GS.TS Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện Hành chính và Quản trị công, Trưởng đoàn công tác phát biểu.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện Hành chính và Quản trị công cho biết, được sự đồng ý của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính và Quản trị công triển khai Dự án “Quản trị địa phương bao trùm” tại 6 tỉnh, thành phố của Việt Nam; bao gồm: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Huế, Lạng Sơn, Tây Ninh và Đắk Lắk.
Mục tiêu của dự án là khảo sát ở những địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số, có đường biên giới và điều kiện kinh tế khó khăn nhằm thiết lập nền tảng để triển khai dự án và thông qua nhiều nội dung, trong đó có khảo sát đối với lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành để hiểu rõ bối cảnh, định hướng tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy hành chính và những thách thức đặt ra đối với địa phương trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy.
Bà Karen Dalkie – Phó Giám đốc phát triển và quan hệ đối tác - Cơ quan hợp tác Giáo dục Canada phát biểu.
Theo bà Karen Dalkie, Phó Giám đốc phát triển và quan hệ đối tác, Cơ quan hợp tác Giáo dục Canada, Trưởng đoàn chuyên gia Canada, các chuyên gia Canada mong muốn lắng nghe các vấn đề đặc thù, thách thức mà Tây Ninh đang gặp phải trong giai đoạn hiện nay; nhất là các nhu cầu về nâng cao năng lực, hiệu quả điều hành công vụ… Từ đó, dự án “Quản trị địa phương bao trùm” có thể hỗ trợ, tìm giải pháp để đáp ứng được trong bối cảnh diễn ra cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và sắp xếp các đơn vị hành chính cũng như hiện đại hóa nền công vụ; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tây Ninh Đoàn Trung Kiên cho biết, buổi làm việc với Đoàn công tác là dịp để tỉnh chia sẻ, tìm giải pháp đối với các vấn đề còn vướng, khó trong quá trình đẩy mạnh tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy hành chính. Đồng thời, tỉnh tiếp thu những góp ý, định hướng từ các chuyên gia. Tây Ninh đánh giá rất cao mục tiêu và ý nghĩa của dự án “Quản trị địa phương bao trùm” do Học viện Hành chính và Quản trị công triển khai nhằm tiếp tục hoàn thiện mô hình quản trị địa phương theo hướng hiện đại, dân chủ, chuyên nghiệp và lấy người dân làm trung tâm.
Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tây Ninh Đoàn Trung Kiên phát biểu.
Ông Đoàn Trung Kiên đề nghị, dự án tiếp tục quan tâm lồng ghép các nội dung phù hợp với chiến lược phát triển của địa phương, đặc biệt là các cơ chế đặc thù và giải pháp hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân. Tây Ninh sẽ phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả dự án này; mong muốn Học viện Hành chính và Quản trị công nghiên cứu mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị công, nhất là đội ngũ bán bộ quản lý; giúp Tây Ninh nghiên cứu chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy khoa học công nghệ, sử dụng năng lượng tái tạo…
Tại buổi làm việc, các bên đã trao đổi nhiều nội dung về những thách thức trong cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, chuyển đổi số và nâng cao chất lượng dịch vụ công tại địa phương. Đại diện các sở, ngành của tỉnh Tây Ninh đã làm rõ những vấn đề đoàn công tác quan tâm; đồng thời chia sẻ định hướng cải cách và những nỗ lực đổi mới của tỉnh trong thời gian qua.