Chiều 15/7, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác thanh tra 6 tháng đầu năm 2015 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2015. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự và chỉ đạo hội nghị.Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN |
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: 6 tháng đầu năm, tiến độ triển khai và kết luận các cuộc thanh tra đã kết thúc thanh tra trực tiếp có chuyển biến. Chất lượng kết luận các cuộc thanh tra được nâng lên, các kiến nghị xử lý khách quan, chính xác, kịp thời, khả thi hơn. Tỉ lệ thu hồi tiền, tài sản qua thanh tra đạt cao (81,7%) cho thấy những cố gắng, nỗ lực của ngành thanh tra.
Những kết quả tích cực đó đã giúp vị thế, uy tín của ngành thanh tra được nâng cao trong quần chúng nhân dân, được sự ghi nhận của quốc tế. Công tác thanh tra đã góp phần giữ vững ổn định trật tự, an ninh xã hội, đặc biệt trong thời gian tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Chỉ rõ những hạn chế trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Thủ trưởng, cán bộ các bộ, ngành, địa phương phải nghiêm túc thi hành Luật Tiếp công dân, phải coi đây là việc thường xuyên, hàng ngày để đảm bảo công tác tiếp công dân sâu sát, hiệu quả hơn. Thực tế cho thấy, nếu người lãnh đạo địa phương nào quan tâm đến công tác tiếp dân thì địa phương đó giải quyết rất tốt khiếu nại, tố cáo.
Phó Thủ tướng yêu cầu thanh tra các cấp, các địa phương phải quan tâm, chú trọng xây dựng ngành, có chiến lược lâu dài chứ không chỉ tập trung giải quyết từng vụ việc. Thanh tra các cấp phải tiếp tục quán triệt và thực hiện tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách; tăng cường vai trò chủ đạo trong tham mưu các bộ, ban, ngành trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong thời gian tới, ngành thanh tra cần chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo và phần mềm công tác thống kê, tổng hợp thanh tra, khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng.
Trong 6 tháng cuối năm, nhiệm vụ trọng tâm của ngành thanh tra là làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để ổn định an ninh, trật tự xã hội, phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp và tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết: 6 tháng đầu năm, toàn ngành đã triển khai 2.842 cuộc thanh tra hành chính và 116.334 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 268.251 tổ chức, cá nhân. Qua đó, thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 11.298,6 tỷ đồng, 655,7 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 7.593,5 tỷ đồng (đã thu hồi 6.203,3 tỷ đồng, đạt 81,7%) và 514,7 ha đất.
Ngành Thanh tra đã ban hành 106.562 quyết định xử phạt vi phạm đối với tổ chức, cá nhân với số tiền 1.830 tỷ đồng; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 405 tập thể, 23 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 28 vụ, 76 đối tượng.
Tuy nhiên, một số bộ, ngành, địa phương triển khai thanh tra còn chậm so với kế hoạch. Thời gian xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra ở một số cuộc thanh tra còn để kéo dài, chất lượng còn hạn chế. Công tác đôn đốc, xử lý về thanh tra tuy đã được quan tâm nhưng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản ở một số bộ, ngành, địa phương còn thấp, chưa đáp ứng tiến độ đề ra.
Tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt cao (86,6%, tăng 0,7% so với cùng kỳ 2014); tỷ lệ khiếu nại, tố cáo đúng hoặc đúng một phần giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2014, cho thấy sự nỗ lực và chất lượng thực hiện chức trách, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước đã được nâng lên rõ rệt.
Mặc dù vậy, một số địa phương giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài còn chậm, chưa quyết liệt; số vụ việc tái khiếu nhiều; việc chấp hành mệnh lệnh hành chính chưa nghiêm. Hiệu quả thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo c òn hạn chế nhưng chậm được khắc phục.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, ngành thanh tra đã phát hiện 29 vụ, 58 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng với số tiền 27,5 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 9,3 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 09 cá nhân, kiến nghị xử lý hình sự 09 vụ, 07 đối tượng.
Cơ quan điều tra ngành công an đã thụ lý điều tra 225 vụ, 600 bị can phạm tội về tham nhũng; đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 103 vụ, 272 bị can; đang tiếp tục điều tra 114 vụ, 320 bị can. Một người tố cáo, phát hiện tham nhũng được khen thưởng.
Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ: Công tác phòng, chống tham nhũng của các cấp, các ngành chưa được tập trung cao, còn thiếu quyết liệt, tình hình tham nhũng chưa được đẩy lùi, còn diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực. Một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng triển khai chưa tích cực và chưa phát huy hiệu quả thực tế.
Một số cơ quan, đơn vị, người đứng đầu chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo thiếu kiên quyết dẫn đến việc thực hiện còn chưa nghiêm túc. Hiệu quả một số cuộc thanh tra trách nhiệm chưa cao. Việc nắm bắt thông tin về quản lý nhà nước đối với công tác phòng, chống tham nhũng còn hạn chế nhất định.
Thảo luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang nêu vấn đề: Hiện nay, việc chồng chéo thanh tra giữa Trung ương - địa phương và giữa các địa phương đang tồn tại, gây nhiều trở ngại, vướng mắc. Sự trao đổi, phối hợp giữa một số cơ quan thanh tra chưa thường xuyên, hiệu quả còn hạn chế. Ông Vũ Chí Giang đề nghị Thanh tra Chính phủ cần xây dựng quy chế phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra và chỉ đạo khảo sát kế hoạch thanh tra định kỳ giữa Trung ương và địa phương để tránh chồng chéo, trùng lặp.
Về vấn đề thực hiện kết luận thanh tra, ông Vũ Chí Giang cho biết: Trên thực tế, nhiều trường hợp kết luận thanh tra được công bố rồi nhưng vẫn chưa có chữ ký của đối tượng bị thanh tra, có những kết luận thanh tra không khả thi. Sự đối phó của các cơ quan, đơn vị, cá nhân khiến công tác thanh tra gặp nhiều khó khăn trong khi vẫn chưa có cơ chế cung cấp thông tin thanh tra hiệu quả. Thanh tra Chính phủ cần nghiên cứu và sớm ban hành quy chế về cung cấp thông tin thanh tra.
Cũng đề cập đến vấn đề này, Chánh Thanh tra tỉnh Lạng Sơn Vũ Văn Quang đề xuất cần có chế tài cụ thể, hiệu quả để xử lý những đối tượng thanh tra cố tình không thực hiện kết luận thanh tra.