Khiếu kiện đông người còn nhiều
Số liệu báo cáo cho thấy, năm 2018, ngành Thanh tra đã giúp thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước tiếp gần 395 nghìn lượt công dân với hơn 271 nghìn vụ việc, 4.475 lượt đoàn đông người; xử lý trên 177 nghìn đơn thư; giải quyết gần 24 nghìn vụ việc thuộc thẩm quyền, đạt 83,7%, cũng là kỷ lục cao. Qua đó, kiến nghị thu hồi cho Nhà nước và trả lại cho công dân gần 3 nghìn tỷ đồng, 100 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 469 người, chuyển cơ quan điều tra 6 vụ, 8 đối tượng…
Công tác tiếp công dân đã từng bước gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhiều vụ việc được giải quyết dứt điểm ngay tại cơ sở. Ý thức, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước trong chỉ đạo, điều hành, xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhất là các vụ việc phức tạp, đông người được nâng lên.
Toàn Ngành nghiêm túc triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để chủ động nắm bắt và xử lý các tình huống phức tạp phát sinh trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo. Điển hình là các vụ việc liên quan đến: dự án mở rộng quốc lộ 1A, quốc lộ 50, quốc lộ 18, tỉnh lộ 861; Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh); Cụm dân cư khu thương mại mở rộng Cai Lậy (Tiền Giang)…
Cũng theo số liệu báo cáo, tuy tình hình khiếu nại, tố cáo có giảm nhưng trong năm 2018, khiếu kiện đông người còn nhiều, mức độ gay gắt. Việc phối hợp giữa các bộ, ngành và UBND các cấp địa phương trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu kiện đông người chưa tốt, còn bị động. Tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đạt mục tiêu đề ra.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo kinh tế ngành (Vụ 1 - Thanh tra Chính phủ) Lê Quang Tiệp, khi thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, trước hết cán bộ cần nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về thanh tra, các quy định của pháp luật liên quan đến thực thi công vụ.
Với những nội dung phức tạp, cán bộ chức năng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng; báo cáo kết quả thanh tra phải rõ ràng, đúng, sai phải có căn cứ pháp luật; tham mưu với lãnh đạo về các nội dung kết luận, kiến nghị phải đảm bảo chính xác, khách quan, đúng pháp luật.
Với từng cuộc thanh tra cụ thể, Phó Vụ trưởng Vụ 1 Lê Quang Tiệp cho rằng, cần căn cứ vào nhiệm vụ để kết hợp việc khảo sát với nắm tình hình để xác định nội dung có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, khâu khảo sát phải tập trung nghiên cứu nhanh, sâu sát, chi tiết nhất có thể đến từng nhóm nội dung.
“Kiểm tra, đánh giá vi phạm đã khó, kiến nghị, xử lý đôi khi còn khó hơn, đòi hỏi kiến nghị, xử lý phải đúng pháp luật, đúng mức độ, đúng đối tượng vi phạm và phải bảo đảm khả thi" - ông Lê Quang Tiệp chia sẻ và nhấn mạnh, ngoài yêu cầu phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, cán bộ thanh tra tham gia các cuộc thanh tra phức tạp, dư luận xã hội quan tâm phải có chuyên môn, nghiệp vụ cao.
"Khi có bản lĩnh chính trị vững vàng, có chuyên môn tốt, khách quan, công tâm, thận trọng... họ sẽ tự tin trước nhiệm vụ được giao dù phức tạp, khó khăn" - Phó Vụ trưởng Vụ 1 nói.
Từ kinh nghiệm giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo, Hàm Cục trưởng Cục Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 1 (Cục 1 - Thanh tra Chính phủ) Phạm Văn Long cho biết, đoàn thanh tra, tổ công tác phải có chính kiến, khách quan trong kiểm tra, xác minh vụ việc; phải nhìn nhận, đánh giá đúng về vụ việc và tôn trọng thực tế khách quan để có kiến nghị, đề xuất phương án giải quyết phù hợp. Với những vụ việc vì nhiều lý do, việc áp dụng luật pháp có nhiều “lăn tăn”, đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho công dân để giải quyết chấm dứt vụ việc.
Phải dành nhiều thời gian cho công tác tiếp công dân
Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ quan trọng hiện nay của cả đất nước, bởi "một đốm lửa nhỏ có thể cháy cả cánh rừng lớn" hay tâm lý "tức nước vỡ bờ", cùng với đó là các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để gây mất ổn định. Do đó, các cấp, ngành, địa phương phải rà soát lại, giải quyết trực tiếp từng vụ việc một cách có lý có tình và đặc biệt phải dành nhiều thời gian cho việc này.
Theo Chánh Thanh tra Bộ Công an Đỗ Văn Hoành, để hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, đông người, phức tạp cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng lực lượng thanh tra thực sự “trong sạch, vững mạnh, liêm chính”, nâng cao trình độ, nghiệp vụ để thực hiện tốt nhiệm vụ.
Cũng theo Chánh Thanh tra Bộ Công an, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, hạn chế xung đột lợi ích dẫn đến phát sinh khiếu nại, tố cáo. Trường hợp có phát sinh vụ việc, người đứng đầu phải chỉ đạo, giải quyết dứt điểm ngay tại cơ sở để ổn định tình hình, hạn chế khiếu nại, tố cáo phức tạp, vượt cấp.
“Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, trách nhiệm của các thủ trưởng cơ quan Nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiên quyết xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân có thẩm quyền thiếu trách nhiệm, vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ. Đồng thời, xử lý nghiêm đối với các trường hợp lợi dụng quyền tự do dân chủ, quyền khiếu nại, tố cáo vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự”, ông Đỗ Văn Hoành đề xuất.
Lực lượng Thanh tra của Ngành Công an cần phối hợp với các đơn vị liên quan, tham mưu lãnh đạo chỉ huy làm tốt công tác nắm chắc tình hình, phát hiện âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, lợi dụng quyền tự do, dân chủ, quyền khiếu nại, tố cáo để kích động, lôi kéo tập trung đông người, biểu tình trái pháp luật… để có kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh.
Thời gian tới, Ngành Thanh tra sẽ quan tâm, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại và các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; triển khai Luật Tố cáo (sửa đổi), nhất là những điểm mới. Trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo.