Tin nổi bật ngày 6/4

Những thông tin thời sự nổi bật ngày 6/4 thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội gồm: Bà Võ Thị Ánh Xuân được Quốc hội bầu giữ chức Phó Chủ tịch nước; từ ngày 7-15/4 đề phòng thời tiết nguy hiểm; Việt Nam ghi nhận 11 ca mắc mới được cách ly ngay sau nhập cảnh; Cần Thơ tạm giữ 71 búp bê nghi là Kumanthong; rắn học trò bò vào sân cắn bé gái 15 tháng tuổi tử vong.

Bà Võ Thị Ánh Xuân được Quốc hội bầu giữ chức Phó Chủ tịch nước

Với tổng số 449 đại biểu có mặt bỏ phiếu (bằng 93,54%); 447 đại biểu tán thành (bằng 93,13%), 2 đại biểu không tán thành (bằng 0,42%); chiều 6/4, đồng chí Võ Thị Ánh Xuân đã được Quốc hội bầu giữ chức Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chú thích ảnh
Tân Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân. Ảnh: TTXVN.

Tân Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân sinh ngày 8/1/1970, quê quán xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Ủy viên Trung ương Đảng Khóa XI (dự khuyết), XII, XIII; Bí thư Tỉnh ủy An Giang; Đại biểu Quốc hội Khóa XIV.

Ngày 24/9/2020, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, đồng chí tiếp tục được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy An Giang khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ngày 30/1/2021, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng chí được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Thực hiện công tác nhân sự tại Kỳ họp thứ 11, sáng 6/4, các đại biểu Quốc hội nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn về việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với bà Đặng Thị Ngọc Thịnh.

Sau khi Ban Kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với bà Đặng Thị Ngọc Thịnh. Kết quả biểu quyết có: 451/452 đại biểu có mặt tán thành thông qua Nghị quyết, chiếm 93,96% tổng số đại biểu Quốc hội.

Chiều 6/4, Việt Nam ghi nhận 11 ca mắc mới được cách ly ngay sau nhập cảnh

Từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 6/4, Việt Nam ghi nhận 11 ca mắc mới, gồm 10 công dân Việt Nam và 1 người quốc tịch Ấn Độ, là các ca nhập cảnh được cách ly ngay cảnh tại Long An (1), Cà Mau (3), Đà Nẵng (2) và Tây Ninh (5).

Chú thích ảnh
Bệnh viện Quân y 121 - Cục Hậu cần Quân khu 9 tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 1 năm 2021 (mũi 1) cho các đơn vị khu vực sông Hậu, từ ngày 1/4 đến 16/4/2021. Ảnh: TTXVN.

Như vậy, Việt Nam đã có tổng cộng 2.648 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.603 ca mắc do lây nhiễm trong nước, 910 ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay. Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), có thêm 6 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh gồm các bệnh nhân số 1737, 2072, 2112, 2443, 2512, 2550. Đến nay, Việt Nam đã chữa khỏi 2.422 bệnh nhân; ghi nhận 35 ca tử vong liên quan đến dịch COVID-19.

Trong số những bệnh nhân đang được tiếp tục điều trị tại các cơ sở y tế, 17 người có kết quả xét nghiệm âm tính lần một với SARS-CoV-2, có 9 người âm tính lần hai và 16 người âm tính lần ba. Cả nước hiện có 36.701 người tiếp xúc gần với các bệnh nhân mắc COVID-19 hoặc nhập cảnh từ vùng dịch, đang được cách ly theo dõi sức khỏe; trong đó 515 người được cách ly tại bệnh viện, 20.366 người được cách ly tập trung tại các cơ sở khác, 15.820 người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Từ ngày 7-15/4, đề phòng thời tiết nguy hiểm

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các khu vực trong cả nước đều có mưa, dông và tập trung vào chiếu tối và đêm, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Diễn biến thời tiết từ ngày 7-15/4: Phía Tây Bắc Bộ từ ngày 7-10/4, có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to; riêng ngày 7/4 có mưa rào và dông vài nơi. Từ ngày 11-12/4, phía Tây Bắc Bộ, ngày nắng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi; từ ngày 13-15/4, có mưa rào và dông rải rác, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Phía Đông Bắc Bộ từ ngày 7-10/4, có mưa rào và dông rải rác, vùng núi cục bộ có mưa vừa, mưa to; riêng ngày 7/4 có mưa, mưa rào rải rác vào buổi sáng. Từ ngày 11-12/4, phía Đông Bắc Bộ có mưa rào và dông vài nơi, trưa chiều trời nắng; từ ngày 13-15/4, có mưa rào và dông rải rác, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Phân tích về hiện tượng dông, lốc, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) Trần Quang Năng cho biết, đặc điểm của gió lốc là tốc độ gió tăng mạnh đột ngột. Khi đối lưu phát triển mạnh trong các đám mây dông, sự chênh lệch nhiệt độ theo chiều thẳng đứng lớn, làm cho áp suất thay đổi đột ngột, tạo nên những cột gió xoáy lớn có khả năng phá hủy, hút, kéo rất lớn. Hiện tượng dông, lốc xoáy, sét, mưa đá và gió giật mạnh tiềm ẩn mạnh nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân. Lốc xoáy thường xảy ra cùng với những cơn dông mạnh nên khi có các thông tin cảnh báo mưa dông thì người dân cần tránh trú ở những nơi an toàn tại các công trình xây dựng kiên cố. Người dân cũng cần lưu ý, trong những ngày nắng nóng cần theo dõi chặt chẽ cảnh báo trên các phương tiện truyền thông để có biện pháp đề phòng thiệt hại do dông, lốc gây ra.

Cần Thơ: Tạm giữ 71 búp bê nghi là Kumanthong

Ngày 6/4, thông tin từ Công an quận Cái Răng, TP Cần Thơ, đơn vị đang tạm giữ 71 con búp bê nghi là Kumanthong không có hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Theo Công an quận Cái Răng, qua công tác nắm tình hình, chiều 5/3, lực lượng chức năng đã kiểm tra căn hộ trong khu chung cư Hưng Phú ở phường Hưng Phú, quận Cái Răng, do Thái Thị Yến Nhi (sinh năm 1997, trú tại quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ) thuê và phát hiện 71 con búp bê, nghi là Kumanthong, đựng trong thùng giấy. Công an quận Cái Răng đã tạm giữ toàn bộ số búp bê nói trên để điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

Được biết, Kumanthong cùng với Lukthep là hai loại bùa ngải dưới dạng búp bê hình trẻ em trong tín ngưỡng dân gian ở Thái Lan. Một số đối tượng đưa hai loại búp bê này về Việt Nam, khoác lên chúng sự huyền bí để lừa đảo những người nhẹ dạ, cả tin. Hiện tại, trên mạng xã hội có hàng chục hội, nhóm kín được lập ra để trao đổi, mua bán và hướng dẫn cách chăm sóc, thờ cúng búp bê Kumanthong. Mỗi búp bê Kumanthong được rao bán với giá từ vài triệu đến cả trăm triệu đồng, được đồn thổi là có khả năng mang lại sự may mắn cho người nuôi.

Rắn học trò bò vào sân cắn bé gái 15 tháng tuổi tử vong

Ngày 6/4, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) cảnh báo về một loại rắn có tên hoa cổ đỏ hay còn gọi là rắn học trò, được nhiều người nghĩ là không có độc, thậm chí cho trẻ nuôi chơi nhưng đã gây tử cho bé gái N.T.N.T (15 tháng tuổi, Tiền Giang). Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, ngày 29/3, bệnh nhi được Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang chuyển đến cấp cứu. 

Theo lời kể của người nhà, khi bé đang chơi ngoài sân thì bị rắn cắn, người nhà đắp lá thuốc, nhưng thấy máu ở vết thương vẫn chảy, nên đưa bé vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang. Theo đó, bệnh viện đã cấp cứu, dùng thuốc chống rối loạn đông máu, tiêm 4 lọ kháng huyết thanh dành cho rắn lục tre. Tuy nhiên, vết rắn cắn vẫn bị chảy máu và có nhiều vết bầm trên cơ thể, nên bệnh viện đã chuyển bé lên TP Hồ Chí Minh.

Khi đến Bệnh viện Nhi đồng 1, các bác sĩ nhận ra đây không phải là vết thương do rắn lục tre hay rắn lục đuôi đỏ cắn. Qua đối chiếu hình ảnh với gia đình, các bác sĩ xác định bệnh nhi bị rắn hoa cổ đỏ cắn, một loại rắn độc chưa có kháng huyết thanh. Bệnh nhi được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, các bác sĩ cố gắng cứu bé bằng cách truyền rất nhiều máu, chế phẩm máu, gần như là thay máu cho bé, truyền thuốc rối loạn đông máu... Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhi ngày càng nặng, xuất huyết không chỉ ở vết thương mà còn dưới da, chân răng, nghi ngờ xuất huyết não, suy hô hấp và đã tử vong sau 2 ngày.

Theo bác sĩ Phương, rắn hoa cổ đỏ thuộc dòng rắn nước nhưng cư trú trên bờ, thường sống xung quanh nhà dân. Loại rắn này nhìn ngoài rất đẹp, có đầu màu xanh ô liu, cổ đỏ, thân hình nhiều hoa văn đen, xanh… và có nhiều tên gọi như rắn hổ lửa, rắn học trò, rắn bảy màu… Rắn hoa cổ đỏ cũng là một loại lắn rất đặc biệt vì 10 người cắn thì chỉ có 3 người bị nhiễm độc, 7 người không có triệu chứng gì, nên nhiều người lầm tưởng loại rắn này không có độc, thậm chí cho trẻ con nuôi chơi. Tuy nhiên, đây là một loại rắn độc và nếu bị cắn dễ bị rối loạn đông máu. Đến nay, Việt Nam chưa có huyết thanh để điều trị.

Vì vậy, bác sĩ Phương khuyến cáo, không nên nuôi rắn học trò để làm thú cưng và cũng không uống mật rắn, ngâm rượu rắn vì nọc của rắn này không bị biến đổi bởi nhiệt, axit, rượu… Khi bị rắn cắn thì nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý, không dùng các loại lá cây đắp lên vì điều này có thể gây nhiễm trùng và mất đi cơ hội vàng trong cấp cứu.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Tin nổi bật ngày 5/4
Tin nổi bật ngày 5/4

Ngày 5/4, các thông tin nổi bật được dư luận đặc biệt chú ý là: Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước; Đồng chí Phạm Minh Chính được Quốc hội bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ; Tổng Cục đường bộ khẳng định sẽ tạm dừng thu phí BOT nếu để đường hư hỏng không sửa chữa; Băng qua đường sắt, một phụ nữ bị tàu hỏa cán đứt 2 chân…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN