cũng được đưa ra thảo luận, đặc biệt về tình hữu nghị giữa hai đất nước, tình cảm gắn bó của nhân dân hai nước từ những năm tháng chiến tranh đến triển vọng phát triển của hai quốc gia ở thời hiện đại. Ngoài ra, tình hình chính trị chung của các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng được đề cập.