Tin nổi bật ngày 29/10

Ngày 29/10, dư luận đặc biệt quan tâm tới hoạt động cứu nạn và khắc phục hậu quả mưa lũ, đặc biệt là cơn bão số 9 tại các tỉnh miền Trung; vụ sạt lở đất tại Quảng Nam và vụ cướp ngân hàng tại Hoà Bình.

Triển khai mọi phương án để tiếp cận, cứu nạn những người còn sống sót

Chú thích ảnh
Lực lượng Quân khu 5 tăng cường phương tiện vào điểm sạt lở Trà Leng (huyện Nam Trà My). Ảnh: TTXVN

Ngày 29/19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ra  Công điện 1503/CĐ-TTg yêu cầu khẩn trương cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi đến những người dân bị nạn và gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình có người thân bị thiệt mạng do sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và biểu dương công tác tìm kiếm cứu nạn của lực lượng địa phương tại chỗ, các lực lượng tại hiện trường và lực lượng vũ trang.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, Bộ Quốc phòng, các đồng chí Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Tư lệnh Quân khu 5 và các đơn vị liên quan tiếp tục tập trung chỉ đạo các lực lượng khẩn cấp tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân.

Trong quá trình tìm kiếm, phải phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng để thực hiện cứu hộ, cứu nạn được đồng bộ, hiệu quả và phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn.

Bằng mọi cách, mọi phương tiện đưa lực lượng và phương tiện cứu hộ cứu nạn tiếp cận nhanh nhất đến các khu vực bị sạt lở có người bị vùi lấp và cấp cứu các nạn nhân..

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam và các lực lượng cứu hộ cứu nạn tập trung khắc phục sớm nhất các đoạn, tuyến giao thông bị sạt lở tạo điều kiện đưa phương tiện cơ giới vào khu vực tìm kiếm cứu nạn. Cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Nam khẩn trương tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ thân nhân các gia đình có người gặp nạn, hỗ trợ tổ chức tang lễ chu đáo cho những người bị thiệt mạng theo phong tục địa phương.

Cũng trong ngày 29/10, Văn phòng Chính phủ có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trong chuyến công tác chỉ đạo, kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả mưa lũ tại một số tỉnh duyên hải miền Trung.

Chú thích ảnh
Khung cảnh hoang tàn ở xã Hướng Việt, huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị sau trận lũ quét. Ảnh: TTXVN phát

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành và địa phương cần khẩn trương triển khai các giải pháp khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra và tìm kiếm những người bị mất tích; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương ổn định đời sống người dân, tuyệt đối không được để dân đói, dân rét, không có chỗ ở, không để dịch bệnh bùng phát do ô nhiễm môi trường sau mưa lũ.

Trước những đau thương, mất mát to lớn do mưa lũ gây ra, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất tới thân nhân của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, những người bị tử nạn do thiên tai, chia sẻ những lo âu của gia đình có người còn bị mất tích tại các tỉnh miền Trung.

Phó Thủ tướng biểu dương, khen ngợi sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ của các lực lượng, trong đó nòng cốt là lực lượng quân đội và công an nhân dân; nhiều tấm gương dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ, nhà báo đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm và hy sinh để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.

Các bộ, ngành và địa phương cần khẩn trương triển khai các giải pháp khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra và tìm kiếm những người bị mất tích; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương ổn định đời sống người dân, tạo mọi điều kiện để học sinh sớm được trở lại trường; tuyệt đối không được để dân đói, dân rét, không có chỗ ở, không để dịch bệnh bùng phát do ô nhiễm môi trường sau mưa lũ.

Với sự ủng hộ, nhất trí của các bộ, ngành và được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung 20 tỷ đồng cho tỉnh Quảng Nam, 20 tỷ đồng cho tỉnh Thừa Thiên-Huế và 40 tỷ đồng cho tỉnh Quảng Trị từ dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 để tập trung hỗ trợ cho các huyện: Tây Giang, Phong Điền, Hướng Hóa và Đắk Krông (đây là các huyện thuộc vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, bị thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua).

21 người thoát nạn trong vụ sạt lở tại Nam Trà My

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng mở đường vào điểm sạt lở xã trà Vân, huyện Nam Trà My. Ảnh: TTXVN phát

Tối 29/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết có 21 người may mắn chạy thoát tại 2 vụ sạt lở kinh hoàng ở xã Trà Leng và Trà Vân huyện Nam Trà My.

Đây là 21 người trong số trong số 53 người được xem là mất tích như thông tin ban đầu.Cũng theo ông Hồ Quang Bửu, sau một ngày nỗ lực tiếp cận hiện trường, đến chiều 29/10, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn cứu hộ sau khi tiếp tục đi bộ gần 4 km đã đến được thôn 1 xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Họ đã cùng với người dân địa phương đã tìm được 12 người bị thương nặng và 6 thi thể, đều là người dân ở thôn 1 xã Trà Leng. Những người bị thương đang được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Bắc Trà My. Thi thể những người thiệt mạng đã được bàn giao cho người thân và chính quyền để lo hậu sự theo phong tục địa phương.

"Nguyên nhân sự cố kinh hoàng này bước đầu được xác định là do lũ ống dẫn đến sạt lở núi", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết thêm.

Hiện tại ở xã Trà Leng vẫn còn 14 người còn đang mất tích. Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến, Phó Tư lệnh Quân khu 5 đang tiếp tục chỉ huy công tác tìm kiếm cứu nạn, trong khi đó đường đến xã Trà Leng vẫn còn hơn 3 km bị sạt lở nặng, gây ách tắc giao thông.

Trong đêm 29/10, các phương tiện cơ giới hạng nặng đã được ngành giao thông tỉnh Quảng Nam tăng cường để san ủi bùn đá, dọn dẹp cây cối đổ ngã, thông đường để các lực lượng tìm kiếm cứu nạn vào hiện trường, đẩy nhanh công tác tìm kiếm, cứu hộ.

Tỉnh Quảng Nam và lực lượng tham gia công tác tìm kiếm đang tập trung tối đa nguồn lực để nhanh chóng tìm kiếm người bị mất tích trong vụ lũ ống gây sạt lở khủng khiếp này ở hai xã Trà Leng và Trà Vân, huyện Nam Trà My.

Trong buổi sáng 29/10 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Đoàn công tác của Chính phủ cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã cấp tốc đến huyện Bắc Trà My (gần hiện trường vụ sạt lở làm 53 người bị vùi lấp trong đêm 28/10 tại Thôn 1 (xã Trà Leng) và Thôn 1 (xã Trà Vân) thuộc huyện Nam Trà My), để trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu nạn - cứu hộ.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra và chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn trên đường đến hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm/TTXVN

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu lực lượng cứu hộ phải nhanh chóng vượt qua các điểm tắc nghẽn để tiếp cận hiện trường vụ sạt lở, thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" trong công tác tìm kiếm, cứu nạn - cứu hộ, huy động tất cả mọi phương tiện. Lực lượng vũ trang Quân khu 5 và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam là lực lượng nòng cốt trong nhiệm vụ đặc biệt này.

Phó Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Quảng Nam và các lực lượng chức năng khẩn trương chạy đua với thời gian, huy động các phương tiện khai thông Quốc lộ 40 để lực lượng cứu hộ tiếp cận hiện trường.

Nứt dài 200m tại Núi Tà Bang (Hướng Hóa)

Chú thích ảnh
Khung cảnh tan hoang sau lũ tại trung tâm xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), ngày 17/10/2020. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Tối 29/10, UBND huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị cho biết, cơ quan chức năng của địa phương đã triển khai lực lượng di dời khẩn cấp 32 hộ dân với 165 nhân khẩu nằm dưới chân núi Tà Bang thuộc thôn La Ri Lào, xã Hướng Sơn, huyện miền núi Hướng Hóa do trên đỉnh núi xuất hiện vết nứt lớn.Theo đó, từ nguồn tin của người dân, trên đỉnh núi Tà Bang xuất hiện một vết nứt dài có nguy cơ sạt lở, gây nguy hiểm tính mạng và tài sản đối với những hộ dân sống bên dưới chân núi.

Ngay sau đó, chính quyền địa phương đi kiểm tra và phát hiện vết nứt dài khoảng 200 m, có chiều rộng khoảng 20 - 50 cm, dưới những vết nứt là khoảng trống sâu. Trước thực trạng trên, chính quyền xã Hướng Sơn đã tiến hành di dời khẩn cấp 32 hộ dân với 165 nhân khẩu, thuộc vùng nguy hiểm nằm dưới chân núi Tà Bang đến nơi an toàn tránh nguy cơ sạt lở có thể xảy ra. Đồng thời, UBND xã Hướng Sơn đã có văn bản kiến nghị UBND huyện Hướng Hóa có biện pháp di dời dân đến nơi ở khác sinh sống. Hiện nay tuyến đường dẫn vào xã Hướng Sơn vẫn đang bị chia cắt do sạt lở, các phương tiện cơ giới vẫn chưa thể tiếp cận được.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, đến tối 29/10, do ảnh hưởng của bão số 9, trên địa bàn đã có 3 người bị thương; 9 nhà bị sập, 13 nhà bị hư hỏng hoặc xiêu vẹo, 249 nhà bị tốc mái. Về giao thông, nhiều tuyến đường bị hư hại nghiêm trọng. Đặc biệt, tại huyện miền núi ĐaKrông đến 19 giờ ngày 29/10 vẫn có 2 điểm bị sạt lở khiến xe ô tô không thể lưu thông được.

Chi nhánh Ngân hàng Agribank huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) bị cướp hơn 200 triệu đồng

Theo thông tin từ Công an tỉnh Hòa Bình, vào khoảng 11 giờ 15 phút, ngày 29/10 tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) huyện Lạc Sơn có trụ sở tại xã Vũ Bình, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) xảy ra vụ cướp tài sản.

Thời điểm nói trên, lợi dụng thời điểm quầy giao dịch vắng người, trời mưa to, một đối tượng mặc áo mưa, đeo khẩu trang, đội mũ bảo hiểm dùng súng ngắn đe dọa và cướp hơn 200 triệu đồng, sau đó tẩu thoát theo hướng Lâm Hóa - Vụ Bản, huyện Lạc Sơn.

Sau khi nhận được tin báo, lực lượng chức năng Công an huyện Lạc Sơn đã khẩn trương có mặt tại hiện trường lấy lời khai của nhân chứng, xác minh, điều tra.

Hiện vụ việc đang cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ.

PV/Báo Tin tức
Bộ Công Thương: Nếu không có thuỷ điện Đak Mi 4, lũ có thể vượt mức lịch sử
Bộ Công Thương: Nếu không có thuỷ điện Đak Mi 4, lũ có thể vượt mức lịch sử

Theo Bộ Công Thương, nếu không có Đak Mi 4, cùng các hồ thủy điện A Vương, Sông Bung 4, Sông Tranh 2 và và quy trình vận hành an toàn, nghiêm ngặt thì vùng Đại Lộc và hạ lưu sông Vu Gia sẽ lên trên mức báo động 3, có thể vượt mức lũ lịch sử năm 2009 vài mét và không loại trừ xảy ra thảm họa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN