Làm gì để có một nguồn tài chính dài hạn cho lĩnh vực khoa học và công nghệ (KHCN)? Làm thế nào để có thể giải ngân và giải ngân hiệu quả trong lĩnh vực này? Đó là những câu hỏi được khá nhiều nhà khoa học, nhà doanh nghiệp đặt ra và mong muốn có lời giải đáp thích đáng. Đây cũng chính là nội dung của chương trình "Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời" phát sóng tối 4/11 trong chương trình thời sự trên VTV1- Đài THVN, với sự giải đáp của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân.
Để doanh nghiệp vào cuộc, cần sửa đổi cơ chế
Để KHCN trở thành một quốc sách lâu dài cho quốc gia là một quá trình lâu dài và gian nan, đòi hỏi phải có sự đầu tư thích đáng. Tuy nhiên, nếu chỉ là nguồn kinh phí của Nhà nước đầu tư thì xem ra chưa đủ.
Bên cạnh đó, một cơ chế tài chính dành riêng cho lĩnh vực KHCN của quốc gia có lẽ đã đến lúc phải đặt ra, để thay thế cho cơ chế tài chính tồn tại lâu nay - bị coi là "nút thắt cho tiến trình phát triển của KHCN Việt Nam", nhất là khi Luật KHCN sửa đổi đang được bàn thảo trong kỳ họp Quốc hội lần này, và đã có nhiều ý kiến tranh luận mạnh mẽ liên quan đến lĩnh vực cơ chế tài chính dành cho lĩnh vực KHCN.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, từ năm 2000, Quốc hội đã phê chuẩn dành 2% tổng chi ngân sách nhà nước cho hoạt động KHCN. Và mức chi này đã được duy trì trong hơn 10 năm qua. "Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc huy động đầu tư của xã hội cho KHCN còn rất nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp hầu như không chịu đầu tư cho đổi mới công nghệ của chính doanh nghiệp họ, cũng như đóng góp vào sự phát triển chung của KHCN đất nước. Chính vì thế, trong Luật KHCN sửa đổi lần này sẽ quy định doanh nghiệp phải có nghĩa vụ giành một phần lợi nhuận của họ đầu tư cho phát triển KHCN, và Nhà nước sẽ ưu đãi miễn thuế cho những phần đóng góp này của doanh nghiệp vào KHCN", Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trên thực tế, một số doanh nghiệp đã phàn nàn rằng với cách quản lý tài chính cũng như sự rườm rà và phiền hà của các thủ tục như hiện nay đã khiến họ không hề "hào hứng" khi giành một phần lợi nhuận đầu tư cho KHCN, dù là đang đầu tư cho chính bản thân doanh nghiệp của mình.
Về vấn đề này, theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, băn khoăn của doanh nghiệp là hoàn toàn chính đáng và Bộ trưởng hoàn toàn thấu hiểu sự bất cập trong cơ chế, chính sách này. "Tôi biết nhiều doanh nghiệp cũng rất muốn giành một phần lợi nhuận, thậm chí là một phần rất lớn lợi nhuận, để đầu tư cho việc đổi mới công nghệ của mình. Tuy nhiên, với việc quy định hiện hành của chúng ta chỉ mang tính chất khuyến khích và chỉ cho một giới hạn tối đa là 10% lợi nhuận trước thuế, thì quả thật doanh nghiệp dẫu có trích cũng không thể đủ nguồn để họ có thể đổi mới công nghệ của chính họ. Thứ hai, quy định của chúng ta lại quản lý toàn bộ 100% phần kinh phí được trích ra cho sự phát triển KHCN, như là quản lý phần ngân sách nhà nước; trong khi thực tế doanh nghiệp lập quỹ này và trích lợi nhuận trước thuế vào quỹ này, thì Nhà nước chỉ cho họ có 25% thuế thu nhập doanh nghiệp, hay nói khác đi là 75% còn lại là tiền của doanh nghiệp. Nếu như doanh nghiệp nộp thuế thì 75% này là lợi nhuận sau thuế, và họ hoàn toàn toàn quyền sử dụng nguồn kinh phí này cho bất kỳ hoạt động nào của họ. Vì vậy, nếu chúng ta quản lý cả 100% như ngân sách nhà nước, đòi hỏi chế độ chứng từ, kế toán, hóa đơn như ngân sách nhà nước, thì là sự cản trở rất lớn. Nhiều doanh nghiệp đã nói với tôi là họ thà đóng thuế còn hơn phải trích quỹ cho KHCN", Bộ trưởng cho biết.
Được biết, trong Dự thảo Luật KHCN sửa đổi đã bổ sung quy định doanh nghiệp được trích một phần lợi nhuận trước thuế để đầu tư phát triển KHCN, lập quỹ phát triển KHCN nhằm đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa. Chính phủ sẽ quy định tỷ lệ trích lợi nhuận trước thuế của DN để đầu tư phát triển hoạt động KHCN. Đồng thời, dự thảo luật cũng bổ sung quy định về trường hợp DN đầu tư, liên kết với các tổ chức KHCN để đầu tư nghiên cứu những vấn đề KHCN thuộc lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm của Nhà nước, đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa được các quỹ trong lĩnh vực KHCN xét hỗ trợ, cho vay một phần kinh phí...
Cần đặt niềm tin vào các nhà khoa học
Đó là lời khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Quân về việc làm thế nào để nguồn vốn đầu tư cho KHCN được sử dụng hiệu quả nhất. Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, Nhà nước phải tin vào giới khoa học, giao quyền tự chủ cao nhất cho những người làm khoa học.
"Vừa qua chính phủ cũng đã chỉ đạo phải chuyển dần việc xây dựng các nhiệm vụ khoa học công nghệ theo phương thức đặt hàng. Có nghĩa là nhà nước đứng ra đặt hàng các nhà khoa học để thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Nhà nước. Tuy nhiên, nếu đã đặt hàng thì Nhà nước phải đảm bảo cung cấp nguồn kinh phí cho hoạt động nghiên cứu KHCN, đảm bảo tiếp nhận trở lại kết quả nghiên cứu khi thành công, đồng thời tổ chức đưa kết quả nghiên cứu đó vào sản xuất và kinh doanh".
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, phải nâng cao chất lượng các hội đồng, kể cả các Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ, cũng như hội đồng về tuyển chọn, xét chọn đánh giá, nghiệm thu. Các nhà khoa học tham gia hội đồng phải được hưởng thù lao thỏa đáng và khi đó, họ sẽ phải có trách nhiệm cao đối với những đánh giá, nhận xét của họ.
Và cuối cùng, theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, chúng ta phải yêu cầu giới doanh nghiệp vào cuộc. Khi đó, giới doanh nghiệp cũng có thể đặt hàng các nhà khoa học, và doanh nghiệp chính là nơi ứng dụng, tiếp nhận kết quả của các nhà khoa học để đưa nó vào sản xuất kinh doanh.
"Với tất cả những yếu tố đó chúng tôi hy vọng thời gian tới KHCN sẽ có hiệu quả hơn so với hiện nay. Còn nếu chúng ta vẫn không chịu thay đổi, vẫn cơ chế như hiện nay, thì chúng ta không bao giờ khắc phục được những yếu kém của KHCN mà trong Nghị quyết Trung ương 6 vừa qua đã chỉ ra chính xác, đầy đủ", Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh.
"Và nếu muốn thay đổi, trước hết chúng ta phải thay đổi cơ chế tổ chức và hoạt động, trong đó chú trọng việc thay đổi cơ chế tài chính cho KHCN", Bộ trưởng Nguyễn Quân kết luận.
A.A