Tuần từ ngày 22 - 28/4, trong nước diễn ra một số sự kiện nổi bật, thu hút sự quan tâm của dư luận: Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để đồng chí Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ; “Ba tăng cường”, “Năm đẩy mạnh” trong chuyển đổi số; phiên đấu thầu vàng miếng sau 11 năm ngưng hoạt động; thời tiết dịp 30/4-1/5/2024 nắng nóng nhất trong 10 năm qua; 60 địa phương công bố lịch, môn thi vào lớp 10; vụ tai nạn lao động nghiêm trọng tại Yên Bái…
Trung ương Đảng đồng ý để đồng chí Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ
Tuần qua, ngày 26/4/2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp xem xét, cho ý kiến và đồng ý cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác đối với đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đồng chí Vương Đình Huệ là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở; được phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, đồng chí đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Những vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Vương Đình Huệ đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân đồng chí. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đồng chí đã có Đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác.
Căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của đồng chí Vương Đình Huệ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để đồng chí Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
“Ba tăng cường”, “Năm đẩy mạnh” trong chuyển đổi số
Trong tuần qua, ngày 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Phiên họp trực tuyến với các địa phương lần thứ 8 của Ủy ban đánh giá về công tác chuyển đổi số, kinh tế số thời gian qua và các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện năm 2024.
Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp thời gian tới phải quyết liệt triển khai chuyển đổi số quốc gia với “3 tăng cường”: Tăng cường nhận thức vai trò của chuyển đổi số trong đời sống kinh tế xã hội; tăng cường tiềm lực cho chuyển đổi số và tăng cường hợp tác công tư phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Cùng với đó là “5 đẩy mạnh”: Hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý đầy đủ thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia; phát triển hạ tầng số, nền tảng số tạo tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế số; tạo lập dữ liệu số, phát triển dịch vụ số, bảo đảm kết nối, liên thông, chia sẻ liên tục, thông suốt, đồng bộ; phát triển nhân lực số, kỹ năng số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin để bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia từ sớm, từ xa.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ưu tiên các nguồn lực, bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia và 3 chiến lược về phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; phát triển dữ liệu số; triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc tăng ít nhất 5 bậc và chỉ số an toàn an ninh mạng thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu.
Phiên đấu thầu vàng miếng sau 11 năm ngưng hoạt động
Tuần qua, trong nước đã diễn ra phiên đấu thầu vàng miếng SJC tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước. Tại phiên đấu thầu lần 1 ngày 23/4 diễn ra sau 11 năm phiên đấu thầu ngưng hoạt động, trong số 11 ngân hàng, doanh nghiệp đấu thầu, chỉ có SJC và ACB trúng thầu 3.400/16.800 lượng vàng miếng, khối lượng vàng miếng của một lô giao dịch là 100 lượng/lô.
Như vậy, có tới 80% khối lượng vàng đấu thầu bị “ế” vì giá cao. Việc Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng ở thời điểm này, khi giá vàng miếng SJC biến động mạnh, khiến nhiều đơn vị tham gia đấu giá cân nhắc.
Tiếp đó, phiên đấu thầu vàng lần 2 ngày 25/4 của Ngân hàng Nhà nước, với khối lượng đấu thầu 16.800 lượng vàng SJC đã bị hủy do chỉ có một đơn vị tham gia. Hầu hết đơn vị tham gia "không thỏa mãn" với mức giá sàn do Ngân hàng Nhà nước công bố, khi xét tới việc phải bỏ ra lượng vốn lớn trong bối cảnh giá vàng thế giới có xu hướng đi xuống.
Một số chuyên gia ngân hàng cho rằng: Muốn giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, nhà điều hành cần bán ra với giá sát hoặc thấp hơn thị trường trong nước. Trường hợp NHNN vẫn đấu thầu như một đơn vị kinh doanh, thay vì vai trò cơ quan quản lý can thiệp thị trường, thì mục tiêu kéo giá vàng SJC gần với giá vàng thế giới chưa thể đạt được. Để phiên đấu thầu vàng thời gian tới hấp dẫn hơn, đại diện các doanh nghiệp kinh doanh vàng đề xuất, Ngân hàng Nhà nước giảm khối lượng mua tối thiểu.
Dịp 30/4-1/5/2024: Nắng nóng nhất trong 10 năm qua
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, trong giai đoạn 10 năm qua, chưa có năm nào cả 3 miền Bắc - Trung - Nam cùng xảy ra nắng nóng trong thời gian nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 như năm nay.
Dự báo, tại khu vực Bắc Bộ sẽ có đợt nắng nóng diện rộng, với mức nhiệt ở Đông Bắc Bộ, trong đó có Thủ đô Hà Nội, khả năng cao tới 37 - 38 độ C. Các tỉnh phía Tây Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa vào đến Bình Định, Phú Yên, nhiệt độ khả năng cao 37 - 39 độ C. Khu vực miền núi phía Tây Thanh Hóa đến Quảng Ngãi nhiệt độ khả năng lên tới 39 - 41 độ C. Còn khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ trong những ngày nghỉ lễ cũng xảy ra nắng nóng. Ở khu vực Tây Nguyên, nhiệt độ có thể lên tới 35 - 37 độ C, Nam Bộ nhiệt độ từ 36 - 38 độ C.
Thời gian tới, hiện tượng dông lốc, sét, mưa đá có thể xuất hiện ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ vì đây là giai đoạn giao mùa. Đặc biệt, dự báo năm nay với nền nhiệt cao hơn trung bình nhiều năm thì hiện tượng này sẽ mãnh liệt hơn so với trung bình nhiều năm.
Hầu hết các địa phương đã công bố lịch và môn thi vào lớp 10
Tuần qua, gần hết các địa phương trên cả nước công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 – 2025 với ba môn Toán, Văn, Tiếng Anh. Tại TP Hồ Chí Minh, lịch thi lớp 10 công lập vào ngày 6 - 7/6. Tại Hà Nội, thời gian tổ chức kỳ thi diễn ra vào ngày 8 - 9/6.
Bài thi môn Toán và Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; bài thi môn Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Với bài thi môn Ngoại ngữ, thí sinh đăng ký một trong các thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn. Điểm xét tuyển bằng tổng điểm môn Toán và Ngữ văn nhân hệ số 2, cộng điểm ngoại ngữ và điểm ưu tiên (nếu có). Mỗi thí sinh được đăng ký tối đa ba nguyện vọng, trong đó nguyện vọng 1 và 2 phải thuộc khu vực tuyển sinh, nguyện vọng 3 thuộc khu vực bất kỳ. Điểm trúng tuyển nguyện vọng 2 và 3 phải cao hơn 1 và 2 điểm so với nguyện vọng 1.
Vụ tai nạn lao động nghiêm trọng tại Yên Bái
Trong tuần qua, tại Nhà máy xi măng Yên Bái (thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình) đã xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng.
Sự việc xảy ra khi tổ thợ gồm 10 người tiến hành công đoạn bảo dưỡng thường xuyên, thay tấm lót trong máy nghiền. Theo đúng quy trình an toàn lao động phải tắt điện, sau đó, các thợ vào trong lồng tiến hành siết các ốc vít và thay các tấm lót. Nhưng do bất cẩn trong quá trình ngắt, mở điện, làm động cơ chính máy nghiền số 3 hoạt động, khiến lò nghiền dịch chuyển, làm 7 người chết, 3 người bị thương.
Liên quan đến vụ việc này, Công an địa phương đã khởi tố, bắt tạm giam một nhân viên. Theo các chuyên gia, vụ tai nạn cho thấy những lỗ hổng trong công tác đảm bảo an toàn khi vận hành sửa chữa máy móc.
Qua vụ tai nạn lao động này, lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan chấn chỉnh, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn bảo đảm nghiêm ngặt các quy tắc an toàn lao động, vệ sinh, đảm bảo an toàn môi trường làm việc; yêu cầu Công ty Cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái làm rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân trong việc để xảy ra tai nạn lao động; khẩn trương khắc phục hậu quả vụ tai nạn, khôi phục và ổn định sản xuất kinh doanh.
Vụ tai nạn lao động nghiêm trọng này cũng đang đặt ra nhiều vấn đề về quy trình vận hành, kỹ năng xử lý khi xảy ra sự cố trong các nhà máy, cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp và các cấp quản lý. Để xảy ra sự cố này, cần rút ra các bài học nhằm phòng ngừa không xảy ra những việc tương tự.-