Ngày 10/7, HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X đã khai mạc kỳ họp thứ 10 để xem xét nhiều tờ trình quan trọng của UBND TP Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội.
Tại kỳ họp này, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã trình bày tờ trình về ban hành Nghị quyết của HĐND TP Hồ Chí Minh triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh (Nghị quyết 98) .
Theo ông Phan Văn Mãi, Nghị quyết 98 được Quốc hội thông qua với nhiều cơ chế, chính sách mới tạo điều kiện cho TP Hồ Chí Minh khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của Thành phố để tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam bộ và cả nước. Tại Nghị quyết 98, Quốc hội đã giao HĐND TP Hồ Chí Minh 14 nhiệm vụ; trong đó, ban hành tiêu chí, điều kiện, mức hỗ trợ, nội dung, thời gian hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm; quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao, văn hóa; ban hành danh mục dự án áp dụng loại hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu; quyết định phí, lệ phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí; quy định đối tượng, điều kiện, trình tự, thủ tục, mức, thời gian hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP Hồ Chí Minh (HFIC) cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố từ nguồn vốn đầu tư công của ngân sách Thành phố.
HĐND TP Hồ Chí Minh còn có nhiệm vụ quy định trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha; ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, lộ trình chuyển đổi đối với công nghệ được chuyển đổi và điều kiện, định mức, đơn giá, giá đặt hàng liên quan đến khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được đặt hàng bổ sung, kiểm soát khí thải giao thông…
Nghị quyết 98 cũng quy định HĐND TP Hồ Chí Minh có thẩm quyền quyết định sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập nhằm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư theo đồ án thiết kế đô thị riêng, đồ án quy hoạch đô thị vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3 thuộc địa phận thành phố để thu hồi đất, chỉnh trang, phát triển đô thị, thực hiện tái định cư, tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ theo quy định của pháp luật; quyết định sử dụng vốn ngân sách Thành phố, bố trí vốn chuẩn bị đầu tư, dự toán ngân sách hằng năm và bố trí vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của Thành phố để thanh toán cho nhà đầu tư sau khi công trình hoặc hạng mục công trình vận hành độc lập được hoàn thành nghiệm thu, kiểm toán và căn cứ giá trị, tiến độ quy định trong hợp đồng BT.
HĐND TP Hồ Chí Minh còn có thẩm quyền quyết định dự toán, phân bổ ngân sách TP Hồ Chí Minh bảo đảm phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngân sách nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực quan trọng theo quy định của Quốc hội và Chính phủ. Quyết định việc sử dụng ngân sách Thành phố để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng.
Ngoài ra, HĐND TP Hồ Chí Minh bố trí nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do UBND Thành phố làm đại diện chủ sở hữu để bổ sung vốn điều lệ của HFIC; quyết định sử dụng nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon cho các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.
Nghị quyết 98 cho phép HĐND TP Hồ Chí Minh thông qua và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn của Thành phố. Thành phố thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP Hồ Chí Minh...
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, việc xây dựng, ban hành Nghị quyết của HĐND TP Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết 98 đã có đầy đủ cơ sở pháp lý và cần thiết, nhằm cụ thể hóa các quy định của nghị quyết của Quốc hội thành các đề án, nội dung đề xuất cụ thể, thời gian thực hiện và cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện. Nghị Quyết 98 được Quốc hội khóa 15 thông qua tại kỳ họp thứ 5 ngày 24/6/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2023 với nhiều cơ chế, chính sách mới, tạo điều kiện cho TP Hồ Chí Minh khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của Thành phố để tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam bộ và cả nước.
Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, toàn hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp rất phấn khởi đón nhận và đang tập trung chuẩn bị tâm thế, nguồn lực để triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội với nhiều kỳ vọng. Đây là thời cơ, là điều kiện thuận lợi để Thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khai thác có hiệu quả các tiềm năng lợi thế, huy động nguồn lực, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững cho Thành phố trong thời gian tới. Trong 7 nhóm chính sách, cơ chế được ban hành, nhiệm vụ của HĐND TP Hồ Chí Minh mà Quốc hội giao là rất lớn với 14 đầu việc quan trọng. Vì vậy, từng đại biểu phát huy vai trò, trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết, kinh nghiệm trên từng lĩnh vực công tác để thảo luận, đóng góp sát với tình hình thực tế, từ đó đưa ra Nghị quyết HĐND TP Hồ Chí Minh với chất lượng cao nhất.
"Nghị quyết phải rõ ràng, dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra, uốn nắn. Nghị quyết 98 - Nghị quyết thí điểm chính là Nghị quyết hành động, có những vấn đề đột phá vượt lên những quy định bình thường, một số vấn đề mới theo yêu cầu phát triển của Thành phố, của đất nước; có những vấn đề không phù hợp với quy định hiện hành hoặc chưa có trong quy định", Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nói.
Dự kiến kỳ họp này sẽ diễn ra trong 2,5 ngày. Tại kỳ họp, HĐND TP Hồ Chí Minh sẽ xem xét, cho ý kiến về tờ trình ban hành nghị quyết thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội và các nghị quyết trong lĩnh vực đầu tư công; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án; thông qua danh mục dự án đầu tư, thu hồi đất; chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất trồng rừng phòng hộ để thực hiện dự án...
Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, 6 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tăng 3,5%. Các lĩnh vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch tiếp tục phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 1,9%. Chín ngành dịch vụ tăng 5%. Thu ngân sách ước thực hiện đạt hơn 227.000 tỷ đồng, đạt 48% dự toán, chi ngân sách tăng mạnh 71%, trong đó chi đầu tư phát triển tăng 90%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 7%, tổng doanh thu du lịch ước đạt trên 80.000 tỷ đồng, tăng 62%, khách du lịch nội địa đến thành phố đạt trên 16 triệu lượt, tăng 48%, khách quốc tế trên 1,9 triệu lượt, tăng 306% so với cùng kỳ.