Tại họp báo, đại diện các đơn vị đã thông tin về một số nội dung chính: Kết quả thực hiện nhiệm vụ huấn luyện Quý I trong Quân đội; kết quả thực hiện Chương trình khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam; kết quả Quân đội tham gia phòng, chống dịch COVID-19; hoạt động xung kích, sáng tạo của thanh niên Quân đội.
Quý I năm 2021, các cơ quan, đơn vị tổ chức huấn luyện cho các đối tượng theo kế hoạch, trong đó, huấn luyện chiến sĩ mới tập trung vào các nội dung giáo dục chính trị, kỹ thuật bắn súng bộ binh, các động tác cơ bản trong chiến đấu, điều lệnh, hậu cần, kỹ thuật; huấn luyện các đội tuyển tham gia Hội thao Army Games 2021; huấn luyện thể thao thành tích cao; huấn luyện dự bị động viên, dân quân tự vệ; giáo dục quốc phòng - an ninh.
Quân đội bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19 chặt chẽ
Theo Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần), Bộ Quốc phòng đã tích cực chỉ đạo, quản lý, thực hiện công tác cách ly tại các điểm cách ly tập trung, đặc biệt tại tỉnh Hải Dương trong giai đoạn bùng phát trong cộng đồng. Lực lượng Biên phòng tăng cường các điểm chốt, kiểm tra, kiểm soát phòng, chống dịch tại các cửa khẩu, đường mòn lối mở tuyến biên giới; ngăn chặn nhập cảnh trái phép không để dịch lây lan qua biên giới. Khoảng 2.800 lượt cán bộ, chiến sĩ từ các học viện, nhà trường đã được điều động, tăng cường cho tuyến biên giới; duy trì quân số làm nhiệm vụ phòng, chống dịch tại trên 1.600 tổ, chốt với hơn 10.000 người tham gia.
Cùng với đó, Quân đội đã tổ chức xét nghiệm bằng test kháng thể cho Bộ đội Biên phòng tại các điểm chốt chặn và cửa khẩu trên tuyến biên giới vớigần 6.700 mẫu, kết quả 100% âm tính; triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong toàn quân.
Từ ngày 1/4/2021, các Bệnh viện Quân y tiếp tục triển khai tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo kế hoạch. Các lực lượng được ưu tiên hàng đầu gồm: lực lượng Biên phòng (nhất là cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở); lực lượng làm nhiệm vụ cách ly ở các đơn vị thực hiện cách ly tập trung; cán bộ, y bác sĩ, nhân viên tại các bệnh viện, ưu tiên các khoa cấp cứu, khoa hồi sức; lực lượng y tế dự phòng, tiếp xúc với người có nguy cơ; các phân đội phòng, chống dịch cơ động…
Quân đội đã tổ chức bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19 chặt chẽ cho các sự kiện của Đảng, Nhà nước và Quân đội; nhiệm vụ tiếp nhận chiến sĩ mới. Đồng thời, Học viện Quân y đã phối hợp sản xuất kit xét nghiệm SARS-CoV-2, không những sử dụng trong nước mà đã có giấy phép chứng nhận của châu Âu và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để xuất khẩu sang các nước có dịch trên thế giới. Học viện tích cực tham gia nghiên cứu vaccine Nano Covax ngừa COVID-19, hiện đang thử nghiệm giai đoạn 2 (giai đoạn xác định liều chuẩn), chuẩn bị sang giai đoạn 3 (giai đoạn thử nghiệm trong cộng đồng).
"Đến nay, đã hoàn thành tiêm mũi 2 đến 500 người, dự kiến sang tháng 5 sẽ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, hy vọng đến tháng 8 là có vaccine trong nước để tiêm cho đồng bào, chiến sĩ", Cục trưởng Cục Quân y thông tin.
Đã rà phá bom mìn, vật nổ trên hơn 480.000 ha
Thông tin về kết quả thực hiện Chương trình khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam, Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam, cho biết: Đến nay, Việt Nam đã hoàn thành công tác điều tra, lập bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên phạm vi toàn quốc. Giai đoạn 2010 – 2020, Việt Nam đã khảo sát, rà phá bom mìn, vật nổ trên diện tích 485.240 ha, với tổng kinh phí hơn 12.600 tỷ đồng. Nhiều dự án rà phá bom mìn đã góp phần phục vụ công tác tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ hy sinh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tại tỉnh Hà Giang; giải phóng đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục nguy cơ phòng tránh tai nạn bom, mìn trên các phương tiện truyền thông; các hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới nâng cao nhận thức về hiểm họa bom mìn; việc giáo dục nguy cơ tai nạn bom mìn trực tiếp tại các trường học, khu dân cư... được triển khai có hiệu quả. 100% các xã, phường, thị trấn trong cả nước tiến hành xác định, phân loại, xếp hạng và cấp thẻ cho người khuyết tật nặng; hỗ trợ trực tiếp cho hơn 5.800 trường hợp nạn nhân bom mìn và các đối tượng bị ảnh hưởng khác với tổng kinh phí hơn 50 tỷ đồng.
Ngày 8/4/2021, trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã chủ trì phiên họp cấp Bộ trưởng với chủ đề "Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững, tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn". Dự kiến trong Quý III năm 2021, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành và UBND tỉnh Quảng Ngãi, Hà Giang tổ chức hoạt động giáo dục phòng tránh tai nạn và hỗ trợ nạn nhân bom mìn. Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục triển khai các kế hoạch, chương trình, dự án rà phá bom mìn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên khoảng 800.000 ha, ưu tiên tại các địa phương bị ô nhiễm nặng.
Nhiều hoạt động ý nghĩa trong Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè của tuổi trẻ Quân đội
Là một trong những hoạt động trọng điểm của công tác Đoàn và phong trào thanh niên Quân đội năm 2021, đợt sinh hoạt chính trị "Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và hành động của tuổi trẻ" được kỳ vọng sẽ tạo những điểm nhấn hết sức quan trọng, tạo nên đợt sinh hoạt, học tập, quán triệt sâu rộng đến từng tổ chức Đoàn, đoàn viên, thanh niên trong Quân đội.
Thượng tá Nguyễn Đức Cương, Phó Trưởng ban Thanh niên Quân đội cho biết, đợt sinh hoạt sẽ tập trung vào nội dung của những văn kiện, những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, những điểm mới, tư duy mới, những vấn đề cốt lõi liên quan trực tiếp đối với thanh niên cả nước nói chung, tuổi trẻ Quân đội nói riêng đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng quyết nghị. Đợt sinh hoạt nhằm góp phần tạo nên sự thống nhất về nhận thức và hành động; củng cố, xây dựng niềm tin, tinh thần trách nhiệm cho mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong toàn quân.
Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè là một trong những hoạt động trọng điểm của tuổi trẻ Quân đội năm 2021, qua đó tuyên truyền, giáo dục cho đoàn viên, thanh niên Quân đội tiếp tục nâng cao nhận thức, phát huy vai trò trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao cũng như trong thực hiện các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng; thể hiện trách nhiệm của tuổi trẻ Quân đội trong tham gia ứng phó với các sự cố môi trường, biến đổi khí hậu, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn…
"Thanh niên Quân đội thực hiện các hoạt động tình nguyện khác với các đơn vị dân sự do đoàn viên, thanh niên chủ yếu ở đơn vị cơ sở, tất cả đều sinh hoạt tập trung trong đơn vị, trừ khi thực hiện hành quân dã ngoại kết hợp với các hoạt động giúp dân. Mục tiêu năm nay của chúng tôi là tổ chức các hoạt động tình nguyện tại chỗ, như xây dựng đơn vị sáng - xanh - sạch - đẹp, tình nguyện thực hiện khâu khó, mặt khó, khâu yếu, mặt yếu, việc mới của đơn vị", Thượng tá Nguyễn Đức Cương cho biết.
Chiến dịch đặt ra chỉ tiêu 100% tổ chức Đoàn tại các đơn vị phải có hoạt động phối hợp với đơn vị kết nghĩa triển khai các hoạt động an sinh xã hội và xây dựng đô thị văn minh; tổ chức các hoạt động tri ân nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, các hoạt động tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách, học sinh nghèo vượt khó, đặc biệt là đồng loạt tổ chức lễ thắp nến tri ân tại tất cả các nghĩa trang liệt sĩ tại địa bàn đóng quân trên cả nước.