Tòa án nhân dân chủ động, tích cực phòng, chống tham nhũng

Sáng 14/3, tại Hà Nội, Tòa án Nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng; thực trạng tham nhũng và hiệu quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng; đặc biệt là việc xét xử các vụ án tham nhũng của Tòa án kể từ khi có Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 cho đến nay.

Tại hội nghị, các ý kiến cơ bản thống nhất với Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng và Báo cáo chuyên đề Tòa án xét xử tội phạm tham nhũng trong 10 năm qua của Tòa án Nhân dân tối cao. Theo đó, những năm qua, đặc biệt năm 2015, các Tòa án triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác trong bối cảnh tình hình tội phạm tuy được kiềm chế, nhưng còn diễn biến phức tạp; các tranh chấp dân sự vẫn có xu hướng gia tăng; những trường hợp đề nghị Tòa án xem xét áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tăng hơn nhiều so với năm 2014. 

Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bô Chính trị, Chánh án TANDTC phát biểu khai mạc Hội nghị.

\

Trước tình hình đó, với tinh thần nỗ lực cao, Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp đã cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm công tác đề ra. Chỉ tính riêng năm 2015, mặc dù số lượng các loại vụ án mà Tòa án các cấp phải thụ lý, giải quyết tăng 11.600 vụ việc so với cùng kỳ năm trước, nhưng tỷ lệ giải quyết chung đạt 93,5% các vụ án, tăng hơn cùng kỳ năm trước 0,7% và tỷ lệ giải quyết từng loại vụ án đều vượt chỉ tiêu xét xử đề ra từ đầu năm. Các Tòa án đã triển khai sâu rộng việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa; tăng cường cải cách hành chính tư pháp và ứng dụng công nghệ tin học để bảo đảm tính công khai, minh bạch các hoạt động của Tòa án, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi có công việc tại Tòa án.


Cùng với đó, Tòa án nhân dân luôn chủ động, tích cực trong việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Từ ngày 1/10/20105 đến 30/9/2015, Tòa án các cấp đã thụ lý 661.503 vụ/1.158.629 bị cáo; trong đó, số vụ án về tội phạm tham nhũng là 4.323 vụ án/11.081 bị cáo. Việc xét xử các tội phạm về tham nhũng đảm bảo đúng nguyên tắc xử lý tham nhũng quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng, nên có tác dụng răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung, góp phần ổn định tình hình chính trị ở địa phương; ngăn chặn, phòng ngừa và đẩy lùi hành vi phạm tội tham nhũng. 


Toàn cảnh Hội nghị

Nhiều vụ án lớn, trọng điểm mà dư luận xã hội quam tâm được Tòa án các cấp đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh như: Vụ án Nguyễn Đình Thản phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” ở Công ty cổ phần Vinaconex 10 Đà Nẵng; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm, phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Cho vay lãi nặng”; vụ án tham nhũng xảy ra tại Tổng công ty hàng hải Việt Nam với 10 bị cáo phạm các tội “Tham ô tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”... Đặc biệt, một số Hội đồng xét xử đã ra Quyết định khởi tố vụ án ngay tại phiên tòa vì phát hiện tình tiết, dấu hiệu của tội phạm mới. Điển hình là phiên tòa xét xử vụ án làm thất thoát 966 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh 6 Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện quyền tư pháp, đã ra quyết định khởi tố vụ án ngay tại phiên tòa về tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.


Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Với vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ được Hiến pháp quy định “là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”, trong công tác phòng, chống tham nhũng, Tòa án nhân dân luôn chủ động, tích cực, đi đầu thực hiện các Nghị quyết của Đảng và Luật phòng, chống tham nhũng. Xác định đây là một cuộc đấu tranh khó khăn, phức tạp, nhưng với quyết tâm chính trị cao, Tòa án Nhân dân tối cao đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp quán triệt, thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng trên cả hai bình diện: Tòa án nhân dân thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng trong tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án nhân dân; các Tòa án nhân dân thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng thông qua công tác xét xử tội phạm tham nhũng; trong đó, công tác xét xử tội phạm tham nhũng là trọng tâm.


Để nâng cao chất lượng hoạt động xét xử của Tòa án, thực hiện có hiệu quả công tác công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, Chánh án Trương Hòa Bình đã nêu rõ các giải pháp; trong đó, trước hết phải thực hiện có hiệu quả các giải pháp đã được đề ra trong Đề án “Thực trạng và giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp của Tòa án”, như: tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng; xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân về tố tụng tư pháp… Cùng với đó, cần tiếp tục thực hiện 5 giải pháp đột phá mà Tòa án nhân dân tối cao đề ra, đó là: Thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức; làm tốt công tác tổng kết thực tiễn xét xử, đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật và phát triển án lệ; đẩy mạnh việc đổi mới thủ tục hành chính tư pháp trong hoạt động của Tòa án các cấp; chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm và tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ cho cán bộ, công chức và vinh danh, khen thưởng kịp thời các Thẩm phán, cán bộ có thành tích xuất sắc trong công tác.


“Để có thể đạt được những mục tiêu nêu trên, đòi hỏi mỗi cán bộ, Thẩm phán, công chức, viên chức và người lao động trong bộ máy Nhà nước nói chung, trong hệ thống Tòa án nhân dân nói riêng, phải nêu cao tinh thần tự giác, tự học, tự rèn luyện, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; thường xuyên rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức và lương tâm nghề nghiệp, giữ gìn phẩm chất, lối sống trong sạch, lành mạnh. Đối với người cán bộ Tòa án nhân dân phải luôn ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là: “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”, với phương châm “Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”. Có như vậy mới hoàn thành được nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy; là người bảo vệ công lý của nhân dân”, Chánh án nhấn mạnh.


Nhân dịp này, 37 tập thể và 36 cá nhân đã được nhận Bằng khen của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, vì đã có thành tích xuất sắc trong thi hiện Luật Phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2005-2015.

Nguyễn Cường
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN