Dự án metro sẽ đưa vào khai thác năm 2024
Trong ngày làm việc thứ 2, HĐND TP Hồ Chí Minh chất vấn Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT), Giám đốc Sở Du lịch, Chủ tịch UBND Quận 1 về các nội dung liên quan đến quy hoạch và phát triển của từng ngành.
Đại biểu (ĐB) Trần Quang Thắng (Quận 11) đã chất vấn lãnh đạo ngành Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh về việc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sau khi hoàn thành sẽ được đưa vận hành theo hình thức nào? Việc thu phí như thế nào và nguồn thu sẽ được sử dụng ra sao?
ĐB Trần Quang Thắng cũng băn khoăn về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) ở tuyến đường sắt này.
Liên quan đến tiến độ thực hiện tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, đây là công trình trọng điểm quốc gia, dự kiến hoàn thành trong năm 2023 và đưa vào vận hành khai thác an toàn, hiệu quả vào năm 2024.
Đến thời điểm này, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh đã công bố mẫu thẻ IC thông minh sử dụng để đi tuyến đường sắt đô thị metro số 1. Việc ứng dụng thẻ thông minh sẽ giúp việc vận hành tuyến metro thuận tiện nhất.
Ông Trần Quang Lâm cho biết, rút kinh nghiệm tại hầm Thủ Thiêm, khi đưa tuyến metro số 1 vào vận hành, các cơ quan chức năng phải nghiên cứu kỹ phương án, các kịch bản để đảm bảo PCCC trong mọi tình huống. Những tình huống này sẽ được tập huấn, phổ biến đến từng đơn vị, cơ quan liên quan để có thể đảm bảo công tác an toàn PCCC khi đưa vào sử dụng.
Còn đại biểu Đoàn Thị Ngọc Cẩm chất vấn về tiến độ xây dựng cầu Cần Giờ. Trả lời chất vấn này, ông Trần Quang Lâm cho biết, huyện Cần Giờ có thuận lợi để phát triển giao thông xanh, thành phố du lịch. Nhưng để phát triển được thì hạ tầng phải đi trước. Cử tri, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cũng đã nhìn nhận là phải ưu tiên xây dựng cầu Cần Giờ. Hiện nay, các cơ quan chuyên môn cơ bản hoàn thành việc lập báo cáo tiền khả thi với dự án và đang cùng với huyện Cần Giờ rà soát chi phí giải phóng mặt bằng. Dự án dự kiến có quy mô đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng, phấn đấu trình HĐND TP Hồ Chí Minh thông qua chủ trương đầu tư vào cuối năm 2023, khởi công xây dựng vào ngày 30/4/2025. Song song với việc nghiên cứu thực hiện dự án cầu Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh cũng sẽ nghiên cứu dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, nghiên cứu hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối của huyện Cần Giờ.
Đại biểu Lê Minh Đức (Quận 4) đặt vấn đề: Quy hoạch phát triển giao thông TP Hồ Chí Minh được Thủ tướng phê duyệt năm 2007, điều chỉnh năm 2013, đến nay việc xây dựng phát triển hạ tầng chậm, chưa tương xứng tiềm năng, vị thế của TP Hồ Chí Minh. Việc này không chỉ là điểm nghẽn ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội thành phố mà ảnh hưởng đến cả vùng. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đã có những giải pháp gì để phát triển hạ tầng giao thông trong thời gian tới?
Theo ông Trần Quang Lâm, để thực hiện quy hoạch phải triển khai dự án, phải có nguồn lực và thời gian. Vừa qua, Thành phố đã đánh giá sơ kết giữa nhiệm kỳ và nhận định, nguồn lực dành cho giao thông để thực hiện các dự án chỉ đạt 30%. Ngoài ra, quan điểm kinh tế hạ tầng khá mới mẻ nên việc triển khai quy hoạch cũng bị chậm. Trong khi đó, một số dự án có nguồn lực, đã bố trí vốn nhưng nhiều dự án không đạt tiến độ. HĐND TP Hồ Chí Minh đã có nhiều cuộc giám sát và chỉ ra nguyên nhân lớn nhất vẫn là do việc đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư chậm. Thành phố cũng nhận định phải có giải pháp về thể chế và tại Nghị quyết 98/2023/QH15 đã có nhiều cơ chế để phát huy nguồn lực. Khi có nguồn lực, có dự án thì phải triển khai nhanh. Mới đây, TP Hồ Chí Minh có dự án điển hình trong triển khai là dự án Vành đai 3. Thành phố cũng đã chỉ đạo phải nghiên cứu tinh thần, cách làm từ dự án này để đẩy mạnh, triển khai nhanh các dự án khác.
Ngành du lịch tăng chất lượng phục vụ
Tại phần chất vấn với bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, ĐB Trương Lê Mỹ Ngọc đặt vấn đề: Trong thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh quảng bá xúc tiến du lịch. Vậy Sở đã có những giải pháp gì để hoạt động này phát triển hơn trong thời gian tới?
Còn ĐB Đặng Trần Trúc Dao cho rằng, Thành phố là điểm đến thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước, tuy nhiên thời gian qua, các công ty du lịch chủ yếu quảng bá, giới thiệu các chuyến du lịch gói gọn khai thác nội đô Thành phố, còn các điểm ngoại thành, dù không thiếu điểm du lịch tiềm năng, nhưng chưa thấy đưa vào chương trình… Sở Du lịch cần đưa các điểm du lịch ngoại thành vào các sản phẩm du lịch.
Trong khi đó, ĐB Trần Quang Thắng chất vấn, hiện nay Chính phủ đã thông qua thủ tục cấp và gia hạn visa đối với khách quốc tế, vậy TP Hồ Chí Minh có giải pháp gì để thu hút du khách đến? Các bến tàu du lịch thiếu bến đỗ, khó khăn này được giải quyết ra sao?
Trả lời các vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành du lịch thực hiện nhiều biện pháp phát triển du lịch bền vững. Trong đó, xác định các giải pháp phát triển sản phẩm, tài nguyên, thương hiệu, xúc tiến quảng bá, đào tạo nhân lực, đầu tư các trung tâm mua sắm, tăng cường ứng dụng công nghệ quảng bá, trọng tâm là phát triển sản phẩm. Ngành cũng xác định các sản phẩm tiềm năng, có lợi thế thành sản phẩm đặc thù là đường thủy; giải trí tích hợp kinh tế đêm; du lịch sự kiện; phối hợp Sở Văn hóa Thể thao tiếp tục phát triển sản phẩm gắn với từng di tích văn hóa, kết hợp công nghệ tăng cường xúc tiến, quảng bá sản phẩm.
Chia sẻ về việc phát triển kinh tế đêm, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, đây là hướng phát triển gia tăng chi tiêu hoạt động kinh tế. Hiện nay, một số quận, huyện, nổi bật là Quận 1 và Quận 3, đang tập trung thực hiện đề án tuyến phố đi bộ gắn với hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ phát triển du lịch. Ngành cũng đang cùng các chuyên gia lựa chọn các điểm đến phát triển tuyến đặc trưng để phát triển các sản phẩm du lịch liên quan đến kinh tế đêm, từ đó có thể giữ chân du khách được lâu hơn.
Liên quan đến việc phát triển du lịch đường thủy, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết thêm, hiện ngành du lịch và các ngành khác quan tâm tháo gỡ khó khăn để có cơ chế sử dụng quỹ đất ven trên kênh; quy chế kêu gọi xã hội hóa đầu tư các bến đón trả khách, bến neo đậu. Tuy nhiên, một trong những khó khăn trong phát triển du lịch đường thủy là tạo thói quen giao thông thủy.
“Mỗi năm, có 300.000 lượt sử dụng phương tiện đường thủy, thấp hơn nhiều so với tiềm năng. Nếu phát triển được giao thông đường thủy thì phát triển du lịch đường thủy cũng sẽ thuận lợi hơn. Do đó, thời gian tới cần có sự tập trung phát triển giao thông đường thủy”, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa nói.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, hiện ngành du lịch đang xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ giới thiệu các tuyến du lịch đường thủy; chú trọng kết nối phát triển du lịch đường thủy gắn liền với các điểm di tích, văn hóa lịch sử…