Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng các thành viên Ban Chỉ đạo tham dự Hội nghị.
Phát huy tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch
Báo cáo kết quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở 6 tháng đầu năm, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Phước Lộc cho biết, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và nhân dân, Việt Nam nỗ lực ngăn chặn, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. Đến nay, cả nước bước vào giai đoạn thực hiện nhiệm vụ kép: vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa khôi phục phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với triển khai chỉ thị, nghị quyết Trung ương về tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; xây dựng nông thôn mới; phòng, chống dịch COVID-19... đạt nhiều kết quả tích cực. Nhận thức về dân chủ, thực hành dân chủ và kết quả thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tiếp tục được nâng cao. Dân chủ trong Đảng, quản lý, điều hành của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ngày càng thực chất.
Bên cạnh đó, Quốc hội, HĐND các cấp tiếp tục đổi mới chất lượng hoạt động, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trên tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch. Chính phủ, chính quyền địa phương chủ động, kịp thời đưa ra quyết sách phù hợp, quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả; bám sát thực tiễn cuộc sống; hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội nhanh nhạy đổi mới hoạt động đáp ứng bối cảnh đại dịch COVID-19; phối hợp với chính quyền giám sát, phản biện, chăm lo sức khỏe, đời sống của đoàn viên, hội viên và nhân dân.
Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ các cấp chủ động tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; kịp thời ban hành kế hoạch, nhiệm vụ công tác; củng cố, kiện toàn, phân công nhiệm vụ, rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động; tích cực kiểm tra, giám sát, sơ kết đánh giá việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Bên cạnh đó, việc thực hiện quy chế dân chủ ổn định tại địa bàn dân cư; trong các cơ quan nhà nước có nhiều tiến bộ, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu... Việc thực hiện quy chế dân chủ các cấp đã góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Phát huy những kết quả đạt được, trong những tháng cuối năm 2020, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện quy chế dân chủ cơ sở yêu cầu tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ: nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị; cụ thể hóa quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện quy chế dân chủ cơ sở đẩy mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động. Các cơ quan, ban, ngành, địa phương phát huy dân chủ trong Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt chú trọng phát huy dân chủ thực chất trong công tác chuẩn bị, tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân sau đại dịch COVID-19…
Huy động sức mạnh toàn dân
Đánh giá công tác thực hiện dân chủ cơ sở có bước tiến lớn trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đến những giá trị tốt đẹp của nhân dân cũng như vai trò nòng cốt của hệ thống dân vận trong công tác định hướng, lãnh đạo; sự tích cực tham gia của các tổ chức chính trị, tuyên giáo, Mặt trận Tổ quốc… nhằm huy động sức mạnh toàn dân.
Phó Thủ tướng nêu rõ, nhiệm vụ phát huy dân chủ, dân trí đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; bên cạnh việc phổ biến công khai, minh bạch thông tin, cần chú trọng việc hướng dẫn, khuyến nghị; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ triển khai thực hiện.
Xác định công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới “còn rất dài”, Phó Thủ tướng mong muốn cả hệ thống chính trị tiếp tục vào cuộc nhằm huy động sức mạnh nhân dân bước sang trạng thái “bình thường mới”, tập trung phục hồi, phát triển kinh tế, không chủ quan để phòng, chống dịch hiệu quả.
Nêu rõ nhiệm vụ thực hiện quy chế dân chủ cơ sở 6 tháng đầu năm 2020 trong bối cảnh cả nước nỗ lực phòng, chống dịch COVID-19, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, Việt Nam tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, công tác đối ngoại, công tác phòng, chống tham nhũng…; tạo lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Bên cạnh đó, nhận thức trong lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, nhân dân về quy chế dân chủ cơ sở được nâng cao rõ rệt; có tác động tích cực trong công tác xây dựng Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, ông Trần Thanh Mẫn nêu rõ, công tác phòng, chống tham nhũng lãng phí trong những năm gần đây nhận được sự quan tâm, góp ý, phản ánh và hưởng ứng, đồng thuận của nhân dân. Từ không khí dân chủ, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành chú trọng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Lực lượng báo chí tích cực vào cuộc trong các sự việc, nói thẳng, nói thật, tạo niềm tin cho nhân dân.
Dự báo diễn biến tình hình dịch bệnh còn phức tạp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mong muốn toàn dân tiếp tục ủng hộ, tin tưởng, đồng hành cùng Đảng, Nhà nước thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn kiến nghị, trong thời gian tới, các cấp, các ngành chủ động nắm tình hình nhân dân trong bối cảnh giai tầng thay đổi về số lượng, chất lượng; kịp thời giải quyết kiến nghị, bức xúc chính đáng của nhân dân; chú trọng công tác tôn giáo, công tác xóa đói, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đảm bảo lựa chọn người có đức, có tài phục vụ đất nước…
Phát huy quyền làm chủ của nhân dân
Phát biểu kết luận, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho biết, trong thời gian qua, không khí dân chủ trong xã hội có nhiều thay đổi phù hợp với tình hình khách quan và chủ quan cùng với sự phát triển của đất nước, đặc biệt sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin.
“Nhiều vấn đề người dân phản ánh đúng trên lên mạng xã hội thay vì đi theo kênh truyền thống, đã được các cấp chính quyền quan tâm xử lý. Quá trình này thúc đẩy, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, để nhân dân gần gũi, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị”, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.
Trưởng ban Dân vận Trung ương mong muốn, nhiệm vụ quy chế dân chủ ở cơ sở trong thời gian tới tiếp tục đi vào thực chất, hiệu quả; chú trọng lắng nghe, đối thoại giữa các cấp chính quyền với nhân dân; giải quyết công việc liên quan đến nhân dân công khai, minh bạch.
Cải cách và xây dựng hệ thống pháp luật là một trong những yêu cầu quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình dân chủ cơ sở đi vào cuộc sống; thể hiện chủ yếu qua 3 hệ thống văn bản pháp luật: Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; Dân chủ trong doanh nghiệp thuộc phạm vi Bộ luật Lao động sửa đổi, có hiệu lực từ 1/1/2021. Trên cơ sở đó, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai giao Bộ Tư pháp; Bộ Nội vụ; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chủ động triển khai, thực hiện sớm.
Trong thời gian tới, Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị tiếp tục vận động, tuyên truyền nhân dân tham gia thực hiện nhiệm vụ kép trạng thái “bình thường mới”, phù hợp với công tác phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời chú trọng tổ chức lấy ý kiến của nhân dân góp ý vào dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.