Tọa đàm khoa học về nhà lãnh đạo tài năng Lương Khánh Thiện

Sáng 13/10, tại Hà Nội, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm khoa học “Đồng chí Lương Khánh Thiện - Người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam”.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí (13/10/1903 – 13/10/2023), góp phần tưởng nhớ cuộc đời hoạt động cách mạng và những cống hiến to lớn của đồng chí Lương Khánh Thiện đối với Đảng và cách mạng Việt Nam, góp phần bồi dưỡng, giáo dục tinh thần yêu nước cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Tại tọa đàm, Giáo sư-Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ, đồng chí Lương Khánh Thiện (bí danh là Ba Già, Phương), sinh ngày 13/10/1903 trong một gia đình nhà Nho nghèo ở xã Mễ Tràng, tổng Mễ Tràng, huyện Thanh Liêm (nay thuộc phường Liêm Chính, thành phố Phủ Lý), tỉnh Hà Nam.

Sớm kế thừa truyền thống yêu nước, bất khuất của dân tộc và tích cực tham gia các phong trào đấu tranh, năm 1927, đồng chí Lương Khánh Thiện được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1928, đồng chí đi “vô sản hóa” tại Hải Phòng và đến tháng 4/1929 được kết nạp vào Chi bộ Cộng sản đầu tiên của Hải Phòng, được phân công phụ trách phong trào công nhân Nhà máy Chai.

Tháng 6/1929, đồng chí bị mật thám Pháp bắt, sau đó bị kết án “khổ sai chung thân”, đưa về giam ở Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), rồi bị đày ra Nhà tù Côn Đảo (tháng 7/1931).

Sau khi Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp lên cầm quyền, đồng chí được trả tự do (tháng 9/1936) và tiếp tục hoạt động cách mạng ở Hà Nội, trực tiếp tham gia lập lại Thành ủy Hà Nội, Xứ ủy Bắc Kỳ và đảm nhiệm các cương vị: Bí thư Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ, kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội; Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ; Ủy viên Thường vụ Liên Xứ ủy Bắc Kỳ - Bắc Trung Kỳ; Bí thư Khu B (gồm Hải Phòng, Kiến An, Quảng Yên, Hòn Gai, Hải Dương), trực tiếp làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng.

Tháng 1/1941, trên đường đi công tác, đồng chí Lương Khánh Thiện bị thực dân Pháp bắt tại Hải Phòng, bị đưa về giam tại Hỏa Lò (Hà Nội), rồi bị kết án tử hình. Sáng 1/9/1941, đồng chí đã anh dũng hy sinh tại Hải Phòng.

Giáo sư-Tiến sĩ Lê Văn Lợi nhấn mạnh: Trọn cuộc đời hoạt động, dấn thân cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, đồng chí Lương Khánh Thiện đã thể hiện tấm gương cao đẹp của người cộng sản, luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc, của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Tại Tọa đàm, các đại biểu, các nhà khoa học đã tập trung thảo luận, làm sâu sắc hơn một số nội dung chủ yếu về đồng chí Lương Khánh Thiện: Người cộng sản thế hệ đầu tiên, có những đóng góp quan trọng trong thời kỳ dựng Đảng; Người cán bộ lãnh đạo tài năng, sáng tạo của Đảng và cách mạng Việt Nam; tấm gương đạo đức cách mạng cao đẹp, trọn đời cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

V.Đ (TTXVN)
Đồng chí Lương Khánh Thiện: Nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam
Đồng chí Lương Khánh Thiện: Nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam

Đồng chí Lương Khánh Thiện là nhà lãnh đạo tài năng, sáng tạo, có uy tín của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN