Dự buổi lễ có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Quyền Chủ tịch nước; Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước;các đồng chí ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các đồng chí lão thành cách mạng, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các gia đình liệt sỹ và nhân dân tỉnh Hà Nam.
Theo diễn văn tại buổi lễ của Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Nguyễn Đình Khang, đồng chí Lương Khánh Thiện, sinh ngày 13/10/1903, trong một gia đình nhà nho nghèo ở xã Liêm Chính, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam (nay là phường Liêm Chính, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Tham gia cách mạng từ khi còn đang là học sinh trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng, chưa hề được trang bị lý luận và phương pháp cách mạng nhưng với tinh thần tự học, tự rèn luyện, bằng sự nhiệt huyết, xông pha trong hoạt động thực tiễn, đồng chí Lương Khánh Thiện đã trở thành một nhà hoạt động cách mạng chân chính, một cán bộ lãnh đạo tài năng của Đảng. Đồng chí đã từng giữ các chức vụ quan trọng như: Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Liên tỉnh B, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Hải Phòng...
Trải qua nhiều vị trí lãnh đạo, hoạt động ở nhiều địa phương khác nhau, nhưng dù ở đâu, làm việc gì, đồng chí Lương Khánh Thiện không quản ngại gian khổ, hy sinh, luôn có mặt ở những nơi khó khăn, thách thức, luôn đặt lợi ích chung của cách mạng lên trên lợi ích cá nhân, hết lòng vì Đảng, vì nhân dân. Sự hy sinh anh dũng của đồng chí đã góp phần tô thắm thêm truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc, nêu tấm gương sáng ngời cho các thế hệ về sự kiên trung, tinh thần đấu tranh bất khuất của người chiến sĩ cách mạng.
Phát biểu tại buổi lễ, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đồng chí Lương Khánh Thiện đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động, tổ chức quần chúng đấu tranh, xây dựng, khôi phục, củng cố các tổ chức, cơ sở cách mạng, mở rộng địa bàn hoạt động của Đảng ở hầu khắp các tỉnh phía Bắc, đào tạo đội ngũ cán bộ để làm nòng cốt trong các phong trào cách mạng... Hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, đồng chí Lương Khánh Thiện đã nêu một tấm gương sáng về ý chí cách mạng kiên cường, tuyệt đối trung thành và sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng.
Ghi nhận những đóng góp và cống hiến của đồng chí Lương Khánh Thiện ngày 18/02/2014, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) công nhận đồng chí là lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng tại Kết luận số 88-KL/TW. Tri ân công lao to lớn của đồng chí, nhiều địa phương đã có những việc làm thiết thực: xây dựng Đài tưởng niệm đồng chí Lương Khánh Thiện tại chân núi Áng Sơn, thị trấn Trường Sơn, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng; xây Nhà lưu niệm đồng chí Lương Khánh Thiện tại khu vực Đền thờ các Anh hùng Liệt sỹ và Di tích lích sử, văn hóa của tỉnh Hà Nam. Tên của đồng chí Lương Khánh Thiện đã được đặt cho một số công trình công cộng như: đường phố, trường học, phường... ở Hà Nam, Hải Phòng, Hà Nội, Lào Cai, Đà Nẵng.
Đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới toàn diện, tạo những bứt phá mới trong phát triển kinh tế xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể nhân dân cần quan tâm, chăm lo hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần, tri ân các gia đình có công với cách mạng, gia đình liệt sĩ, thương binh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong; không ngừng phát huy giá trị lịch sử và quảng bá hình ảnh khu di tích tâm linh Đền thờ Bác Hồ và các Anh hùng liệt sỹ của tỉnh, Nhà lưu niệm đồng chí Lương Khánh Thiện, qua đó, góp phần bồi đắp, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ.
Nhân dịp này, Quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân do Nhà nước truy tặng cho 9 nữ liệt sỹ dân quân pháo phòng không Lam Hạ, Hà Nam.