Hơn 26.000 thí sinh không dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia đợt 1 vì dịch COVID-19
Theo báo cáo nhanh của Bộ Giáo dục và Đào tạo chiều 8/8, số thí sinh đến làm thủ tục dự thi đạt 96,3% so với tổng số thí sinh dự thi. Số thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID không thể dự thi là 26.168 thí sinh.
Theo thống kê này, tổng số thí sinh đăng kí dự thi là 900.079. Tổng số thí sinh đến làm thủ tục dự thi là 866.946 đạt tỷ lệ 96,3% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi.
Tổng số thí sinh không đến làm thủ tục dự thi là 32.229, chiếm tỷ lệ 3,58%; trong đó, tổng số thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên không thể dự thi là 26.168 chiếm tỷ lệ 2,91% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi.
Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, ngày làm thủ tục dự thi diễn ra thuận lợi trên tất cả các điểm thi; các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã được các địa phương chuẩn bị chu đáo. Thời tiết tốt tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức thi. Một số thí sinh chưa đến làm thủ tục sẽ tiếp tục làm thủ tục vào đầu buổi sáng ngày 9/8/2020.
Chuyển một điểm thi tốt nghiệp THPT do có giáo viên là F1
Tại điểm thi huyện Đan Phượng (Hà Nội) có một giáo viên thuộc diện F1, do đó, Ban Chỉ đạo thi của TP Hà Nội đã chuyển toàn bộ điểm thi này (toàn bộ cán bộ, giáo viên) cũng được thay thế bằng tổ giáo viên coi thi khác.
Liên quan đến công tác phòng chống dịch tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Ngô Văn Quý cho biết: Hà Nội có 2 thí sinh thuộc diện F2; toàn thành phố có 68 thí sinh trở về từ Đà Nẵng. Các trường hợp này đã có kết quả test nhanh âm tính, tuy nhiên, nguy cơ nhiễm COVID-19 vẫn tiềm ẩn.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội kiến nghị: Đối với các trường hợp thí sinh từ Đà Nẵng về sẽ thi riêng hoặc thi vào đợt 2 cùng các trường hợp F2.
Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, Hà Nội đã điều động hơn 9.000 cán bộ nhân viên tham gia công tác thi nhưng trước yêu cầu phòng chống dịch COVID-19, ngành giáo dục đã bổ sung thêm 900 cán bộ giáo viên, ngoài ra còn có 1.448 nhân viên làm công tác an ninh trật tự tại các điểm thi.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết việc bảo đảm an toàn khu vực thi và công tác phòng chống dịch bệnh là vô cùng quan trọng. Do đó, cần tiếp tục rà soát, chủ động có phương án phòng chống dịch theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT, như: Bố trí phòng thi dự phòng, phòng y tế, thực hiện khử khuẩn, đo thân nhiệt, chuẩn bị nước sát khuẩn, nước sạch, cũng như lên phương án cho các tình huống phát sinh trong quá trình tổ chức thi và chấm thi...
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý, cần tiếp tục rà soát các đối tượng F1, F2. Dù đến ngày thi, nhưng nếu phát hiện đối tượng bị nhiễm dịch COVID-19, vẫn bố trí các em thi ở đợt sau để bảo đảm an toàn. Bên cạnh đó, các cán bộ coi thi cần nâng cao trách nhiệm, giám sát, bảo vệ trong công tác phát hiện phòng chống gian lận, đặc biệt gian lận bằng sử dụng công nghệ cao.
Ngày mai 9/8/2020, buổi sáng các thí sinh thi môn Ngữ Văn, buổi chiều thi môn Toán.
Bệnh viện C Đà Nẵng: Thắp lên ngọn lửa niềm tin đẩy lùi dịch COVID-19
"14 ngày bệnh viện bị phong tỏa cũng trôi qua. Nhưng trong 14 ngày đó, có nhiều thời điểm chúng ta đã sống, làm việc mà không hề nhớ là ngày thứ mấy! Chỉ biết rằng chúng ta sát cánh bên nhau như trong một gia đình. Ở đó có đầy đủ sự cảm thông, đồng cam cộng khổ từ mỗi việc lớn nhỏ trong ngày". Đâyy là đoạn trích trong tâm thư đầy xúc động của Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng, Nguyễn Trọng Thiện.
Đúng 0 giờ ngày 8/8, khoảnh khắc mà mọi người chờ đợi đã đến, cổng lớn của Bệnh Viện C Đà Nẵng từ từ mở ra. Trên mỗi khung cửa sổ của bệnh viện, ánh đèn vẫn sáng, in bóng của những y, bác sỹ với đôi mắt hướng nhìn ra ngoài, cánh tay vẫn không ngừng vẫy chào mọi người với nụ cười rạng rỡ trên môi.
Dường như không gian tĩnh lặng của màn đêm không thể che lấp đi niềm tin chiến thắng, sự hạnh phúc ánh lên trên gương mặt của họ. Không hoa, không tiếng reo hò nhưng trong mỗi người, khi chứng kiến hình ảnh đó đều có cảm giác bồi hồi, xúc động. Lần đầu tiên các y, bác sỹ của Bệnh viện C Đà Nẵng phải trải qua thời gian khó khăn, khi cuộc sống sinh hoạt thường nhật nằm trong vòng vây phong tỏa. Từ lo lắng, bồn chồn, cho đến vui sướng là những cung bậc cảm xúc mà có lẽ họ sẽ không bao giờ quên được trong quãng đời gắn bó với nghề y.
Bác sỹ Nguyễn Trọng Thiện, Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng cho hay, để làm “sạch” bệnh viện, những ngày qua, các lực lượng chức năng đã được huy động thực hiện tổng vệ sinh khuôn viên. Ngoài ra, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 khi đón tiếp bệnh nhân, bệnh viện đã tổ chức phân luồng bệnh nhân, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh theo đúng quy định của Bộ Y tế. Hiện bệnh viện còn 1.018 người. Trong số đó có 365 nhân viên, được xét nghiệm lần 2, đều cho kết quả âm tính.
Sau giờ khắc dỡ phong tỏa, Bệnh viện C Đà Nẵng lại bắt đầu mở cửa tiếp nhận bệnh nhân nặng, các y, bác sỹ lại tiếp tục cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh ở phía trước. “Cán bộ y tế chúng tôi đã sẵn sàng bắt tay ngay vào công tác khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải nâng cao cảnh giác, tự bảo vệ mình và tập trung ngay vào công tác chuyên môn để phục vụ cho người dân tốt nhất”, bác sỹ Nguyễn Trọng Thiện chia sẻ.
Đến chiều 8/8, Việt Nam có thêm 21 ca mắc mới COVID-19
Tính đến 18 giờ ngày 8/8, Việt Nam có tổng cộng 810 ca mắc COVID-19, trong đó 317 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 353 ca.
Riêng trong 21 ca mắc mới ngày 8/8, có 20 ca liên quan Đà Nẵng (Đà Nẵng 15, Quảng Nam 2, Bắc Giang 2, Khánh Hoà 1) và 1 ca cách ly ngay sau nhập cảnh tại Hà Nội. Đáng chú ý, các các mắc mới đều là F1. Cụ thể:
Ca bệnh 790 (BN790) tại Hà Nội là Bệnh nhân nam, 17 tuổi, địa chỉ tại Hưng Long, Bình Chánh, Bình Dương.
Ngày 6/8, bệnh nhân từ Mỹ về Sân bay Nội Bài trên chuyến bay VN2, cách ly ngay sau nhập cảnh tại Hà Nội. Bệnh nhân đươc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm, kết quả bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Ca bệnh 791 (BN791) tại Khánh Hoà là Bệnh nhân nam, 45 tuổi, có địa chỉ tại Cam Nghĩa, Cam Ranh, Khánh Hoà, là F1 của BN751.
Ca bệnh 792 và 796 (BN792 và BN796) tại Quảng Nam gồm 1 ca thăm người thân tại Khoa Nội thận - Nội tiết, Bệnh viện Đà Nẵng và 1 ca là bệnh nhân Khoa Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Đà Nẵng. Hiện các bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.
Ca bệnh 793-794 (BN793-794) tại Bắc Giang đều là ca F1, cùng nhóm gia đình đi du lịch Đà Nẵng 21-24/7. Hiện các bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Ca bệnh 795 và 797-810 (BN795 và BN797-810) tại Đà Nẵng gồm 1 ca là nhân viên y tế, 1 ca là bệnh nhân, 13 ca là F1.
Hàng chục y, bác sĩ tình nguyện đến Đà Nẵng, Quảng Nam hỗ trợ phòng, chống dịch
Chiều 8/8, đoàn y, bác sỹ tỉnh Phú Thọ và Bình Định đã đến tỉnh Quảng Nam để chia sẻ những khó khăn trong phòng, chống dịch bệnh với địa phương nằm trong trung tâm dịch COVID-19 của miền Trung. Trong đó, đoàn tỉnh Phú Thọ có 38 người, gồm 18 bác sỹ và 20 điều dưỡng; đoàn Bình Định có 10 người, thuộc Viện Sốt rét Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn.
Theo đó, đội ngũ y, bác sỹ của tỉnh Phú Thọ sẽ hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh ở tỉnh Quảng Nam tại 4 bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa phía Bắc tỉnh Quảng Nam, Bệnh viện Đa khoa thành phố Hội An, Bệnh viện Đa khoa thị xã Điện Bàn và Bệnh viện Đa khoa Trung ương Núi Thành. Đây là các cơ sở y tế đang tập trung điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Trước đó, ngày 6/8 và 7/8, 26 bác sỹ, điều dưỡng thuộc các đơn vị y tế chủ lực của tỉnh Bình Định đã tình nguyện ra chi viện cho thành phố Đà Nẵng chống dịch COVID-19. Họ là những thầy thuốc trẻ tuổi; lời hứa trước lúc lên đường là sẽ hoàn thành nhiệm vụ và chỉ rời Đà Nẵng khi thành phố không còn dịch COVID-19.
Tây Ninh bắt quả tang đối tượng chôn lấp rác thải y tế không qua xử lý
Công an tỉnh Tây Ninh đã bắt quả tang tài xế xe ủi Phan Tấn Dũng dùng xe ủi chôn lấp rác thải y tế chưa qua xử lý tại khu đất thuộc phường 1, Thành phố Tây Ninh.
Tại thời điểm kiểm tra, các trinh sát Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Tây Ninh phát hiện trên thửa đất có chứa khoảng trên 100 bao rác thải y tế loại bao bì nhựa đựng vỏ thuốc và vỏ vỉ thuốc, mỗi bao chứa khoảng 40 kg.
Qua kiểm tra, lực lượng Công an phát hiện có 15 bao rác đã được chôn lấp dưới lòng suối Vũng Trâu, nằm cạnh khu đất tổ 23, khu phố 2, phường 1, thành phố Tây Ninh.
Tại cơ quan Công an, bước đầu ông Lê Gia Thành khai nhận, số rác thải kể trên là của ông Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1977, phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh chở đến tập kết tại khu đất của ông Thành.
Sáng 8/8, khi ông Lê Gia Thành đang hướng dẫn người lái xe ủi, chôn lấp xuống lòng suối thì bị lực lượng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Tây Ninh bắt quả tang.